Hôm nay 20.7, thông tin từ Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM cho biết, ê kíp gồm nhiều chuyên khoa của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công một ca bệnh hiếm gặp, bệnh nhân không há miệng được sau tai nạn giao thông.
Bệnh nhân tên H.T.T.T (12 tuổi, ở huyện Krông Pắc, Đắk Lắk), được gia đình đưa đến bệnh viện này khám vì không há miệng được do biến dạng xương hàm dưới, ảnh hưởng trầm trọng đến thẩm mỹ và chức năng ăn nhai, nói, sinh hoạt.
Theo người nhà bệnh nhân, năm 2015 bé bị tai nạn giao thông, làm gãy xương mặt bên phải, được điều trị nội khoa ở quê nhà, không phẫu thuật.
Miệng há ngày càng nhỏ dần sau chấn thương
3 năm sau (năm 2018), gia đình phát hiện bé há miệng ngày càng nhỏ dần. Đến khi bé chỉ há miệng được khoảng 2 cm (bằng một nửa so với người bình thường), gia đình đưa đến bệnh viện ở địa phương khám, và được chỉ định theo dõi, không can thiệp điều trị gì.
Từ năm 2019 đến giữa 2020, bé há miệng nhỏ dần đến khi không há được nữa, ăn uống khó nên được gia đình đưa lại bệnh viện ở địa phương, sau đó chuyển đến một bệnh viện nhi ở TP.HCM, nhưng điều trị chưa khỏi.
Sau đó dịch Covid-19 bùng phát, mãi đến mới đây bé mới được đưa đến khám và được chỉ định nhập viện, điều trị tại Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM. Lúc này, bệnh nhân hoàn toàn không há miệng được, biến dạng xương hàm dưới (làm kéo lùi cằm), ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khó khăn khi nói, ăn uống, dẫn đến suy dinh dưỡng (chỉ nặng 26 kg).
Ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ
Nhận định đây là ca bệnh hiếm gặp, phức tạp, bệnh nhân nhỏ tuổi khó hợp tác, miệng không mở được nên khó khăn khi gây mê qua nội khí quản…, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM đã hội chẩn với các khoa: Phẫu thuật hàm mặt; Gây mê hồi sức; Vi phẫu - tạo hình hàm mặt, để chẩn đoán, đưa ra phương pháp điều trị đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Qua hội chẩn, xác định bệnh nhân bị dính khớp thái dương hàm phải.
Sau hơn 5 giờ, ê kíp bác sĩ Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM đã phẫu thuật thành công. Bác sĩ cắt xương hàm dưới vùng lồi cầu phải và mỏm vẹt phải, chèn vạt cân cơ thái dương phải… Hai ngày sau phẫu thuật, hôm nay 20.7, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, vết mổ không chảy máu, độ há miệng được cải thiện đáng kể (khoảng 4 cm), đã tự uống sữa…
Bệnh nhân sẽ tiếp tục được chăm sóc, hỗ trợ dinh dưỡng, điều trị nội khoa và tập vận động hàm sau phẫu thuật.
Khớp thái dương hàm kết nối xương hàm dưới đến xương của hộp sọ ở mỗi bên, là khớp có cấu tạo rất phức tạp, là khớp động duy nhất của phần sọ mặt.
Theo Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM, dính khớp thái dương hàm là bệnh hiếm gặp, thường liên quan đến tiền sử bị chấn thương hàm mặt ở trẻ em, người trưởng thành khi không được điều trị hoặc chăm sóc không đúng cách. Bệnh thường không có triệu chứng gì ngoài há miệng nhỏ dần theo thời gian, thường không đau.
Bình luận (0)