Bí ẩn cổ xưa hé lộ dưới lớp băng vĩnh cửu ở Nga

23/07/2021 12:13 GMT+7

Lớp băng vĩnh cửu ở vùng Cực Bắc của nước Nga đang tan dần, hé lộ các sinh vật cổ xưa đã bị chôn vùi ở đó hàng nghìn năm.

Sky News đã thực hiện một cuộc điều tra về thiệt hại môi trường do băng tan ở Bắc Cực. Trong quá trình đó, nhóm đã tìm thấy các bộ phận của ngà voi ma mút cũng như các mảnh xương tê giác lông mượt.
Đây là các loài động vật từng lang thang trên đồng cỏ ở Bắc Cực trước khi tuyệt chủng. Tê giác lông mượt sinh sống ở đây vào khoảng 14.000-15.000 năm trước và voi ma mút là khoảng 10.500 năm trước, cuối kỷ băng hà cuối cùng.

Phát hiện nguyên nhân bất ngờ khiến voi ma mút tuyệt chủng

Các mảnh xương và ngà được tìm thấy ở Duvanny Yar, gần Chersky tại Siberia, nơi có các trạm nghiên cứu quốc tế. Các nhà khoa học đã tập trung tại đây để nghiên cứu tác động của băng tan.

Các sinh vật cổ xưa

Năm ngoái, các nhà khoa học phát hiện xác của một con tê giác lông mượt vẫn trong tình trạng tốt ở phía đông Siberia. Cái xác này được cho là đã bị đóng băng hàng chục nghìn năm.
Việc lớp băng vĩnh cửu ở vùng Abyisky phía đông bắc nước Nga tan chảy đã dẫn đến phát hiện này. Lớp băng đã giúp con tê giác giữ lại phần lớn mô mềm, bao gồm một phần ruột, bộ phận sinh dục và một chiếc sừng nhỏ ở mũi, điều rất đáng chú ý vì bộ phận này thường phân hủy nhanh chóng.
Băng tan cũng làm lộ ra lớp thực vật từ thế Pleistocen, thời kỳ kéo dài từ 2,6 triệu đến 11.700 năm trước.

Cái giá phải trả

Tuy nhiên, Trái Đất phải trả giá đắt khi tiết lộ những bí ẩn này. Biến đổi khí hậu đang khiến băng vĩnh cửu tan ra, giải phóng một lượng lớn khí mêtan vào bầu khí quyển và khiến băng tan nhanh hơn nữa.

Tê giác lông mượt gần nguyên vẹn dưới lớp băng vĩnh cửu Nga

 
Mùa hè tại khu vực này đang trở nên nóng hơn và mùa đông cũng ngắn hơn. Bên cạnh đó, các đám cháy rừng xuất hiện ngày một nhiều.
Các đám cháy than bùn ở Đông Bắc Siberia vào mùa hè này lớn hơn bình thường trong bối cảnh nắng nóng kỷ lục. Đám cháy than bùn đặc biệt có hại cho hành tinh vì lượng carbon mà than bùn đã hấp thụ hàng chục nghìn năm được giải thoát.
Bên cạnh đó, băng tan cũng giải phóng một lượng lớn carbon ra khí quyển. Các nhà khoa học ước tính 1,7 tỉ tấn carbon được thải ra mỗi năm do lớp băng vĩnh cửu tan chảy từ tháng 10 đến tháng 4. Con số này cao gần gấp đôi so với các ước tính trước đây và vượt xa con số 1 tỉ tấn carbon cây cối hấp thụ trong mùa trồng trọt.

Biến đổi khí hậu làm băng vĩnh cửu ở Bắc Cực tan dần

Reuters

Hiện tại, loại than bùn giàu carbon này bao phủ 24% diện tích đất ở Bắc bán cầu và chứa nhiều carbon hơn số carbon con người từng thải ra.

Giải pháp

Một nghiên cứu công bố vào tháng 3.2020 cho thấy rằng các đàn ngựa, bò rừng và tuần lộc có thể giúp ngăn lớp băng vĩnh cửu tan chảy thêm. Những loài động vật này có thể phá vỡ lớp tuyết cách nhiệt nằm trên lớp than bùn vào mùa đông.
Khi lớp tuyết cách nhiệt bị móng guốc của các loài động vật ăn cỏ phân tán và nén lại, tác dụng cách nhiệt của nó bị giảm đáng kể. Điều này giúp lớp băng vĩnh cửu được gia cố thêm.
Các nhà khoa học từ Đại học Hamburg (Đức) cho biết khoảng 80% phần đất đóng băng vĩnh cửu trên toàn cầu có thể được bảo tồn cho đến năm 2100 bằng phương pháp này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.