Bệnh nhân thứ 8 nhiễm vi rút Corona tại Việt Nam

04/02/2020 05:06 GMT+7

Thêm một trường hợp tại Việt Nam dương tính với vi rút Corona chủng mới vừa được công bố sáng 3.2.

Nữ bệnh nhân (ngụ tại tỉnh Vĩnh Phúc) đã được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (H.Đông Anh, Hà Nội).
Đến 20 giờ ngày 3.2, hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam cho biết, thế giới đã ghi nhận 17.486 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona (nCoV) tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ (17.205 trường hợp mắc tại Trung Quốc), trong đó có 362 người tử vong (361 người tại Trung Quốc, 1 người tại Philippines).
Trên thế giới đã ghi nhận 186 trường hợp mắc tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ khác ngoài Trung Quốc đại lục, gồm: Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông, Úc, Đài Loan, Đức, Mỹ, Malaysia, Macau, Pháp, Việt Nam, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Canada, Ý, Nga, Philippines, Anh, Nepal, Campuchia, Tây Ban Nha, Phần Lan, Thụy Điển, Ấn Độ, Sri Lanka.

Một bệnh nhân từng dương tính với nCoV ra viện

Tại Việt Nam, đến ngày 3.2 đã ghi nhận 8 trường hợp mắc, trong đó 2 ca đã khỏi. Trường hợp mắc mới nhất công bố sáng 3.2 là nữ bệnh nhân Việt Nam (ngụ tại tỉnh Vĩnh Phúc), đã được cách ly tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư (H.Đông Anh, Hà Nội) từ 31.1, sức khỏe hiện ổn định. Trước đó, bệnh nhân (BN) này cùng 7 người Việt Nam khác tập huấn tại Vũ Hán, Trung Quốc (trong đó 3 trường hợp đã được xét nghiệm xác định dương tính với nCoV) và cùng trở về Việt Nam ngày 17.1.
Đến 18 giờ ngày 3.2, cả nước có 304 người được cách ly, trong đó có 214 trường hợp đã xét nghiệm loại trừ, 90 trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm. 270 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh đang được theo dõi. Bộ Y tế cho biết, đường dây nóng 19009095 chống dịch nCoV trong các ngày đầu (từ 1.2) đến 15 giờ ngày 2.2 đã tiếp nhận 18.646 cuộc gọi, trong đó 99,5% được tư vấn tại chỗ.
Ngày 3.2, sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV, BV đa khoa Thanh Hóa đã cho chị N.T.T (25 tuổi, ngụ xã Định Hòa, H.Yên Định, Thanh Hóa) xuất viện. Khi xuất viện, sức khỏe chị T. ổn định; sau 6 ngày không sốt, không còn các triệu chứng của bệnh viêm phổi Vũ Hán. Ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho biết thành công của việc chữa khỏi cho BN dương tính với nCoV là phát hiện, cách ly kịp thời; theo dõi chặt chẽ để can thiệp đúng mức và BN có thể trạng tốt.
Khu cách ly bệnh nhân tại BV Q.11 Ảnh: Duy Tính

Khu cách ly bệnh nhân tại BV Q.11

Ảnh: Duy Tính

“Trong 10 ngày điều trị cho BN T., chúng tôi thực hiện phác đồ điều trị của Bộ Y tế và điều trị từng triệu chứng. Đồng thời cung cấp đủ nước điện giải; đảm bảo ăn uống đầy đủ cho BN tăng sức đề kháng”, ông Sỹ nói. Cũng theo ông Sỹ, đến chiều 3.2, BV đa khoa Thanh Hóa chỉ còn 1 trường hợp (trước đó là 5 trường hợp) phải theo dõi; các trường hợp còn lại được xác định âm tính với nCoV, hoặc chỉ bị cúm bình thường, sức khỏe ổn định và đã xuất viện cùng ngày 3.2.
Trong khi đó, chiều tối 3.2, bác sĩ Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận, cho biết BV đa khoa tỉnh Bình Thuận vừa tiếp nhận hai trường hợp bị sốt, ho và lập tức được đưa vào khu cách ly đặc biệt. Một trong hai người này vừa trở về từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); người còn lại tiếp xúc nhiều lần với người Trung Quốc vừa nhập cảnh Việt Nam. Hiện Trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh đã lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm.
Chiều 3.2, bác sĩ Nguyễn Đông, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa, cho biết trưa cùng ngày, BV tiếp nhận, cách ly thêm 1 trường hợp nam là người Việt Nam, có dấu hiệu sốt, để theo dõi, lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm. Tính cả những ca trước đó thì hiện tại BV đang cách ly 11 người (đều là người Việt Nam), chờ kết quả xét nghiệm. Trong số 11 người này, có nữ lễ tân khách sạn ở Nha Trang dương tính với nCoV, đã được chuyển đến khu E của BV (khu chờ ra viện). Hiện sức khỏe của nữ lễ tân này có chiều hướng tốt, đang chờ những đợt xét nghiệm cuối cùng; nếu bình phục hoàn toàn, xác định âm tính thì sẽ được cho xuất viện.

