Bí ẩn thể thao Triều Tiên: Giai thoại về sự trừng phạt

10/08/2011 00:28 GMT+7

Sau những thất bại cũng như các vụ bê bối ở những sự kiện thể thao quốc tế là các giai thoại về những hành xử đối với HLV, VĐV hết sức lạ đời.

Sau những thất bại cũng như các vụ bê bối ở những sự kiện thể thao quốc tế là các giai thoại về những hành xử đối với HLV, VĐV hết sức lạ đời.

Tại Olympic 2008, chỉ 2 ngày sau khi đoạt HCB và HCĐ môn bắn súng, xạ thủ Kim Jong Su bất ngờ bị Ủy ban Olympic thế giới (IOC) tước huy chương do phát hiện sử dụng chất cấm propranolol - một chất có thể giúp các tay súng không run tay khi bắn. Có lẽ sợ thông tin được xem là “đáng xấu hổ” lan truyền trong người dân nên các đài báo trong nước vẫn phải đưa tin Kim Jong Su đoạt huy chương.

Thời điểm này, do báo chí phương Tây liên tục dội thông tin rằng Triều Tiên đang là mục tiêu chỉ trích của thế giới về hàng giả và ma túy, nên nếu để xảy ra vụ bê bối này chẳng khác nào khẳng định rằng đất nước Triều Tiên đang tồn tại những điều đó. Do vậy, dù biết sai nhưng phía Triều Tiên phải tìm cách “ém” vụ Kim Jong Su đi. Nhưng sau đó theo báo chí Hàn Quốc và các hãng tin phương Tây, phía Triều Tiên không để yên vụ Kim Jong Su nên đã yêu cầu xạ thủ này phải về ngay Triều Tiên để có hướng xử lý. Các tin đồn khi đó cho biết hình phạt dành cho Kim là tạm giam để điều tra và có thể bị đày đi lao động khổ sai. Quá lo sợ về chuyện này, Kim Jong Su đã tìm cách đào thoát ngay ở Trung Quốc, nhưng việc chạy trốn bất thành nên anh bị “áp giải” về nước.

 
Nỗi thất vọng và lo sợ của tuyển thủ Triều Tiên sau trận thua Bồ Đào Nha 0-7 ở World Cup 2010 - Ảnh: AFP


Kim Jong Su trở thành “tội đồ” sau khi dính doping ở Olympic 2008 - Ảnh: AFP
 

Do thông tin không được tiết lộ nên sau lệnh cấm thi đấu 1 năm của IOC, Kim Jong Su gần như biến mất khỏi vũ đài thế giới và việc anh có bị xử lý hay không chỉ có anh và quan chức thể thao Triều Tiên mới biết. Sau này có tin vì CHDCND Triều Tiên không muốn thua Hàn Quốc về “thể thao súng ống” nên xạ thủ này đã được phục hồi trở lại với bản cam kết “nếu được thi đấu quốc tế trở lại tuyệt đối không được dính vào những chuyện không hay làm xấu hình ảnh nước nhà. Nếu tái phạm một lần nữa sẽ bị bỏ tù”. Nhờ vậy Kim đã được tạo cơ hội trở lại và giành 2 HCĐ tại Á vận hội năm 2010.

Dù chẳng có liên hệ gì với nhau nhưng cái tên Bồ Đào Nha bỗng dưng trở thành nỗi ám ảnh của không ít tuyển thủ CHDCND Triều Tiên cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Ở World Cup 1966 tổ chức tại Anh, sau khi lập nên kỳ tích thắng Ý (1-0) để vào tứ kết, các tuyển thủ Triều Tiên lập tức trở thành “tội đồ” trong trận gặp Bồ Đào Nha. Nguyên nhân xuất phát từ việc dù dẫn trước đến 3-0, nhưng lại để đối thủ làm nên cú lội ngược dòng ngoạn mục để thắng lại với tỷ số 5-3. Thời điểm ấy, BBC cho biết chính quyền Triều Tiên đã không thể nuốt trôi thất bại khó tin ấy và các cầu thủ có thể sẽ phải nhận một hình phạt. Tin đồn về việc các tuyển thủ bị đày ải đến những mỏ than để cải tạo lao động xuất hiện từ đây.

Trớ trêu thay, 44 năm sau, tại World Cup 2010, Bồ Đào Nha lại trở thành nỗi ám ảnh của các tuyển thủ Triều Tiên sau chiến thắng đậm đến 7-0 trong trận đấu vòng bảng. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, người hâm mộ Triều Tiên được xem trực tiếp một số trận đấu của tuyển quốc gia ở World Cup. Tuy nhiên, khi Bồ Đào Nha dẫn Triều Tiên 4-0, những hình ảnh của trận đấu bất ngờ bị đài truyền hình trung ương cắt đi để thay vào đó là hình ảnh công nhân, kỹ sư nhà máy ca ngợi Chủ tịch Kim Jong-il.

Hàng loạt phương tiện truyền thông quốc tế thời điểm đó liên tục đăng tải câu chuyện về các tuyển thủ Triều Tiên sau khi về nước đã bị điều đến làm việc ở các mỏ than. Sự việc này còn như đổ dầu vào lửa khi cựu HLV tuyển Triều Tiên Moon Ki-nam (người đào thoát sang Hàn Quốc vào năm 2004) khẳng định trên các hãng tin lớn của thế giới rằng: “Những tuyển thủ sẽ được thưởng hậu hĩ với ngôi nhà lớn nếu giành được chiến thắng. Nhưng họ sẽ bị đưa đi lao động ở các mỏ than nếu gặp thất bại”.

Nguyên Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.