Bị can Mai Văn Dâu, con trai và đồng phạm khai những gì?

10/09/2005 14:28 GMT+7

Sau hơn 1 năm khẩn trương điều tra, vụ án “Chạy quota xuất khẩu ở Bộ Thương mại” đã đến hồi kết. Ðến nay, các bị can này đều đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Đây có thể nói là một vụ án phức tạp, liên quan đến một lĩnh vực nhạy cảm của giao dịch kinh tế đối ngoại, đó là việc cấp phát hạn ngạch.

Lợi dụng những kẽ hở quản lý, một số cá nhân biến chất đã móc nối mua bán hạn ngạch XK hàng dệt may, làm rối loạn kỷ cương phép nước.

Kẻ phạm tội hầu hết là những người có học vấn cao, làm ở các cơ quan hàng đầu của Nhà nước, có kinh nghiệm đối phó với công tác điều tra. Thủ đoạn phạm tội vừa tinh vi, vừa trắng trợn. Hành động đưa và nhận hối lộ được thực hiện ngang nhiên, khi thì tại nhà, khi ngay trong cơ quan Bộ Thương mại hoặc trước cổng Bộ Thương mại, trong quán nước ven đường v.v...
 
Trong vụ án này có 18 bị can bị đề nghị truy tố, gồm : Mai Văn Dâu, Lê Văn Thắng, Mai Thanh Hải, Lưu Thị Minh Hiền, Trần Văn Sửu, Bùi Thị Huyền Nga, Bùi Hồng Minh, Đặng Vũ Quang, Nguyễn Việt Phú, Nguyễn Cương, Trịnh Thị Hồng Điệp, Bùi Văn Tuấn, Phạm Anh Tuấn, Phan Nghĩa Hiệp, Trần Thu Lan, Võ Thị Thanh Hằng, Lai Wai Hung (quốc tịch Trung Quốc), Tăng Phát Bảo (quốc tịch Mỹ, Đài Loan).

Hai bị can Trần Kim Dung và Tam Wan Hung bỏ trốn đang bị truy nã, được tạm đình chỉ điều tra, khi bắt được sẽ xử lý sau.

Trong số 18 bị can này có 6 người của Bộ Thương mại gồm Mai Văn Dâu (nguyên thứ trưởng thường trực Bộ TM), Lê Văn Thắng (nguyên vụ phó Vụ XNK, Bộ TM), Bùi Hồng Minh, Mai Thanh Hải, Nguyễn Việt Phú (cùng là chuyên viên Vụ XNK, Bộ TM) và Trần Văn Sửu (nguyên trưởng phòng Quản lý XNK khu vực Hải Phòng, Bộ TM).

Theo thông tin mà chúng tôi tìm hiểu được thì các bị can này khai nhận hành vi phạm tội của mình như sau :

1. Trường hợp của nguyên Thứ trưởng thường trực Mai Văn Dâu: Từ khi Hiệp định buôn bán hàng dệt may Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết, bị can Mai Văn Dâu được phân công phụ trách quản lý, xét duyệt lĩnh vực này. Trong thời gian phụ trách, bị can Mai Văn Dâu đã ký 3 thông báo cho phép các thương nhân vay, nhường hạn ngạch.

Việc làm này đã dẫn tới sự rối loạn trong công tác phân phối hạn ngạch, mở đường cho việc mua bán chuyển nhượng hạn ngạch tràn lan, không kiểm soát nổi.

Bị can Nguyễn Cương (Phó ban QL các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM) khai 6 lần đưa người của các công ty SX và gia công hàng XK tới gặp bị can Mai Văn Dâu tại nhà riêng, đưa “quà” 6 lần với tổng số tiền 38.000 USD. Thế nhưng bị can Mai Văn Dâu chỉ khai nhận từ Nguyễn Cương 4 lần, tổng số tiền là 6.000 USD.

Là người có cương vị cao nhất trong số các bị can, ông Mai Văn Dâu đã nhiều lần tiếp các doanh nghiệp đến xin hạn ngạch tại nhà riêng, lại có bút phê giải quyết công việc cơ quan ở đây là vi phạm quy trình xử lý hồ sơ của Bộ TM mà một thứ trưởng như ông lẽ ra phải nghiêm túc chấp hành và làm gương cho cấp dưới.

Hành động này khó ai có thể chấp nhận là ông làm một cách “vô tư” được! Nhưng vì không có tài liệu chứng minh việc đưa tiền của bị can Cương như nêu ở trên nên chỉ đủ căn cứ kết luận bị can Dâu nhận 6.000 USD và phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Nhận hối lộ”.

2. Trường hợp của nguyên Vụ phó Vụ XNK Lê Văn Thắng: Bị can Trần Thu Lan (Phó Giám đốc Cty TNHH và TM châu Á) khai đã ra Hà Nội tới 17 lần, gặp trực tiếp Lê Văn Thắng tới 15 lần để xin “giúp đỡ” cấp hạn ngạch, tặng “quà” Lê Văn Thắng 23.000 USD.