TP.HCM yêu cầu công chức có đi vào vùng dịch tự cách ly

Chiều tối 3.2, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết khi số ca mắc bệnh cùng một thời điểm trên địa bàn lớn hơn 500 ca, vượt quá khả năng thu dung, điều trị tại các khoa cách ly thì TP.HCM sẽ lập BV dã chiến, quy mô 500 giường bệnh, trong đó có 30 giường bệnh hồi sức tích cực dự kiến xây dựng ở H.Nhà Bè và H.Củ Chi. Ngoài các trang thiết bị y tế thiết yếu, nhân lực của BV dã chiến là các bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa hồi sức điều động từ các BV lớn như: Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Nguyễn Tri Phương…; còn nhân lực cho công tác khám chữa bệnh được điều động từ các BV lân cận.
Ở lĩnh vực giao thông công cộng, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết đã yêu cầu phun thuốc sát trùng khu vực tiếp công dân, nơi tập trung đông người, nhà ga, bến xe, bến cảng, bến thủy nội địa đưa rước hành khách, phương tiện trong 2 tuần liên tục.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP, yêu cầu các cán bộ, công chức đi công tác, nghỉ phép nước ngoài nằm trên địa bàn có dịch thì tự cách ly 14 ngày để theo dõi nhằm bảo vệ bản thân, gia đình, bạn bè và cả cơ quan. Ông Liêm nhấn mạnh diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán rất phức tạp, thời gian ủ bệnh 14 ngày nên các đơn vị không được chủ quan.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, yêu cầu các sở ngành phải có biện pháp ứng phó, không để dịch bệnh lan rộng và lo ngại nếu để số ca tăng trên 1.000 trường hợp thì việc ngăn chặn ở TP sẽ rất khó; xây dựng BV dã chiến cũng không kịp. Đối với vấn đề khan hiếm khẩu trang, ông Nhân đề nghị phải dự báo nhu cầu trong 2 - 4 tuần nữa để xác định nguồn cung phù hợp, tránh gây xáo trộn đời sống người dân.
Chiều 3.2, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của TP.Hà Nội, UBND Q.Hoàn Kiếm đã đề nghị dừng hoạt động phố đi bộ Hoàn Kiếm để phòng dịch, do phố đi bộ này luôn có rất nhiều người đến vui chơi. Theo Sở Du lịch Hà Nội, có 16.000 khách đã hủy phòng khách sạn, 7.642 khách inbound và 6.346 outbound hủy tour. Các hoạt động vận chuyển giảm 30 - 50%.
Bộ Tư lệnh thủ đô cho biết đã được Bộ Quốc phòng giao phối hợp với Hà Nội tiếp nhận 950 người Việt Nam trở về từ vùng có dịch trong 14 ngày, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Bộ Tư lệnh thủ đô dự kiến sẽ bố trí doanh trại tại 2 khu vực Xuân Mai (200 người) và Sơn Tây (750 người) để những người này lưu trú trong thời gian theo dõi. Theo đại tá Nguyễn Viết Thắng, Chủ nhiệm Quân y Bộ Tư lệnh thủ đô, Bộ Tư lệnh thủ đô sẽ đón những người này tại sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) và sân bay Nội Bài để đưa về điểm cách ly. Đơn vị này đã chuẩn bị phương tiện, cơ sở vật chất để số người này ăn ở trong những ngày cách ly.
Ngày 3.2, ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết UBND tỉnh Lâm Đồng, vừa cho phép Sở Y tế mua thêm một máy đo thân nhiệt để kiểm soát phòng chống dịch nCoV. Theo đại tá Đào Ngọc Cần, Phó giám đốc Công an Lâm Đồng, trong hai ngày qua đơn vị này tìm mua khẩu trang y tế để cấp phát cho cán bộ, chiến sĩ nhưng ở Đà Lạt không còn để mua.
Đại tá Cần cho biết thêm, trong 7 ngày tết, tại TP.Đà Lạt có hơn 110.500 lượt khách đăng ký lưu trú, trong đó có 19.386 lượt khách nước ngoài; trong số khách nước ngoài có 2.710 người đến từ Trung Quốc; đến sáng 3.2 chỉ còn 73 khách Trung Quốc ở Đà Lạt. Chiều 3.2, tỉnh Lâm Đồng cũng đã ra thông báo cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học từ 4 - 9.2 để phòng dịch nCoV.

