Bi hài chuyện giữ xe

21/03/2011 00:02 GMT+7

Ở những đô thị lớn, người đi học, đi làm, đi ăn, đi chơi... đều có nhu cầu gửi xe. Nhưng không phải lúc nào cũng tìm được nơi giữ xe tin cậy, an toàn, đúng giá. Và trên thực tế, những câu chuyện mất xe, khiếu kiện, thậm chí… ngậm ngùi đã và đang diễn ra hằng ngày.

Tại TP.HCM, hàng quán lớn nhỏ đều tổ chức các hình thức giữ xe cho khách, có chỗ lấy tiền có chỗ miễn phí hay “cho bao nhiêu cũng được”. Ðể làm hài lòng khách thì các hàng quán thường bố trí người giữ xe, đón xe từ tay khách đưa vào dãy, trông coi. Trong bài này chúng tôi đề cập đến các trường hợp giữ xe miễn phí, không thẻ, với những cảnh ngộ khóc cười khi sự cố mất cắp xảy ra…

“Cứ để đó đi…”

Đầu tháng 3.2011, anh N.M.K (ngụ P.13, Q.10) chở người bạn trên chiếc xe Air Blade mới đi được hơn 4.000 km đến một tiệm internet trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.10). Lúc anh K. đẩy xe vào, vì là khách quen nên người giữ xe chỉ đưa tay kêu anh đi vào, chứ không đưa thẻ giữ xe. Thấy có người trông xe, anh K. yên tâm. Thế nhưng, lúc quay ra thì tìm mãi mà chẳng thấy chiếc xe của mình. Sau một hồi đôi co, anh K. ra về với lời hứa của chủ tiệm internet “sẽ xem xét bồi thường”.

Chờ hơn 2 tuần sau vẫn không thấy chủ tiệm net thực hiện lời hứa, anh K. quay lại và căng thẳng nói: “Nếu không bồi thường xe thì sẽ đưa vụ việc ra công an”. Đến nước này, chủ tiệm internet trở mặt: “Anh không thẻ giữ xe lấy gì làm chứng có giao xe cho chúng tôi. Chứng cứ đâu bắt chúng tôi bồi thường. Chúng tôi có biết anh đi xe hay đi bộ tới tiệm?”. Sau đó, anh K. tham khảo bạn bè, người thân thì thấy đuối lý, nên đành ôm cục tức bó tay chịu mất xe.


Những bảng thông báo khách tự giữ xe xuất hiện ngày càng nhiều - Ảnh: L.N

Một trường hợp khác còn éo le hơn. Ngày 11.10.2010, anh H. đi xe máy đến một cửa hàng Vissan mua thực phẩm. Khi đến nơi, anh H. hỏi nhân viên trong cửa hàng: “Để xe ở đâu?”. Cô nhân viên chỉ vào vỉa hè phía trước: “Anh cứ để đó đi”. Nghe vậy, anh H. yên tâm, nhưng mua hàng xong thì chiếc xe cũng “bốc hơi” mất. Cửa hàng không có bảo vệ nên không ai trông xe, lúc cô nhân viên lúi húi tính tiền thì kẻ gian đã cuỗm mất xe. Anh H. yêu cầu cô nhân viên phải đền chiếc xe bị mất nhưng cô nhân viên phản ứng: “Em đâu có hứa trông xe cho anh. Nhiệm vụ của em chỉ là thâu ngân thôi”. Đuối lý, anh H. chỉ biết lủi thủi kêu xe ôm ra công an trình báo. Đến nay, gần nửa năm trôi qua, chiếc xe vẫn bặt vô âm tín.

Anh Nguyễn Hoàng Long (ngụ Q.10) cũng gặp bi kịch tương tự. Ky cóp mua được chiếc Future Neo làm phương tiện đi lại, nhưng mới chạy được vài tháng thì cũng bị “bốc hơi” ở một tiệm internet. Tuy không có thẻ giữ xe nhưng chủ tiệm thừa nhận có việc mất xe, xin lỗi rối rít và hứa: “Hiện giờ em chưa chuẩn bị tiền. Tháng sau anh quay lại, tiệm sẽ tính chuyện bồi thường cho anh”. Tin lời, tháng sau anh Long quay lại thì tiệm net ấy đã dọn đi và chủ nhà cho thuê cũng không biết.

