Bị giam hơn một năm vẫn chưa được xử lại

12/12/2013 11:25 GMT+7

Một ngày cuối tháng 4.2012, đàn ngỗng của ông Trương Anh Xuân (70 tuổi, ở xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, Nam Định) đã làm hỏng khoảng 4 m2 lúa vừa cấy của ông Hoàng Văn Thơi, ngụ cùng xã.

Một ngày cuối tháng 4.2012, đàn ngỗng của ông Trương Anh Xuân (70 tuổi, ở xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, Nam Định) đã làm hỏng khoảng 4 m2 lúa vừa cấy của ông Hoàng Văn Thơi, ngụ cùng xã. Ông Xuân sau đó đã xuống cấy lại.


Ông Xuân tại hiện trường vụ xô xát - Ảnh Hoàng Long 

Tuy nhiên, sau đó con rể ông Thơi là Trần Văn Thể nhiều lần đến gây sự với ông Xuân, đỉnh điểm là tối 4.5.2012, anh Thể kéo người đến đánh chửi ông Xuân khiến ông Xuân phải gọi con trai là Trương Anh Tuấn đến tiếp ứng.

Ngay trong đêm, ông Xuân được yêu cầu lên UBND xã để viết tường trình rồi bị bắt, đưa về Công an huyện Nam Trực giam 5 ngày.

Đến ngày 20.11.2012, anh Tuấn bị bắt. Đến ngày 11.6.2013, TAND huyện Nam Trực xử phạt anh Tuấn 3 năm tù giam về tội “cố ý gây thương tích”, phải bồi thường hơn 23 triệu đồng cho nạn nhân.

Vụ việc gây bức xúc cho gia đình ông Xuân và người dân địa phương.

Luật sư Trần Văn Ninh, người bảo vệ quyền lợi cho anh Tuấn nhận định vụ án này có nhiều bất thường. Theo đó, hồ sơ vụ án có Lệnh bắt khẩn cấp số 12, ngày 5.5.2012 đối với ông Trương Anh Xuân, nhưng theo quy trình thực hành tố tụng, ông Xuân không thuộc đối tượng phải bắt khẩn cấp vì không phạm tội nghiêm trọng hay phạm tội xong thì bỏ trốn… Đặc biệt, sau khi vụ việc xảy ra hơn 5 tháng, đến 16.11.2012, Công an huyện Nam Trực mới khởi tố bị can. Ngày 20.11.2012, anh Tuấn nhận được giấy gọi đến UBND xã, tại đây, sau khi viết tường trình, công an huyện Nam Trực còng tay anh và đưa về huyện.

Theo ông Xuân, sau vụ xô xát, điều tra viên mời một người tên là Trần Văn Nhưng, trú ở thị trấn Nam Giang (huyện Nam Trực), cách đó gần 10 km và không phải là y, bác sĩ, cũng không hề biết gì về sự việc, đến để xem thương tích của anh Trần Văn Thể để lập biên bản và ghi chú: “Chứng nhận vết thương của anh Thể là do anh Trương Anh Tuấn cùng người khác đánh”…

Những chứng cứ, ý kiến nêu trên đều đã được trình lên cơ quan điều tra và được luật sư đưa ra tại tòa sơ thẩm, tuy nhiên, không hiểu vì sao các cơ quan làm án của huyện Nam Trực đều bỏ qua. Hậu quả là tại phiên sơ thẩm diễn ra ngày 11.6.2013, TAND huyện Nam Trực xử anh Trương Anh Tuấn 36 tháng tù giam với tội danh “cố ý gây thương tích”.

Đến phiên tòa phúc thẩm diễn ra ngày 16.9.2013, TAND tỉnh Nam Định xác định: Cơ quan điều tra đã bỏ lọt hàng loạt tình tiết như “cá nhân (ông Xuân-PV) cũng bị anh em ông Thể đánh gây thương tích có tài liệu, chứng cớ nộp cho cơ quan điều tra huyện Nam Trực nhưng không được xem xét”, “các tài liệu, chứng cớ không đủ căn cứ kết luận bị cáo (Trương Anh Tuấn - PV) gây thương tích cho các bị hại nhưng lại buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự…là không có cơ sở”… Từ đó, tòa phúc thẩm đã quyết định hủy toàn bộ án sơ thẩm, yêu cầu điều tra, xét xử lại.

Dư luận nhân dân ở Nam Thắng rất đồng tình với kết luận này. Tuy nhiên, đã hơn 1 năm kể từ ngày anh Trương Anh Tuấn bị bắt và gần 3 tháng sau ngày tòa phúc thẩm trả lại hồ sơ, đáp lại mong mỏi làm rõ vụ án của anh Trương Anh Tuấn là thái độ im lặng đến đáng ngại của các cơ quan làm án huyện Nam Trực.

Ông Trương Anh Xuân, bố của anh Tuấn tuần nào cũng gõ cửa các cơ quan làm án của huyện Nam Trực để mong sớm làm rõ vụ án của con mình. Tuy nhiên, theo ông Xuân, câu trả lời ông nhận được chỉ là "đang điều tra, chưa biết lúc nào xong".

Mới đây, ngày 27.11.2013, luật sư Nguyễn Văn Phùng (thuộc Văn phòng luật sư Trần Ninh và các cộng sự, đang nhận bào chữa cho anh Trương Anh Xuân) cho biết ông vào trại tạm giam đề nghị gặp anh Tuấn, nhưng trại giam đã ngăn cản không cho gặp mà không đưa ra lý do hợp lý.

Hoàng Long

>> Đổi mới hoạt động điều tra để hạn chế án oan, bỏ lọt tội
>> Ba ngành bắt tay cam kết giảm án oan
>> Ai sẽ bồi thường cho người thụ án oan?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.