Quỹ BHYT tạm ứng kinh phí chống dịch do nCoV

Trước tình hình dịch viêm phổi do nCoV đang diễn biến phức tạp, ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đã ký công văn gửi BHXH các tỉnh, TP... về việc phối hợp thực hiện thanh toán chi phí điều trị với trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV.
Theo ông Sơn, lãnh đạo BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời khám chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT khi nghi ngờ nhiễm nCoV. “Chúng tôi đã yêu cầu BHXH các tỉnh tạm ứng kinh phí cho các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là BHXH các tỉnh có người bệnh được phát hiện nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV, như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Khánh Hòa…”, ông Sơn nhấn mạnh và cho biết thêm, Quỹ BHYT chi trả tối đa theo quy định. Trường hợp bệnh nhân nhiễm bệnh còn có nguồn thanh toán từ ngân sách nhà nước cho phòng chống dịch.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM “nhập vai” người bệnh

Chiều 3.2, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã đi kiểm tra tình hình thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh do nCoV tại BV Nguyễn Tri Phương, BV Q.4 và BV Q.11.
Tại BV Q.11, ông Thượng đã “đóng vai” người đi từ vùng dịch ở Trung Quốc; từ Singapore về Việt Nam đã 10 ngày, vào BV này để khám, tư vấn, yêu cầu được kiểm tra vì lo lắng.
Tại phòng khám dành cho trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV, ông Thượng được điều dưỡng mời bác sĩ khám, tư vấn. Sau khi kiểm tra kiến thức chuyên môn về tiếp nhận, cách ly, ông Thượng hỏi bác sĩ: “Tôi không có mang tiền theo vậy nằm viện có tốn tiền không bác sĩ ?”.
Bác sĩ này trả lời: “BV mình có chế độ hỗ trợ viện phí”. Với câu trả lời này, ông Thượng đã “sửa” bác sĩ rằng: “Phải hỏi là chú có BHYT hay không? Nếu có bảo hiểm chú khỏi lo vì bảo hiểm sẽ trả. Nếu không có bảo hiểm mà xét nghiệm chú ra dương tính với nCoV thì ngân sách nhà nước sẽ trả nên chú không phải lo gì hết…”.
Duy Tính

Tuyệt đối không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly

Hôm qua (3.2), Văn phòng Chính phủ đã truyền đi chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu thực hiện việc cách ly phòng chống dịch đối với các trường hợp nhập cảnh, kể cả người nước ngoài nhập cảnh đến từ hoặc đi qua 31/31 tỉnh, TP của Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua. Thủ tướng yêu cầu, các trường hợp nghi nhiễm bệnh lập tức cách ly tuyệt đối tại các cơ sở y tế.
Đối với những người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc phải được coi như trường hợp mắc bệnh và tiến hành khoanh vùng cách ly ngay, tuyệt đối không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly. Đối với các trường hợp khác thực hiện cách ly tại nhà hoặc cơ sở lưu trú dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, kiên quyết không để các trường hợp này ra khỏi nhà hoặc cơ sở lưu trú và tiếp xúc với người xung quanh. Thực hiện cách ly, tiêu độc, khử trùng tại các gia đình, các hộ có tiếp giáp trực tiếp (liền kề) và cơ sở lưu trú nơi có người bị cách ly. Lập danh sách toàn bộ những người đã tiếp xúc với người bị cách ly, với người trong gia đình, người làm việc trong cơ sở lưu trú có người bị cách ly để theo dõi, giám sát chặt chẽ về sức khỏe. Bộ Công an được yêu cầu khẩn trương chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan rà soát tất cả các trường hợp nhập cảnh và thực hiện việc cách ly các trường hợp nhập cảnh như trên. Bộ Y tế khẩn trương triển khai các biện pháp kỹ thuật để sàng lọc nhanh nhất người bị cách ly. Bộ Y tế theo thẩm quyền áp dụng các biện pháp điều trị mới, điều phối thuốc, trang thiết bị bảo đảm không bị thiếu tại các cơ sở điều trị, không để xảy ra tử vong; chỉ đạo triệt để khoanh vùng và dập dịch ngay tại địa điểm có người nhiễm hoặc nghi nhiễm nCoV. Bộ VH-TT-DL khẩn trương chỉ đạo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư rà soát toàn bộ các cơ sở lưu trú thực hiện việc cách ly các trường hợp nhập cảnh như trên, yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh để tránh tụ tập đông người.
Ngày 3.2, Tổng cục Du lịch đã có văn bản gửi Sở DL, Sở VH-TT, Sở VH-TT-DL và các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch toàn quốc về việc triển khai chống dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán do vi rút Corona. Theo đó, các cơ sở lưu trú du lịch đón khách từ khu vực có nguy cơ lây nhiễm vi rút Corona theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cần bố trí tầng hoặc khu vực lưu trú và dịch vụ riêng, cũng như thực hiện các biện pháp y tế dự phòng khác như đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc, rửa tay đúng cách.
Tổng cục Du lịch cũng yêu cầu vệ sinh, khử trùng tại các cơ sở lưu trú du lịch, phương tiện vận chuyển khách du lịch, các khu, điểm du lịch và cơ sở vui chơi giải trí trên địa bàn theo khuyến cáo và yêu cầu của cơ quan chức năng. Xem xét tạm dừng hoạt động của cơ sở dịch vụ du lịch có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch.
Văn bản còn yêu cầu các sở và doanh nghiệp du lịch tiếp tục phục vụ khách du lịch nước ngoài chưa về được nước do không có chuyến bay, đến khi có thông báo mới, nhưng cần bố trí khu vực riêng và giám sát việc di chuyển, tình trạng sức khỏe, đồng thời báo cáo cơ quan chức năng địa phương về số khách này. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.