Bên rìa làn sóng tẩy chay, ‘Trạng Tí phiêu lưu ký’ có gì?

03/05/2021 09:00 GMT+7

Với tư cách một tác phẩm điện ảnh độc lập, Trạng Tí phiêu lưu ký xứng đáng được nhìn nhận như một bộ phim thiếu nhi tròn trịa và chỉn chu. Tuy nhiên, phim sẽ khó lòng thỏa mãn fan bộ truyện gốc Thần đồng đất Việt.

Điện ảnh Việt đã sẵn sàng cho dòng phim phiêu lưu kỳ ảo

Đối với kinh đô Hollywood, các bộ phim dành cho thiếu nhi thuộc thể loại adventure - fantasy (phiêu lưu kỳ ảo) vốn là dòng phim “hái ra tiền”. Những Alice in wonderland, Wizard of Oz hay Charlie and the chocolate factory... là những tựa phim kinh điển được ưa chuộng bởi bao thế hệ. Nhiều bộ phim như Harry Potter hay Narnia thậm chí trở thành hiện tượng và được phía nhà sản xuất “vung tiền” thực hiện thành mô hình franchise (chuỗi phim) kéo dài nhiều năm liền. Tuy nhiên đối với thị trường điện ảnh Việt Nam, đây là một dòng phim khó nhằn và ít ai dám đầu tư thực hiện do thiếu chất liệu cũng như kiêng dè nguồn chi phí “khổng lồ” dành cho bối cảnh. Từ nhiều năm trước, Ngô Thanh Vân đã thử nghiệm làm phim theo thể loại này qua Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Tuy nhiên, bộ phim lấy cảm hứng từ cổ tích Tấm Cám này lại khá nhạt nhòa và vẫn còn quá nhiều hạt sạn. Phải đến Trạng Tí phiêu lưu ký, Ngô Thanh Vân và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh mới “chắc tay” đưa lên màn ảnh đúng bản chất và màu sắc của dòng phim phiêu lưu kỳ ảo.

Phim mang màu sắc tươi sáng, dí dỏm nhằm thu hút đối tượng khán giả thiếu nhi

Ảnh: Fanpage phim

Một trong những cái khó nhất của dòng phim phiêu lưu kỳ ảo là phải xây dựng được một thế giới tưởng tượng. Nó đòi hỏi hệ thống bối cảnh đồ sộ, đa dạng nhằm thể hiện được sự luân chuyển của các nhân vật từ nơi này sang nơi khác. Bộ phận thiết kế trường quay của Trạng Tí phiêu lưu ký đã làm rất tốt việc này khi tạo ra một thế giới giả tưởng mê hoặc trải dài từ đồng bằng lên các vùng núi cho đến đi vào rừng sâu, mới lạ nhưng vẫn đậm chất Việt Nam. Phim tận dụng tối đa các góc quay rộng, góc máy từ trên cao mang đến khung cảnh thiên nhiên Việt Nam thực sự hùng vĩ, choáng ngợp. Những cánh đồng lúa bạt ngàn, dãy núi đá cheo leo hay những hang động hùng vĩ đều mang đến cho người xem cảm giác mãn nhãn. Kỹ thuật quay phim thể hiện rất tốt bản chất năng động của các nhân vật đang ở độ tuổi nhi đồng. Tuy nhiên, việc lạm dụng kỹ thuật slow-motion (quay chậm) ở các phân cảnh nhóm đôi khi khiến phim trở nên “sến”.