Bị can Nguyễn Cương khai nhiều lần đến nhà riêng của Thắng, đưa Thắng 30.000 USD cũng với mục đích xin giúp đỡ cấp hạn ngạch. Bị can Võ Thị Thanh Hằng (GĐ DNTN Hoàng Trí) khai đưa Thắng 5.000 USD tại phòng làm việc ở Bộ TM khi nộp hồ sơ xin hạn ngạch...

Tuy nhiên bị can Lê Văn Thắng chỉ thừa nhận, nhận của Trần Thu Lan 15.000 USD, chối không nhận của Nguyễn Cương và Võ Thị Thanh Hằng tiền. Thế nhưng Thắng lại khai nhận của Trần Kim Dung (đang bỏ trốn) 3.000 USD.

Xung quanh việc khai nhận tiền của Thắng có những tình tiết nực cười. Người khai nói mình “đút” cho Thắng 1.000 thì Thắng lại khai với cơ quan CA là mình nhận hối lộ 2.000 USD!

Tương tự như bị can Mai Văn Dâu, nhưng ở mức độ trầm trọng hơn, bị can Thắng thường xuyên tiếp đại diện các doanh nghiệp xin hạn ngạch tại nhà riêng, điềm nhiên nhận “thù lao bao thơ” sau khi vạch đường chỉ lối cho các doanh nghiệp cách lấy được hạn ngạch.

Theo khai nhận của các bị can thì mỗi lần đặt bút phê là Thắng lại có tiền nghìn mỹ kim. Vì chưa có đủ tài liệu chứng minh các hành vi nhận tiền của bị can Thắng như đã nêu ở trên, nên chỉ đủ cơ sở kết luận Lê Văn Thắng nhận từ Trần Thu Lan và Trần Kim Dung 18.000 USD, phạm vào tội “Nhận hối lộ”.

3. Trường hợp của chuyên viên Bùi Hồng Minh, tức Minh C: Bị can Trần Thu Lan khai 6 lần đưa tiền kèm hồ sơ xin hạn ngạch cho bị can Minh, trong đó 1 lần ở cổng Bộ TM, 5 lần ở quán cafe 33 (trên phố Trần Hưng Đạo), tổng số tiền là 4.500 USD. Thế nhưng Minh chỉ khai gặp Lan 4 lần và nhận của Lan 2.000 USD. Tuy gia đình bị can Minh đã nộp lại 2.000 USD để khắc phục hậu quả, nhưng như vậy là bị can Minh đã phạm vào tội “Nhận hối lộ”.

4. Trường hợp của chuyên viên Mai Thanh Hải (con trai Mai Văn Dâu): Quá trình điều tra cho thấy Mai Thanh Hải đã nhận của Đặng Vũ Quang (Phó GĐ Cty TNHH Hàng Đầu) 560 triệu đồng để “chạy” quota hàng dệt may vào thị trường Mỹ cho Công ty Qualitex. Thực chất Hải nhận tiền nhưng chẳng làm gì để hỗ trợ việc này.

Sau khi Qualitex được cấp hạn ngạch, họ phát hiện ra không phải là do “công” của Hải và Quang nên đã đòi lại Quang tiền. Quang đòi Hải. Hải đồng ý trả, chia làm 2 lần: lần đầu 204 triệu đồng, lần sau 30.000 USD.

Có một tình tiết đáng chú ý là Quang đưa Hải 560 triệu, nhưng số tiền Hải trả lại Quang, quy ra tiền Việt là 664 triệu, nhiều hơn 104 triệu. Giải thích về hành vi hào phóng ngớ ngẩn này, Hải khai anh ta nghĩ Quang là người môi giới giúp Qualitex nên rất có thể đã “ăn” hoa hồng trong số tiền đưa cho Hải, nếu Hải chỉ trả lại 560 triệu đồng thì sợ Quang không trả đủ cho Qualitex khiến họ sẽ tiếp tục gửi đơn kiện đòi tiền gây bất lợi cho Hải (!).

Nhưng cho dù có nghĩ “chu đáo” như vậy thì việc Hải trả lại Quang tiền không phải do tự nguyện mà vì Quang đòi và Hải sợ bị kiện. Hành vi của Hải đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngoài ra Võ Thị Thanh Hằng khai đưa Hải 2.500 USD, Bùi Văn Tuấn (GĐ Cty TNHH Tomotake VN) khai đưa Hải 5.000 USD cùng để nhờ xin hạn ngạch, nhưng Hải không thừa nhận. Trong khi điều tra còn phát hiện trong hồ sơ cán bộ của Mai Thanh Hải tại Vụ Tổ chức của Bộ TM bản sao (có công chứng) bằng tốt nghiệp ĐH Ngoại thương.

