Bệnh "hậu tiêu chảy"

08/11/2007 22:11 GMT+7

80% trường hợp bệnh nhi mắc hội chứng urê huyết - tán huyết có liên quan đến tiêu chảy.

Tam chứng điển hình

Theo khảo sát của bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê (Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM) cùng nhóm bác sĩ trường Đại học Y Dược, TP.HCM, Trung tâm Đào tạo & Bồi dưỡng cán bộ y tế (TP.HCM) về hội chứng urê huyết - tán huyết ở trẻ em, cho thấy bệnh điển hình bởi tam chứng: thiếu máu tán huyết, suy thận cấp và giảm tiểu cầu.

Hội chứng urê huyết - tán huyết xảy ra nhiều ở các nước châu u trước đây sau những đợt dịch nhiễm trùng đường tiêu hóa do E.coli O157:H7. Bên cạnh thể urê huyết - tán huyết có tiêu chảy (chiếm 80-90% trong thể này là do nhiễm E.coli O157:H7), còn có một tỷ lệ urê huyết - tán huyết không tiêu chảy do nhiễm phế cầu và do di truyền. Người ta ghi nhận, E.coli O157:H7 là nguyên mẫu gây hội chứng urê huyết - tán huyết. Tại Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về hội chứng này.

Biểu hiện của urê huyết - tán huyết
Triệu chứng và biến chứng

Triệu chứng thường gặp của bệnh là: nôn ói, đau bụng, sốt, xuất huyết da, vô niệu, cao huyết áp... Trong đó, triệu chứng ói và đau bụng được xem là dấu hiệu cơ bản.

Theo các bác sĩ, việc sử dụng thuốc kháng sinh sẽ làm tăng nguy cơ urê huyết - tán huyết ở những trẻ có tiêu chảy.

Theo nhóm bác sĩ trên, khi trẻ bị tiêu chảy cấp, đặc biệt là những trẻ đi tiêu đàm máu cần cấy phân để tìm E.coli O157:H7. Tần suất mắc hội chứng urê huyết - tán huyết sau nhiễm E.coli đường ruột có thể lên đến 14%. Các nhà chuyên môn cũng ghi nhận, tỷ lệ biến chứng từ bệnh này sang suy thận cấp cần phải lọc máu chiếm 50%. Hầu hết bệnh nhi có tổn thương tế bào gan. Vô niệu cũng là biến chứng thường gặp. Biến chứng cao huyết áp, phù có tần suất 100% - thường xuất hiện vào ngày thứ 4 (tính từ lúc trẻ bắt đầu bị tiêu chảy); biến chứng co giật gặp 50% và thường xuất hiện vào ngày thứ 5, thứ 6, nhưng biến chứng này không để lại di chứng.

Về phương pháp chữa trị, nhờ những tiến bộ trong hồi sức cấp cứu, tỷ lệ tử vong ở bệnh urê huyết - tán huyết hiện nay thấp (chiếm khoảng 5-10%), chủ yếu là do tổn thương thần kinh. Tuy nhiên, có 15% bệnh nhi bị suy thận mãn tính sau đó...

Khánh Vy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.