Bí ẩn dưới mộ cổ một nữ quý tộc - Kỳ 3: Sự thật về thần giữ của

28/09/2011 00:22 GMT+7

Dấu tích để lại cho thấy trước đây ngôi mộ cổ Cầu Xéo (Long Thành, Đồng Nai) đã bị kẻ trộm đào sâu xuống hơn 1,5m với một đường rãnh kéo dài tới 3m bên hông trái của mộ, nhưng tại sao đến đó kẻ trộm phải dừng lại không thể đào tiếp nữa?

>> Kỳ 2: Hạt cây lạ dưới chân thi hài
>> Kỳ 1: Những lá sen trên thi hài

Không ít người đến xem cuộc khai quật đã bàn tán rằng chính hồn ma của nữ quý tộc nằm dưới mộ đã ngăn chặn không cho kẻ đào mộ lộng hành. Họ cũng xầm xì dưới ngôi mộ của phu nhân này thế nào cũng chôn nhiều ngọc ngà châu báu nhưng tất cả đều được “yểm bùa” bảo vệ, hễ ai xâm phạm tới sẽ bị trừng phạt, nguy đến tính mạng.

 
Các nhà khảo cổ và bác sĩ ĐH Y Dược TP.HCM xử lý thi hài tại Bảo tàng Đồng Nai - Ảnh: do đoàn khảo cổ cung cấp

Đây không chỉ là trường hợp đồn đại đơn lẻ ở một địa phương, mà từ xưa khắp nơi người ta cũng thường có cách suy nghĩ và tưởng tượng phổ biến như thế về các “kho báu” dưới mộ cổ và về số phận của các tay đào trộm mộ. Các nhà khảo cổ học uy tín trong nước như ông Đỗ Văn Ninh từng đề cập tới điều đó và ghi nhận ở các mộ cổ của giới quý tộc, khi khai quật đã thấy có “quần áo xa hoa, mũ đai sang trọng” như mộ của phu nhân Phạm Thị Nguyên Chân ngoài Bắc với “vật chôn theo cực kỳ sang trọng và nhiều. Không kể chăn gối, những đồ bổ khuyết, những tấm đại liệm, tiểu liệm, những túi trầu, quạt giấy, sách kinh - người chết còn mặc 35 chiếc áo, 18 chiếc váy toàn gấm vóc, lụa là đắt tiền”. Thêm vào đó, cùng với bản thân xác chết (được ướp) không tiêu, càng trở thành đối tượng của tính hiếu kỳ và mộ hợp chất được nhiều người thêu dệt thêm “thành những câu chuyện không đáng tin nhưng nghe lại không thấy chán”. Cũng vậy, ở trường hợp của mộ nữ quý tộc Cầu Xéo mới khai quật, đã không tránh khỏi lời đồn đại phóng đại về sự hiện diện của cây cổ thụ linh thiêng bên mộ.

 
Quách gỗ sao chứa quan tài trong kim tĩnh hợp chất -  Ảnh: do đoàn khảo cổ cung cấp

Đó là cây cổ thụ mọc sừng sững sát phía bên phải vòng tường bọc bên ngoài ngôi mộ. Có người phao lên rằng cây cổ thụ là “thần giữ của” cho mộ, nên kẻ đào mộ bị thất bại giữa chừng. Người biết đạo lý thì dẫn lời của cha ông dạy rằng, hễ cây nào mọc cao hơn đầu người đều có thể có thọ thần đến trú ngụ vì thế không nên bất cẩn phóng uế bừa bãi dưới gốc cây. Thọ thần rất tốt, giữ bóng cây che mát cho “người sống” vào buổi trưa đứng bóng và giúp “kẻ đã chết” đỡ cô độc về đêm. Trong thực tế, cây cổ thụ ở mộ cổ Cầu Xéo bằng cách riêng của nó đã thực sự “góp tiếng nói” khẳng định sự bất khả xâm phạm vào quan tài và đồ tùy táng bên trong. Thật vậy, khi tiến hành khảo sát, đoàn khai quật để ý đến cây cổ thụ lâu năm này đã phát triển nhiều rễ rất lớn về phía mộ và ăn sâu xuống đất. Nhưng cũng như kẻ đào trộm kia, rễ cổ thụ đã không thể xuyên thủng nền hợp chất cực kỳ rắn chắc nên phải dừng lại và chỉ bám rễ được bên ngoài kim tĩnh. Rõ ràng con người (kẻ trộm) lẫn cây cối thiên nhiên (cổ thụ) đã phải bất lực trước khối hợp chất cứng như thép bảo vệ mộ.

