Đây là 2 trong 3 công trình trong lĩnh vực y - dược được trao giải vì có tính sáng tạo cao, có giá trị khoa học - công nghệ đã được ứng dụng thành công trong thực tiễn, đạt hiệu quả cao trong khám chữa bệnh và có ý nghĩa kinh tế - xã hội lớn.
Công trình "Phẫu thuật kích thích não sâu điều trị bệnh Parkinson"
"Phẫu thuật kích thích não sâu điều trị bệnh Parkinson" là công trình do TS-BS Phạm Anh Tuấn, Trưởng Bộ môn Ngoại Thần kinh, khoa Y, ĐHYD TP.HCM phối hợp thực hiện cùng nhóm cộng sự đến từ ĐHYD TP.HCM và Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM) gồm: TS-BS Trần Ngọc Tài, TS-BS Nguyễn Minh Anh, TS-BS Lê Viết Thắng, ThS-BS Đào Duy Phương, ThS-BS Nguyễn Thanh Lâm, ThS-BS Võ Thành Nghĩa và nhóm cộng sự đến từ BV Nguyễn Tri Phương gồm ThS-BS Nguyễn Anh Diễm Thúy và ThS-BS Lê Thái Bình Khang.
Phẫu thuật kích thích não sâu là một kỹ thuật phẫu thuật sọ não nhằm cấy các điện cực được chế tạo tinh vi vào cấu trúc cụ thể nằm sâu trong não. Đây là một trong những phương pháp tiến bộ nhất trên thế giới được khuyến cáo sử dụng trong điều trị bệnh Parkinson và nhiều rối loạn vận động khác.
Phẫu thuật kích thích não sâu lần đầu tiên được triển khai thành công tại Việt Nam vào năm 2012 dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Pháp. BV ĐHYD TP.HCM và BV Nguyễn Tri Phương là hai trung tâm đầu tiên áp dụng kỹ thuật hiện đại này.
Đề tài "Phẫu thuật kích thích não sâu điều trị bệnh Parkinson" là công trình nghiên cứu đầu tiên được tiến hành trên nhóm người bệnh Parkinson được phẫu thuật kích thích não sâu. Công trình đã đánh giá độ chính xác của kỹ thuật đặt điện cực, hiệu quả trị liệu cũng như giảm biến chứng phẫu thuật và các tác dụng phụ khi kích thích điện, cụ thể: Giúp cải thiện rõ rệt các triệu chứng bệnh Parkinson (chậm vận động, đơ cứng, run), cải thiện đáng kể các biến chứng loạn động và dao động vận động, đa số người bệnh hài lòng hoặc rất hài lòng, độ an toàn cao, chưa ghi nhận biến chứng tử vong. Bên cạnh đó, các biến chứng liên quan đến phẫu thuật, thiết bị và các tác dụng phụ liên quan đến kích thích có tỷ lệ thấp.
"Giá trị các chỉ dấu sinh học hTERT mRNA, AFP, AFP-L3, DCP trong phát hiện bệnh ung thư tế bào gan"
Công trình "Giá trị các chỉ dấu sinh học hTERT mRNA, AFP, AFP-L3, DCP trong phát hiện bệnh ung thư tế bào gan" do PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc BV ĐHYD TP.HCM làm Chủ nhiệm đề tài và các cộng sự gồm TS-BS Trần Công Duy Long, Phó trưởng khoa Ngoại Gan Mật Tụy; PGS-TS-BS Nguyễn Thị Băng Sương, Trưởng khoa Xét nghiệm; ThS Nguyễn Hữu Huy, ThS Lê Thị Xuân Thảo, CN Đỗ Nguyễn Minh Thiện, CN Nguyễn Trung Ngân, Khoa Xét nghiệm BV ĐHYD TP.HCM thực hiện.
Ung thư biểu mô tế bào gan là bệnh lý gan mật ác tính thường gặp nhất của ung thư gan và có tỷ lệ tử vong cao. Đây là loại ung thư đứng đầu tại Việt Nam. Ung thư gan tiến triển thầm lặng nên đa số người bệnh được phát hiện muộn, giai đoạn sớm thường không có triệu chứng cụ thể. Do vậy, nhu cầu tìm ra các chỉ dấu sinh học giúp phát hiện ung thư sớm, trước khi xuất hiện khối u để chẩn đoán sớm là vô cùng cấp thiết, có tính ứng dụng cao tại các bệnh viện, giúp phát hiện sớm ung thư gan và điều trị tốt cho người bệnh.
Tại Việt Nam, nghiên cứu các chỉ dấu ung thư để tầm soát ung thư gan hiện chưa nhiều. Chính vì vậy, PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc và nhóm cộng sự đã thực hiện công trình "Giá trị các chỉ dấu sinh học hTERT mRNA, AFP, AFP-L3, DCP trong phát hiện bệnh ung thư tế bào gan". Dựa trên công trình nghiên cứu này, BV ĐHYD TP.HCM đã triển khai kỹ thuật xét nghiệm định lượng PIVKA (AFP, AFP-L3 và PIVKA-II) tại khoa Xét nghiệm nhằm hỗ trợ chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan trên lâm sàng.
PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc chia sẻ: "Quy trình xét nghiệm AFP, DCP và AFP-L3 và định lượng hTERT mRNA là một giải pháp giúp tầm soát sớm ung thư biểu mô tế bào gan, giúp người bệnh phát hiện, điều trị ung thư gan ở giai đoạn sớm hơn, góp phần cải thiện tiên lượng sống cho người bệnh. Tại BV ĐHYD TP.HCM, hằng năm có khoảng 1.500 người bệnh được thực hiện xét nghiệm AFP, AFP-L3, DCP tầm soát bệnh ung thư tế bào gan. Kết quả cho thấy, xét nghiệm chỉ điểm AFP, AFP-L3 và PIVKA-II có độ nhạy, độ đặc hiệu cao trong chẩn đoán ung thư gan, nhất là khi kết hợp nhiều chỉ điểm cùng một lúc. Vì vậy, việc áp dụng thường quy các chỉ điểm này vào các đợt khám sức khỏe, kết hợp với các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác đã nâng cao hiệu quả chẩn đoán sớm và theo dõi định kỳ trên những người bệnh có yếu tố nguy cơ cao".
Quy trình định lượng nồng độ hTERT mRNA có tiềm năng ứng dụng lớn khi đưa vào thị trường, có thể chuyển giao cho các công ty sản xuất sinh phẩm sinh học phân tử để tạo kit thương mại có giá thành rẻ, góp phần giảm nhập khẩu các sinh phẩm đắt tiền mà vẫn đảm bảo chất lượng tầm soát ung thư tế bào gan, giúp tiết kiệm ngân sách quốc gia và người dân.
Ngày 20.12, PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, Phó chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Miễn dịch và Trị liệu ung thư Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Miễn dịch và Trị liệu ung thư TP.HCM, Giám đốc BV ĐHYD TP.HCM, được tôn vinh danh hiệu Tri thức tiêu biểu của Tổng Hội Y học Việt Nam.
Đây là danh hiệu nhằm tôn vinh các cá nhân đã có những đóng góp trong nghiên cứu khoa học, các chuyên gia đầu ngành có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý cũng như lâm sàng góp phần phát triển nền y học nước nhà.
Bình luận (0)