TNO

Bệnh hay quên

20/03/2016 21:59 GMT+7

(Tin Nóng) Trung bình, trong tuần một bạn trẻ ít nhất sẽ nói một lần chữ “quên”. Học sinh quên làm bài tập, ra đường quên mang nón, quên khẩu trang, đi ăn quên mang tiền… Phải chăng đó là một dạng bệnh?

(Tin Nóng) Trung bình, trong tuần một bạn trẻ ít nhất sẽ nói một lần chữ “quên”. Học sinh quên làm bài tập, ra đường quên mang nón, quên khẩu trang, đi ăn quên mang tiền… Phải chăng đó là một dạng bệnh?

Từ “quên” có vẻ dễ dùng, trở thành thói quen của nhiều bạn trẻ - Ảnh: Shutterstock

Quên thật, quên giả

Mới sáng đầu tuần, vào cơ quan đã thấy Hoa hớt hải chạy vội xuống bãi xe, hỏi đi đâu gấp, Hoa bảo: “Chạy về nhà khóa cái bếp gas, sáng đi vội quên mất”.

Chị Nguyễn Thị Năng, trưởng phòng hành chính một công ty ở Q.2, TP.HCM than thở: “Nhân viên tôi khi chưa hoàn thành công việc, hỏi tội, họ luôn bảo “quên”. Không biết “quên” có tội gì mà ai cũng đổ cho nó”.

“Quên” là lý do mà nhiều học trò, sinh viên đưa ra khi chưa làm xong bài tập, tiểu luận. Đợi email một đồng nghiệp hoài không thấy, gọi điện hỏi thì đồng nghiệp bảo “quên” kèm theo vô số lý do khác dẫn đến quên (?).

Chị Võ Thị Ánh, có con trai đang học lớp 11, buồn rầu kể: “Thắng bé có biểu hiện trầm cảm, hay quên. Đi khám, bác sĩ bảo cháu bị giảm trí nhớ, phải uống thuốc. Bây giờ nếu trách cháu không làm cái này, không nhớ cái kia thì cháu bảo, con bị bệnh không nhớ mà mẹ cứ la con hoài. Riết chẳng biết nó quên thật hay quên giả”.

Theo cô Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, ở góc độ tâm lý, quên là hiện tượng không tái hiện được thông tin tại thời điểm cần thiết, nghĩa là đúng lúc đó không nhớ ra nhưng qua rồi thì có khi nhớ tường tận, rõ mồn một. Hiện tượng này khá phổ biến.

Lý giải nguyên nhân quên ở góc độ tâm lý, cô Thu Huyền giải thích: “Quên có nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, người mệt mỏi, buồn phiền, làm quá nhiều việc cùng một lúc, thông tin ít ấn tượng khiến mình không chú ý, thông tin không quan trọng, thông tin không được sắp xếp theo logic nhất định, sự kiện không tạo cảm xúc mạnh… Do đó, quên có thể là do bản thân người đó không cố ý”.

Ở góc độ bệnh lý, bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Đình Phương  - Trung tâm pháp y tâm thần TP.HCM cho biết, quên là tình trạng rối loạn trí nhớ, có nhiều dạng: Giảm nhớ, tăng nhớ, quên toàn bộ, quên từng phần, quên thuận chiều, quên ngược chiều, quên trong cơn, quên tiến triển, quên cố định, quên thoái triển...

Bác sĩ  Phương nói thêm, quên theo kiểu không nhớ lấy mắt kiếng, khẩu trang hay quên bỏ tiền vào ví… chỉ là quên thoáng qua, không phải quên bệnh lý. “Chiếc đồng hồ ở nhà lúc nào cũng kêu tí tách nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng nghe, dù nó đang kêu. Sự quên tiếng tích tắc đó là do ta không chú ý đến âm thanh đó do đang tập trung vào một công việc khác. Trong đời sống thường ngày cũng vậy, do quá để ý, suy nghĩ về một việc nào đó mà ta quên những cặp sách…”.

Nói về thói quen đổ lỗi cho “quên”,  cô Nguyễn Thị Thu Huyền nhấn mạnh: “Từ “quên” có vẻ dễ dùng, trở thành thói quen của nhiều bạn trẻ nên họ hay lạm dụng nó để bào chữa cho việc mình không muốn làm. Ví dụ, không muốn gặp một người bạn, không tới chỗ hẹn rồi sau đó viện cớ là “quên”, cười xuề xòa. Chúng ta cũng dễ dàng chấp nhận lý do này nên thói quen đó càng được cũng cố ở người dùng. Trong một số trường hợp, quên có thể là biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm. Như đã nói, nếu cá nhân coi thông tin đó là không quan trọng thì sẽ không nỗ lực ghi nhớ, tất yếu sẽ dễ quên. Một người thờ ơ với nhiệm vụ của mình thì khả năng cao sẽ ghi nhớ các nhiệm vụ một cách hời hợt và… dễ quên”.

Vài mẹo để luôn nhớ

“Các bạn trẻ hay quên cần tập cho mình sự liên tưởng (liên hệ thông tin cần nhớ với một hình ảnh hoặc một hiện tượng vui vui), sắp xếp thông tin theo hệ thống, tổ chức công việc của bản thân một cách khoa học…”, cô Thu Huyền gợi ý.

Còn bác sĩ Trần Đình Phương khuyên: “Để khắc phục tình trạng quên trong công việc, trong đời sống, nên ghi chú lại những công việc cần làm trong ngày, trong tuần bằng giấy, điện thoại, iPad… Nên có sự ngăn nắp, trật tự trong cuộc sống như giày dép phải để ở tủ, chìa khóa treo nơi cố định, bút viết để đúng nơi đã định, kiếng mát khẩu trang cũng vậy, bộ đồ nghề sửa điện luôn để ở một cái hộp dưới chân cầu thang… Như thế, chỉ cần đụng đến là ta nhớ ngay, bước ra đường sẽ nhớ lấy kiếng, khẩu trang, chìa khóa ở đâu, làm việc gì chỉ cần nhìn vào bảng ghi chú…”.

Mình là “chúa hay quên”, má hay bảo mình “đểnh đoảng”. Để nhớ, mình phải viết tất cả vào điện thoại. Điện thoại mình hay reo lên là vì đang nhắc nhở công việc giúp mình đó. (Thanh Trang - nhân viên văn phòng).

Mình rất bực khi sinh viên lấy “quên” để giải thích cho việc chưa hoàn thành công việc. Có lẽ quên là lý do dễ nhất các bạn nghĩ ra được và cũng dễ nhận được sự cảm thông. (Hồ Thị Hương - Giảng viên)

Bản thân mình cũng hay quên nhưng mình không lấy quên để thoái thác trách nhiệm. Các bạn trẻ thì hay mắc lỗi này. Cần tập cho mình thói quen không bao giờ quên dù là một việc nhỏ nhất. (Trần Thị Phụng - phụ huynh)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.