Đến đây thiết tưởng cũng cần nhắc lại đôi lời về mộ hợp chất. Hai tiếng “hợp chất” được các nhà khảo cổ học khai quật mộ cổ Cầu Xéo dùng để chỉ một chất hỗn hợp đặc quánh dùng làm vật liệu để đúc huyệt, xây quách. Chất này gồm vôi sống, vỏ sò ốc hoặc san hô nghiền vụn, cát, chất kết dính như mật, mật đường hoặc mật ong quyện với nhựa dây tơ hồng và nước ô dước, thêm giấy dó, than hoạt tính và vài thứ nào đó nữa... Để có hợp chất trên, ngoài việc tốn kém tiền nong còn cần đến các thao tác kỹ thuật cũng như thời gian thực hiện, vì thế ngày trước chỉ có tầng lớp vương giả, đại thần, đại phú gia mới có điều kiện thực hiện nổi như mộ hợp chất của nữ quý tộc ở Cầu Xéo mà chúng ta đang biết đến.

Chính vì quá rắn chắc nên đoàn khai quật di tích mộ cổ Cầu Xéo phải dùng khoan chuyên dụng khoan ráo riết trong 2 ngày mới “mở” được “đường vào” trong lòng mộ và ghi nhận: “Kim tĩnh kiến tạo bằng hợp chất rất kiên cố, ngăn chặn thành công sự xâm nhập của nước và rễ cây bên ngoài vào”. Kết luận, vị “thần giữ của” tại mộ cổ nữ quý tộc Cầu Xéo không phải là một vị “siêu hình” nào, cũng không ở trên ngọn cây cổ thụ, mà chính là chất hỗn hợp kiên cố tuyệt vời như đã nói. Không những thế, theo các nhà nghiên cứu: mộ hợp chất là một trong những đặc trưng văn hóa - tín ngưỡng riêng cho quý tộc Việt một thời. 

Mộ có đến 2 lớp quách

Một trong hai quách bảo vệ quan tài trong mộ cổ Cầu Xéo được kết cấu bằng hợp chất. Quách hợp chất dày tới 50 cm, hết sức rắn chắc, đã ôm trọn lấy chiếc quách nhỏ hơn bằng gỗ sao thớ dài. Quách gỗ có đinh sắt hình chữ U dùng ghép hai tấm nắp - giống với đinh đồng chữ U mà chúng tôi đã tìm gặp khi khai quật tại nghĩa trang Làng Cả thuộc khu vực Ngã Ba Hạc - Việt Trì của văn hóa Đông Sơn với hơn 2.000 tuổi. Được hai lớp quách (quách hợp chất và quách gỗ sao) bọc kín như thế nên quan tài nằm lọt ở giữa an toàn không một chút nước mưa nào thấm tới. Bên trên có tấm thiên, làm bằng nửa thân cây khoét rỗng rất nặng đậy khít lại, bảo vệ nữ chủ nhân ngôi mộ nằm bên trong yên giấc suốt hơn 2 thế kỷ qua...  

 (Theo PGS-TS Phạm Đức Mạnh - Trưởng bộ môn Bảo tàng học và di sản văn hóa trường Đại học KHXH-NV TP.HCM, Trưởng đoàn khai quật)

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.