Bi hài chuyện dùng xã hội đen - Bài 1: Bị “đối tác” lừa đảo, khống chế tài sản

07/06/2009 23:51 GMT+7

Bị xã hội đen bủa vây hoặc ngược lại, nhờ xã hội đen trợ giúp mình uy hiếp đối tác vì không muốn pháp luật can thiệp, muốn tự ra tay giải quyết cho lẹ làng, nhưng chính từ đó đã nảy sinh những hậu quả khôn lường... Nghe đọc bài

Bẫy cho vay nặng lãi

Khoảng tháng 9.2007, trong lúc đang gấp rút hoàn thiện nhà máy sản xuất rượu ở khu công nghiệp An Khánh (tỉnh Hà Tây, nay thuộc Hà Nội) để chuẩn bị đi vào hoạt động, ông Th., giám đốc nhà máy nhận được thông báo từ ngân hàng: số tiền 3,5 tỉ đồng mà ông vay của ngân hàng đã đến thời hạn phải trả. Chạy đôn chạy đáo vay mượn nhưng ông Th. vẫn không thể nào xoay được số tiền lớn như vậy trong thời gian gấp gáp. Bỗng nhiên, như có “quý nhân phù trợ”, ông Th. được một “cò” giới thiệu gặp D.Đ.T (trú ở Từ Liêm, Hà Nội), T. đồng ý cho ông vay 3,5 tỉ trong thời hạn 1 tháng, lãi suất 10.000 đồng/triệu/ngày, tương đương 30%/tháng. Điều kiện đưa ra là ông Th. phải thế chấp cho T. bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nhà máy. Ông Th. đồng ý vay.

Đến tháng 10.2007, T. tiếp tục giới thiệu ông Th. đến gặp H.V.Q (ở Q.Ba Đình, Hà Nội) để vay thêm 6 tỉ đồng. Điều kiện lần này là ông Th. phải thế chấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà máy rượu. Tại nhà Q., khi đã cầm được giấy chứng nhận đăng ký của ông Th., Q. “lật kèo”: Nếu ông Th. đồng ý thì phải vay với lãi suất... 40%/tháng, thời hạn vay chỉ 2 tháng. Nghe lãi quá cao, ông Th. không đồng ý. Lập tức, Q. giữ luôn giấy đăng ký kinh doanh đòi ông Th. phải chuộc 800 triệu đồng!

Vẫn kẹt tiền, cuối tháng 10.2007, ông Th. tiếp tục được T. dẫn đến gặp Ng.Đ.B (trú Q.Hoàn Kiếm) vay 3,5 tỉ đồng với lãi suất 6.000 đồng/triệu/ngày, tương đương 18%/tháng. Do quá cần tiền để xây dựng, hoàn thiện nhà máy, ông đồng ý vay và tiếp tục lún vào vũng bùn của xã hội đen.

Đến khi lãi vay cắt cổ cộng với số tiền gốc lên đến 8,1 tỉ đồng, thì cả T. và B. liên tục đến công ty của ông Th. đòi nợ. Ông xin trả dần, T. và B. không đồng ý. Rồi tự đưa ra “giải pháp”: Nếu muốn được trả dần, ông Th. và vợ phải làm hợp đồng chuyển nhượng vốn điều lệ của công ty cho T. và B.

Không còn cách nào khác, ông Th. đành phải đồng ý. T. lập tức rút ra từ cặp hai phiếu thu được đánh máy sẵn với nội dung: T. nộp 4 tỉ 50 triệu đồng mua vốn của vợ ông, B. nộp 4 tỉ 50 triệu đồng mua vốn của ông Th. Để trấn an, họ nói đại ý: “Anh chị cứ yên tâm, ký để làm tin thôi”. Không còn cách nào khác, vợ chồng ông Th. phải cùng ký vô hợp đồng chuyển nhượng vốn điều lệ nhà máy.

Thôn tính nhà máy

Khoảng nửa tháng sau, cả T. và B. lại đến công ty, gợi ý là nếu cần vốn, T. sẽ giới thiệu em gái của B. cho vay vì em gái B. “đang có 300 triệu tính mang gửi ngân hàng”. Ông Th. tiếp tục vay của em gái B. 300 triệu đồng. Tại đây, em gái B. yêu cầu ông Th. phải đặt con dấu doanh nghiệp lại làm tin. B. thì hứa “khi cần đóng dấu ông cứ mang văn bản lên, em nó sẽ đóng dấu cho”. Do quá kẹt vốn, ông lại đành phải đặt con dấu của nhà máy để vay. Ông không thể ngờ rằng, đây là “chiêu” cuối cùng mà nhóm xã hội đen dùng để thôn tính nhà máy.

Đầu tháng 1.2008, ông Th. được người bạn ở nước ngoài cho vay vốn lãi suất thấp để cùng phối hợp phát triển sản xuất, đồng thời trả nợ giúp ông. Tìm đến để thương lượng trả cả tiền gốc và lãi, nhưng cả T. và B. đều tránh. Cuối cùng cả hai chủ nợ đều yêu cầu phải trả đủ... 15 tỉ đồng thì họ mới trả toàn bộ giấy tờ, con dấu của nhà máy (thay vì theo cách tính ban đầu là 8,5 tỉ).

Trong lúc thương lượng thì họ đã âm thầm thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh; đưa tên B. và T. trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của công ty này. Vợ chồng ông Th. không hề biết âm mưu này cho đến tháng 3.2008, mới nhận được hung tin cho biết toàn bộ nhà máy đã rơi vào tay T. và B. Tức tốc đến gặp T. và B. để phản đối thì họ lạnh lùng thông báo: “Vợ chồng ông đã bán hết nhà máy cho bọn tôi rồi còn hỏi gì nữa?”. Tháng 4.2008, T., B. cùng một số dân anh chị xông vào nhà máy, cắt khóa nhà xưởng và hầm kỹ thuật rượu, chiếm giữ văn phòng làm việc, ép cán bộ và công nhân ra khỏi nhà máy. Bảo vệ công ty ngăn cản nhưng không được. Không còn cách nào khác, ông Th. làm đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng và vụ việc hiện đã được cơ quan an ninh kinh tế Hà Nội thụ lý, hoàn tất hồ sơ, chuyển sang cho PC14 Công an Hà Nội tiếp tục làm rõ... (Còn tiếp)

Nguyễn Lê Nguyên - Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.