Bệnh viện tư thu phí bệnh nhân Covid-19 là chưa phù hợp luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm

Duy Tính
Duy Tính
02/09/2021 20:32 GMT+7

Theo Bộ Tài chính , đề nghị của UBND TP.HCM về việc chấp thuận cho cơ sở y tế tư nhân điều trị bệnh Covid-19 theo yêu cầu và được thu giá dịch vụ điều trị tương ứng là chưa phù hợp với quy định của luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Y tế về việc chi trả chi phí cho cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19.
Theo Bộ Tài chính, về đề nghị của UBND TP.HCM tại Công văn số 2828 ngày 23.8 gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính về việc chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19, Bộ Tài chính có ý kiến rằng, về huy động các cơ sở y tế ngoài công lập tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19, tại điểm d, điểm 2, Điều 1, Nghị quyết 86 ngày 6.8.2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30 ngày 28.7.2021 của Quốc hội Khóa XV, Chính phủ giao: “Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương huy động hệ thống y tế công lập, tư nhân và các nguồn lực xã hội để kịp thời phối hợp trong triển khai công tác dự phòng, điều trị, tiêm vắc xin, đầu tư cơ sở vật chất và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả và theo đúng quy định".
Như vậy, việc UBND TP.HCM huy động các cơ sở y tế ngoài công lập tham gia điều trị bệnh Covid-19 đã được Chính phủ đồng ý về chủ trương tại Nghị quyết 86.

TP.HCM: 112.968 ca Covid-19 xuất viện, hơn 6,2 triệu người đã tiêm vắc xin

Về trách nhiệm chi trả chi phí điều trị Covid-19 tại các cơ sở y tế ngoài công lập, theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, việc điều trị cách ly người mắc bệnh Covid-19 mới chỉ thực hiện tại các cơ sở y tế công lập và thí điểm điều trị tại nhà (TP.HCM); chưa thực hiện tại cơ sở điều trị Covid-19 ngoài công lập. Đề nghị của UBND TP.HCM về việc chấp thuận cho các cơ sở y tế tư nhân được thực hiện điều trị bệnh Covid-19 theo yêu cầu và được thu giá dịch vụ điều trị tương ứng là chưa phù hợp với quy định của luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Tại điểm 3.3, khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH13 của Quốc hội quy định: Ngoài các biện pháp quy định tại điểm 3.1 và điểm 3.2 của mục này, trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện.
Nghị quyết 86 quy định: Trường hợp cần thiết phải ban hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh khác với quy định của luật hiện hành và ngoài phạm vi quy định tại mục 3.1, mục 3.2 Nghị quyết số 30/2001/QH15 của Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp, các bộ, cơ quan T.Ư, các địa phương đề xuất gửi Bộ Y tế để tổng hợp, trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gon trước khi thực hiện theo quy định tại điểm 3.3 Nghị quyết số 30/2001/QH15 của Quốc hội.
Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế khẩn trương chủ trì nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền: Quy định các điều kiện, tổ chức thực hiện điều trị bệnh Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 ngoài công lập. Quy định việc chi trả chi phí khám chữa bệnh Covid-19 tại các cơ sở điều trị Covid-19 ngoài công lập. Bộ Tài chính sẽ phối hợp tham gia ý kiến với Bộ Y tế khi có yêu cầu.
Văn bản của Bộ Tài chính gửi Bộ Y tế trong bối cảnh gần 10 bệnh viện tư nhân tại TP.HCM tham gia điều trị Covid-19, với cả ngàn bệnh nhân, nhưng nguồn thu không biết thu từ ai và lấy gì hoạt động, bù đắp cho chi phí đầu tư, lương, vật tư tiêu hao…
Điều này dẫn đến tình trạng các bệnh viện tư nhân có nơi thì thỏa thuận thu từ bệnh nhân Covid-19, có nơi vận động bệnh nhân ủng hộ, và có nơi đề nghị bệnh nhân cam kết tự nguyện chi trả viện phí điều trị Covid-19. Chi phí điều trị Covid-19 mà bệnh nhân phải trả từ vài chục triệu đồng, đến cả tỉ đồng tùy bệnh nặng nhẹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.