Sau khi tiến hành trưng cầu giám định cho thấy cả chữ ký và con dấu trên bản sao bằng tốt nghiệp đều là của giả. Hải khai không biết vì sao lại có bằng tốt nghiệp đại học giả ấy trong hồ sơ của mình (!). Sử dụng bằng giả theo cách trên, Hải đã phạm vào tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

5. Trường hợp của chuyên viên Nguyễn Việt Phú: Bị can Phú còn khá trẻ (SN 1979), mới vào làm việc ở Bộ TM từ năm 2004, đến cuối năm ấy đã bị bắt về tội “nhận hối lộ” ! Bị can Trần Thu Lan khai đưa Phú tổng số tiền 3.500 USD trong 5 lần nộp hồ sơ xin hạn ngạch. Tuy nhiên Phú chỉ thừa nhận là đã gặp Lan chứ không nhận tiền Lan đưa, thậm chí có lần phát hiện thấy phong bì Phú đã trả lại.

Liên quan đến việc cấp hạn ngạch cho Công ty QMI, Phú khai vì “nể” sếp Thắng nên đã nhận giải quyết hồ sơ cho Trần Kim Dung. Dù Dung chưa bổ sung đầy đủ hồ sơ nhưng Phú  đã phát hành thông báo hạn ngạch, tạo điều kiện để Dung lấy tiêu chuẩn này và sau đó người làm dịch vụ cho QMI đã bán hạn ngạch kiếm lợi.

Cho dù Phú khai mình làm việc này vì sợ sếp, muốn trở thành cán bộ mẫn cán để có công ăn việc làm lâu dài, nhưng hành vi này đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

6. Trường hợp của nguyên trưởng phòng QLXNK Trần Văn Sửu: Có thể nói bị can Sửu là một cán bộ làm XNK liều lĩnh đến mức hy hữu. Trong vòng hơn 1 năm, mặc dù chưa hề có thông báo hạn ngạch, nhưng Sửu đã cấp khống visa hàng dệt may cho Tăng Phát Bảo để nhận tiền “quà” 9.000 USD. Bị can Sửu còn cấp khống visa cho Công ty Tân Hải để nhận 300 USD.

Sửu phạm vào tội “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ngoài những hành vi phạm tội trên, Sửu còn khai nhận trong vòng 5 năm từ 1999 đến 2004, các doanh nghiệp kinh doanh XNK trên địa bàn Hải Phòng đã đến “tết” Sửu khoảng trên 300 triệu đồng!

Theo các nguồn tin mà Tiền Phong có, trong quá trình điều tra nhiều bị can trong số trên khai báo thiếu thành khẩn, tìm cách chối tội. Số tiền nhận hối lộ của các bị can có thể thấy là quá ít so với quy mô và mức độ phạm tội ở một lĩnh vực mà trong thương mại có thể gọi là “béo bở” này.

Một điều dễ nhận ra là, các bị can đưa hối lộ thường khai những món tiền khổng lồ mình đã lót tay (không rõ là thực tế như thế hay họ đã tìm cách “ăn chặn” của doanh nghiệp hoặc chối tội) ; trong khi bị can nhận hối lộ lại chỉ thừa nhận số lượng rất ít những món “quà” này (không rõ là để chối tội hay tránh bị đổ tội !?).

Chẳng hạn bị can Nguyễn Cương khai đã nhận 155.000USD từ Bùi Văn Tuấn (Công ty Tomotake), Lai Wai Hung (Công ty Sun dance), Wu Chun Te (Công ty TNHH Lawn Yard), Chou Ming Chen (Công ty TNHH Đế Vương) và đưa cho ông Mai Văn Dâu 38.000USD (trong đó có 2.000USD gửi cho Mai Thanh Hải), Lê Văn Thắng 30.000USD... ; bị can Trần Thu Lan khai đưa Lê Văn Thắng 23.000 USD trong tổng cộng 15 lần gặp gỡ v.v... nhưng “bên nhận” hoặc chối không, hoặc chỉ thừa nhận một số lượng nhỏ.

Với những thủ đoạn xảo quyệt và kinh nghiệm của những kẻ có nhiều năm làm việc tại các cơ quan công quyền thì việc làm rõ những chuyến đi đêm kiểu này cực kỳ phức tạp.

Về phía các doanh nghiệp SX và gia công hàng XNK, vì mối lợi trước mắt đã chi những món tiền khổng lồ một cách mù quáng cho những kẻ môi giới.

Qualitex chi cho Đặng Vũ Quang 100.000 USD để chạy hạn ngạch; Lai Wai Hung chuyển cho Bùi Văn Tuấn khoảng 82.000 USD, Công ty Leader one (HongKong, Trung Quốc) chuyển cho Tomotake (của Bùi Văn Tuấn) khoảng 155.000 USD đều để dùng vào mục đích “làm thủ tục và chi phí xin cấp hạn ngạch”!

Dễ thấy những món tiền này đã được những kẻ môi giới chi vô tội vạ để mua chuộc các cán bộ biến chất ở những vị trí nhạy cảm. Thiết nghĩ đây cũng là một lĩnh vực cần phải làm rõ và có hình thức xử lý thích đáng để làm gương cho những doanh nghiệp coi thường pháp luật.

(Theo Tiền Phong)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.