“Mất cắp là việc của xã hội”

Tháng 3.2010, anh K.Dũng (ngụ Q.10) và vợ sắp cưới đến một tiệm áo cưới ở đường 3 Tháng 2 thử áo cưới. Thấy trước cửa tiệm có 3, 4 chiếc xe gắn máy dựng sẵn, anh Dũng đẩy chiếc Dylan vào ngay cạnh và khóa cổ. Anh nhân viên bảo vệ đứng cạnh đấy còn tiếp anh Dũng một tay, dựng xe cho gọn. Trước khi vào, anh Dũng còn hỏi xin thẻ giữ xe thì người bảo vệ xua tay: “Khỏi thẻ, anh cứ yên tâm. Tui nhớ xe của khách hết mà!”.

Chưa đầy mười phút sau, anh Dũng quay ra thì chiếc xe đã biến mất. Lúc này người chủ cửa hàng bảo: “Mất cắp là việc của xã hội. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với công an để truy tìm thủ phạm, còn buộc tụi tui bồi thường thì khó quá”. Bức xúc, anh Dũng làm đơn thưa gửi khắp nơi, cho rằng chủ tiệm trả lời vô trách nhiệm, nhưng rốt cuộc cũng chẳng có ích gì. Thậm chí, anh Dũng nộp đơn khởi kiện cửa hàng này ra tòa nhưng tòa cũng chịu thua vì chủ cửa hàng khăng khăng không nhận giữ xe cho anh.

Cách đây chưa lâu, TAND Q.1 đưa ra xét xử vụ đòi bồi thường do mất xe xảy ra tại quán phở Thái Sơn (Q.1). Mọi chuyện cũng khúc mắc vì chiếc thẻ xe. Từ tháng 9.2007, quán phở này ký hợp đồng với một công ty bảo vệ giữ xe cho khách. Hằng ngày, 6 chiếc xe máy của gia đình chủ nhà cho thuê mặt bằng cùng xe khách hàng và xe nhân viên quán phở vẫn để chung tại bãi xe ở tầng trệt. Ngày 9.1.2008, con gái chủ nhà chạy chiếc Dylan dựng ngay chân cầu thang. Lúc sau quay ra thì phát hiện chiếc xe đã không cánh mà bay. Tuy nhiên sau đó, cả nhân viên coi xe và công ty bảo vệ đều từ chối trách nhiệm nên vụ việc được đưa ra tòa. Phía công ty bảo vệ cho rằng, ngay từ đầu “chỉ ký hợp đồng giữ xe cho khách vào ăn phở” chứ không nhận giữ xe cho chủ nhà, còn phía khổ chủ thì không có thẻ xe nên không chứng minh được có giao xe cho bảo vệ giữ. Vì vậy, tòa đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường giá trị chiếc xe bị mất của khổ chủ.

Có rất nhiều nạn nhân cho biết mình cũng trong hoàn cảnh tương tự khi giao xe cho quán mà không nhận giấy giữ xe; đến khi mất xe, chủ quán tròn xoe mắt: “Ủa, anh có gửi xe ở đây không?”… Khách buồn vì bị mất xe đã đành nhưng còn ấm ức hơn vì cứ như mình là kẻ gian “ăn không nói có”.

Giữ xe kiểu...  gây hồi hộp

TP.HCM có thể được xem là nơi có hình thức nhận giữ xe phong phú nhất cả nước. Tại khu vực xung quanh chợ Bến Thành, nhiều hộ gia đình mở ra dịch vụ chuyên giữ xe trông khá chuyên nghiệp. Từ tấm vé giữ xe cho đến khâu tổ chức. Có nơi thuê nhà trong hẻm gần đó làm điểm giữ xe cho khách còn mình chỉ thuê chỗ nhỏ ở mặt tiền để đón nhận xe. Có nơi sử dụng cả phần căn nhà phía dưới để giữ xe và có nơi để xe chật kín cả vỉa hè. Phổ biến nhất hiện nay, có lẽ là người một chỗ, xe một nẻo vì hàng quán không thiết kế nhà để xe, phải đi thuê những căn nhà gần đó làm chỗ để. Nhân viên phục vụ cho hình thức giữ xe này cũng được huy động nhiều hơn để làm “con thoi” liên tục nhận, trả xe. Đáng lo nhất là có những nơi nhân viên lấy cả chìa khóa xe, đẩy xe đi mà không giao thẻ xe. Đây là kiểu giữ xe gây hồi hộp nhất cho khách hiện nay.

Ngoài ra còn không ít quán xá, cửa hàng vì chỗ và người giữ xe không có nên để ngay một tấm bảng: “Khách tự giữ xe”...

Lê Nga - Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.