Bêu tên vẫn chây ì nợ thuế

Thanh Xuân
Thanh Xuân
29/07/2019 07:34 GMT+7

Hầu như tháng nào cơ quan thuế cũng công bố danh sách các doanh nghiệp nợ thuế , phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất... (gọi chung là tiền thuế) nhưng danh sách các doanh nghiệp chây ì vẫn cứ nối dài.

"Bêu" năm này qua năm khác

Chỉ riêng một công ty đã có số nợ thuế lớn nhất tại Hà Nội trong danh sách tháng 7 vừa được Cục Thuế TP.Hà Nội công bố. Tính đến 31.5, công ty này nợ hơn 188,6 tỉ đồng tiền thuế, chiếm hơn 70,5% số thuế doanh nghiệp (DN) nợ công bố lần đầu. Danh sách này có đến 152 DN với tổng nợ 267,4 tỉ đồng tiền thuế. Đứng thứ 2  là Công ty CP đầu tư xây dựng đô thị Bắc Hà nợ hơn 17 tỉ đồng, Công ty CP Tập đoàn bất động sản Hoàng Gia nợ 14,5 tỉ đồng; 4 DN nợ 9,6 tỉ đồng tiền thuê đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất, đứng đầu là Công ty TNHH MTV khai thác và thương mại Kim Sơn nợ hơn 2,57 tỉ đồng; và một đơn vị nợ tiền sử dụng đất là Công ty CP may Lê Trực nợ 12,97 tỉ đồng…
Đáng nói, tháng này Cục Thuế TP.Hà Nội công bố lại danh sách 85 DN chây ì nộp hơn 238,1 tỉ đồng tiền thuế, số DN này đã được bêu tên từ những năm trước (năm 2015 - 2018) nhưng vẫn tiếp tục chây ì. Đứng đầu trong danh sách là Công ty CP Sông Đà 9.06 nợ hơn 40,68 tỉ đồng, Công ty CP Bạch Đằng 10 nợ hơn 17,8 tỉ đồng, Công ty TNHH Tiền Phong nợ hơn 16,8 tỉ đồng... Như vậy, số DN mà Cục Thuế TP.Hà Nội công bố trong tháng 7 lên 242 đơn vị với số nợ hơn 528,1 tỉ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, Cục Thuế TP.Hà Nội đã công khai lần đầu 483 DN nợ thuế, phí lên đến 1.257,2 tỉ đồng; công khai lại 286 DN nợ hơn 3.833,6 tỉ đồng. Tổng cộng đã đăng công khai 769 DN với số nợ hơn 5.090,8 tỉ đồng. Sau khi đăng công khai, có 221 DN nộp hơn 77,2 tỉ đồng.
Tại TP.HCM, số nợ thuế trong 6 tháng đầu năm lên đến 13.545 tỉ đồng, tăng gần 52% so với cuối năm 2018. Ngoài số thuế tồn đọng từ những năm trước, sở dĩ thuế tăng vọt lên những tháng đầu năm đến nay, theo ông Lê Duy Minh, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, chủ yếu đến từ lĩnh vực bất động sản. Chỉ tính riêng 8 DN có hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đã nợ hơn 3.000 tỉ đồng, trong đó 1 DN nợ hơn 1.100 tỉ đồng. Từ đầu năm đến nay, Cục Thuế TP.HCM cũng đã ban hành 24.135 quyết định cưỡng chế thuế với số tiền nợ 14.500 tỉ đồng, công khai danh sách 2.215 DN chây ì nợ thuế 5.778 tỉ đồng. Tổng số tiền thuế nợ thu được qua các biện pháp cưỡng chế là 3.150 tỉ đồng.

Cần mạnh tay hơn với nợ thuế

Giải pháp “bêu tên” công khai đã từng được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả bởi sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu, uy tín của DN trên thị trường. Thế nhưng giải pháp này có vẻ ngày càng mất “hiệu nghiệm”. Ông Lê Duy Minh cho rằng, một số DN làm ăn đàng hoàng sau khi bị bêu tên đã nộp thuế ngay. Còn đối với DN nào đã quá khó khăn, rơi vào tình trạng “chết” thì biện pháp này không hiệu quả.
Dù vậy, theo ông Lê Duy Minh, “bêu” tên DN công khai nợ thuế là để cảnh báo, chứ để thu hồi được tiền thuế, cơ quan thuế phải áp dụng một số biện pháp khác như cưỡng chế tiền tài khoản ngân hàng, thu hồi nợ từ bên thứ 3 và biện pháp cuối cùng là rút giấy phép kinh doanh. Trong lĩnh vực bất động sản, có dự án đã bán cho người dân, cơ quan thuế sẽ phải cân nhắc rất nhiều khi công bố thông tin DN cũng như thực hiện biện pháp rút giấy phép để tránh ảnh hưởng đến người dân. Do nợ thuế hiện nay đang tập trung vào một số DN bất động sản lớn nên vị Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM kỳ vọng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để có thể sớm thu số thuế khoảng 3.000 tỉ đồng trong những tháng cuối năm.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty tư vấn thuế Sài Gòn, thì lý giải việc công khai tên DN trong thực hiện cưỡng chế thuế không hiệu quả bao nhiêu khi người dân không biết nhiều đến nó, đồng thời nó chỉ là hình thức cảnh báo nếu cơ quan thuế không mạnh tay áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác. Đặc biệt đối với DN bất động sản rơi vào tình trạng khan vốn cho hoạt động kinh doanh, họ có xu hướng giữ lại thuế đã thu từ khách hàng bởi mức phạt chậm nộp thuế thấp, chỉ khoảng 18%/năm, trong khi đi vay ngân hàng phải có tài sản thế chấp mà chưa chắc DN đáp ứng được. Theo ông Nguyễn Thái Sơn, khi ngân hàng “soi” cấp tín dụng nhiều hơn đối với DN bất động sản thì khả năng nợ thuế có thể sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.