Phần kỹ xảo của phim được đầu tư hoành tráng

Ảnh: Fanpage phim

Cuộc phiêu lưu của Tí và những người bạn có rất nhiều bất ngờ

Ảnh: Fanpage phim

Điểm cộng lớn nhất của Trạng Tí phiêu lưu ký nằm ở yếu tố kỹ xảo. Có thể xem đây là bộ phim được đầu tư kỹ xảo hoành tráng nhất và hợp lý nhất của Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Các yếu tố thuộc về trí tưởng tượng hay tâm linh đều được thổi vào sự lung linh, huyền hoặc nhờ vào kỹ thuật CGI. Quan trọng hơn hết, đường dây kỹ xảo được tính toán rất chi tiết, bố trí phù hợp ở từng phân cảnh nhằm tạo nên tổng thể kỳ ảo rất vừa vặn cho phim. Các nhân vật thần thánh, linh thú dựng bằng 3D đều chuyển động vô cùng mượt mà, thoại khớp, không bị cảm giác sượng khi xem. Trạng Tí phiêu lưu ký thậm chí còn “chiêu đãi” khán giả hẳn một đoạn phim kể bằng hình thức animation (hoạt họa) ở cảnh mở màn đậm chất Việt, với bối cảnh thiên đình trên nền nhạc dân ca cùng sự xuất hiện của hình tượng trống đồng, chim lạc... Có thể thấy với năng lực hiện tại, các nhà làm phim Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng để mang đến cho khán giả một bộ phim thuộc trường phái phiêu lưu, kỳ ảo mãn nhãn.

Phần hình ảnh của phim vô cùng mãn nhãn

Ảnh: Fanpage phim

Yếu tố kỳ ảo được áp dụng rất vừa vặn và hợp lý trong phim

Ảnh: Fanpage phim

Phim cổ trang, thông điệp hiện đại

Câu chuyện của Trạng Tí phiêu lưu ký khởi nguồn từ những mặc cảm của Tí. Dù thông minh nhưng cậu bé không cha vẫn bị bạn bè trêu chọc, người làng khinh khi. Nhìn thấy mẹ mình bị người đời gièm pha, Tí mới nảy sinh mong muốn lên chùa Phật Quang tìm sư thầy Thích Thông Tuệ nhằm hỏi thăm danh tính của cha mình. Sau đó, Tí lên đường cùng với sự đồng hành của những người bạn thân thiết nhất là Sửu, Dần, Mẹo. Bộ tứ phải trải qua nhiều thử thách, đụng độ kẻ ác và vượt qua những nỗi sợ riêng. Nhìn chung, cốt truyện được triển khai khá tốt, bám sát trên những diễn biến tâm lý phù hợp của nhân vật.

Hoàng Phi trong vai tướng cướp

Ảnh: Fanpage phim

Với cấu trúc kịch bản ba hồi quen thuộc, biên kịch Bình Bồng Bột và Phan Gia Nhật Linh đã tạo nên một chuyến hành trình thú vị cho những đứa trẻ làng Phan Thị. Có thể nói, đội ngũ biên kịch đã rất liều lĩnh khi đặt ra vấn đề cho Tí đi tìm cha nhằm tạo nên một cái “cớ” bắt nguồn cho chuyến du hành của bộ tứ Tí, Sửu, Dần, Mẹo. Dù sự lựa chọn này làm câu chuyện trong phim chệch đi so với nguyên tác truyện tranh, gây tranh cãi dữ dội trong cộng đồng mạng. Phim nhấn mạnh về mối quan hệ giữa Tí và mẹ, trao thêm cho “thần đồng” một nỗi khát khao to lớn về việc đi tìm một gia đình đủ đầy đúng nghĩa. Cách giải quyết ở cuối phim đưa đến một cái nhìn hiện đại, nhân văn về vấn đề làm mẹ đơn thân.
Thông điệp lớn nhất của bộ phim được đưa ra khá minh bạch và thỏa đáng, mang đến bài học không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà kể cả các phụ huynh. Việc bồi dưỡng tri thức cho con trẻ là rất cần thiết nhưng phải song hành cùng việc nuôi dưỡng tâm hồn, dạy cho chúng cách biết rung động, yêu thương và thấu hiểu cho cảm xúc của người khác. Hai khái niệm “cái lý” và “cái tình” được nhắc đến nhiều lần trong phim, đôi khi song hành, đôi khi đối lập. Và dù ở thời đại nào đi chăng nữa, hành vi của mỗi con người thể hiện ra bên ngoài ra sao, trong tình huống nào, đều khởi phát từ sự cân đong đo đếm giữa hai yếu tố đó.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh làm việc trên trường quay cùng dàn diễn viên nhí

