Bế tắc kéo dài tại Hồng Kông

23/11/2019 07:24 GMT+7

Vẫn còn người biểu tình cố thủ bên trong Đại học Bách khoa Hồng Kông và không chịu đầu hàng vì lo ngại đối diện án tù.

Gần một tuần kể từ khi cuộc đụng độ xảy ra tại Đại học Bách khoa Hồng Kông (PolyU) ở khu Hồng Khám (quận Cửu Long), hàng chục người biểu tình đến hôm qua (22.11) được cho là vẫn cố thủ bên trong dù tình hình ngày càng khó khăn vì lương thực cạn kiệt. Những người này tìm cách thoát ra ngoài thay vì đầu hàng cảnh sát, do lo ngại có thể bị kết tội bạo động với án phạt tối đa 10 năm tù, theo Đài RTHK.

[VIDEO] Vẫn còn người biểu tình cố thủ trong đại học Hồng Kông

Tuy nhiên, ít nhất 8 người đã ra ngoài rạng sáng qua sau khi được một nhóm nhân viên y tế thuyết phục. Hơn 1.000 người bị bắt hoặc bị lưu vào hồ sơ của cảnh sát sau khi rời khỏi PolyU từ khi cuộc đối đầu nổ ra. Trong số đó, có khoảng 300 người dưới 18 tuổi được thả đi.

Tăng cường an ninh trước bầu cử

Một số người cố thủ bên trong Đại học Bách khoa Hồng Kông

Ảnh: Reuters

Cùng ngày 22.11, Cảnh sát trưởng Hồng Kông Đặng Bỉnh Cường tuyên bố cảnh sát không đặt ra hạn chót để chấm dứt tình hình tại PolyU. Thay vào đó, ông Đặng kêu gọi những người bên trong ra ngoài và hứa sẽ không bắt giữ những người dưới 18 tuổi. “Chúng tôi mong chấm dứt vấn đề một cách hòa bình. Chúng tôi không đặt ra hạn chót”, ông Đặng phát biểu.
Mặt khác, Cảnh sát trưởng Đặng thông báo cảnh sát sẽ tăng cường hiện diện tại các điểm bỏ phiếu trong cuộc bầu cử hội đồng quận vào ngày 24.11 nhằm đảm bảo sự an toàn cho cử tri. “Nếu bạo lực xảy ra thì chúng tôi sẽ đối phó ngay lập tức và không ngần ngại”, ông Đặng tuyên bố. Theo tờ South China Morning Post, cảnh sát được trang bị vũ khí chống bạo động sẽ hiện diện tại tất cả các điểm bỏ phiếu và cảnh sát mặc thường phục cũng túc trực gần đó để sẵn sàng hỗ trợ.
Bế tắc kéo dài  tại Hồng Kông

Bên trong căn tin của Đại học Bách khoa Hồng Kông

Ảnh: AFP

Cử tri sẽ trực tiếp bầu ra 452 thành viên hội đồng ở 18 quận tại Hồng Kông và với việc phong trào biểu tình chống chính quyền leo thang trong vài tháng qua, các ứng viên ủng hộ dân chủ dự kiến có nhiều tiềm năng thắng cử lần này. Tuy nhiên, 452 ủy viên hội đồng quận chỉ đại diện cho 117/1.200 phiếu bầu đặc khu trưởng và 5/70 ghế nghị viên Hội đồng Lập pháp, theo AFP.

Gia hạn lệnh cấm đeo mặt nạ

Trung Quốc nới quy định cho nhà đầu tư Hồng Kông

Chính quyền Hồng Kông và Trung Quốc vừa ký văn kiện sửa đổi của thỏa thuận thương mại song phương CEPA, theo đó nhà đầu tư Hồng Kông được nới lỏng các quy định để có thể tiếp cận sâu hơn vào thị trường đại lục liên quan đến các ngành du lịch, kiểm tra và chứng nhận, truyền hình, điện ảnh và một số ngành khác. Thỏa thuận được thành lập năm 2003 để giúp Hồng Kông khôi phục kinh tế sau đại dịch SARS và được sửa đổi hằng năm, theo tờ South China Morning Post. Lãnh đạo cơ quan tài chính Hồng Kông Trần Mậu Ba nhận định sửa đổi mới rất quan trọng cho nền kinh tế đặc khu, vốn đang chịu ảnh hưởng nặng từ phong trào biểu tình và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Hôm qua, Tòa án tối cao Hồng Kông gia hạn lệnh cấm người biểu tình đeo mặt nạ thêm đến hết ngày 29.11 theo yêu cầu của chính quyền trong thời gian vấn đề được xem xét thêm. Trước đó, chính tòa án này tuyên bố lệnh cấm là vi hiến vì không có bằng chứng cho thấy những hành động bạo lực giảm đi kể từ khi lệnh cấm được Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga ban hành ngày 5.10.
Ủy ban Các vấn đề lập pháp thuộc quốc hội Trung Quốc mới đây chỉ trích tòa án đã vượt quá thẩm quyền khi đưa ra phán quyết nêu trên, đồng thời tuyên bố chỉ có quốc hội mới có quyền xác định các quy định có phù hợp với bộ luật Cơ bản của Hồng Kông hay không.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.