Ảnh: Fanpage phim

Phim về "thần đồng" nhưng vẫn tồn tại lỗ hổng logic

Dù vậy, phim vẫn tồn tại một số nhược điểm khó lòng thỏa mãn khán giả khó tính. Cụ thể hồi một và hai của Trạng Tí phiêu lưu ký có thời lượng dài không cần thiết, gây cảm giác lê thê. Nhiều miếng hài được cài cắm không hiệu quả vì chỉ đơn thuần là chọc cười bằng ngoại hình và những cử chỉ phóng đại. Tí và nhóm bạn phải vượt qua nhiều cửa ải nhưng các tình huống dẫn dắt na ná nhau, dẫn đến thiếu sức hút.
Vì xây dựng một chuyến hành trình với nhiều tình huống mà Trạng Tí phiêu lưu ký sở hữu hệ thống nhân vật phụ khá đồ sộ, nhưng hầu hết các nhân vật đều bị nông, không mấy ấn tượng. Ngay cả nhân vật phản diện chính của phim là tên tướng cướp chột mắt do Hoàng Phi thủ vai cũng chỉ được khai thác hời hợt về mặt tâm lý. Điều này dẫn đến tâm tư, cách hành xử của hắn đôi khi khá ngớ ngẩn. Ngay cả nhân vật chú tiểu võ nghệ cao cường, đánh đấm mãn nhãn cũng không làm người xem thực sự cảm mến bởi thiếu sự kết nối với nhóm nhân vật chính. Về mặt cảm giác, không gian cổ trang dù đẹp nhưng chưa đủ chân thực. Trang phục, hóa trang vẫn hơi lòe loẹt và quá tinh tươm so với đời sống nông thôn Bắc bộ thời phong kiến.

“Trạng Tí” bị tẩy chay, Ngô Thanh Vân chỉ xin một điều

Điều đáng tiếc nhất dành cho Trạng Tí phiêu lưu ký nằm ở những lỗ hổng về mặt logic. Một bộ phim xây dựng xung quanh nhân vật chính được dán mác “thần đồng” nhưng lại có nhiều tình tiết rất ngô nghê. Nhiều nút thắt được cài cắm nhưng khi mở ra thì chưa thực sự thỏa đáng. Như cách mà bọn trẻ trốn thoát một cách dễ dàng khỏi băng cướp lẫy lừng, hay câu chuyện múc nước sông đổ vào giếng cho trái bưởi nổi lên... Thử thách căng thẳng nhất ở cuối phim dành cho Tí và các bạn là một câu hỏi logic khá quen thuộc. Nhưng cách giải thích của phim qua lời thoại của Tí khá mơ hồ, dễ gây hoang mang.
Tóm lại, Trạng Tí phiêu lưu ký sở hữu những điểm sáng nhất định mà chưa có phim thiếu nhi nào ở Việt Nam từng làm được. Dưới bàn tay của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, bộ phim thực sự là một bữa tiệc hình ảnh khơi gợi được cảm giác mộng mơ, trong trẻo của tuổi thơ. Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến tài năng của năm diễn viên nhí Hữu Khang, Bảo Tiên, Hoàng Anh, Đức Long, Hoàng Duy trong vai Tí, Sửu, Dần, Mẹo và chú tiểu. Các em diễn quá tốt, rất tự nhiên, chịu lăn xả và thực sự tạo nên linh hồn của bộ phim. Trạng tí phiêu lưu ký là một bộ phim nhẹ nhàng, thích hợp để giải trí cho trẻ em và gia đình. Đứng bên rìa của những tranh cãi, tẩy chay, bài xích, Trạng Tí phiêu lưu ký thực sự là một làn gió mới lạ, đáng để trải nghiệm của điện ảnh Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.