Bi hài "văn hóa giao thông" - Bài 1: Mạnh ai nấy chạy!

18/10/2009 22:35 GMT+7

Kẹt xe, ùn tắc và tai nạn giao thông đang là nỗi bức xúc hàng đầu của người dân TP.HCM. Ngoài hạ tầng đường sá còn thiếu, "lô cốt" dày đặc... nguyên nhân chính dẫn đến kẹt xe ngày càng trầm trọng là ý thức chấp hành luật, cách ứng xử... của người tham gia giao thông, mà nhiều người gọi là "văn hóa giao thông", còn rất kém. Điều đáng nói, hầu như ai cũng biết điều này, nhưng lại có rất ít người nhìn nhận để thay đổi.

 Mời nghe đọc bài

Lấn tuyến, chen lên vỉa hè, vượt đèn đỏ khi không thấy CSGT... là hình ảnh thường thấy trên các tuyến đường giao thông Sài Gòn hiện nay.

"Leo lề chạy đi mấy cha"!

Tại khu vực "lô cốt" trên đường Trần Quang Diệu nối dài (P.13, Q.3), sáng đầu tuần, mặt đường chỉ đủ dành cho xe gắn máy lưu thông, nhưng một chiếc xe taxi 4 chỗ vẫn ngang nhiên xông tới cố lách qua ngõ hẹp và bị ách lại giữa đàng. Thấy bên đường này bị tắc, hơn chục chiếc xe máy phía sau tranh thủ nhào ngay sang làn ngược chiều để "bang" tiếp. Ít phút sau giao thông hỗn loạn.

Rảo mắt nhìn mọi người xung quanh thấy có vẻ ai cũng đang gấp rút đến công sở hoặc đưa con đến trường, nên mạnh ai nấy lấn, nấy chạy. Lượng xe hai bên đổ về ngày một đông càng làm không khí ngột ngạt.

"Tránh ra cho đi gấp đi!", một thanh niên ăn mặc lịch sự vừa cho xe luồn lách, vừa lên tiếng với mọi người xung quanh.

Khoảng 12 giờ 45 ngày 13.10, xe cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai chạy hú còi ưu tiên trên đường Đinh Bộ Lĩnh, Q.Bình Thạnh, hướng vào trung tâm thành phố. Tất cả xe cộ đều dạt vào lề đường nhường cho xe cấp cứu qua, riêng xe du lịch biển số 53M-9… nhất định không nhường. Tài xế xe du lịch nhấn ga lao vùn vụt, lạng lách phía trước xe cấp cứu, thậm chí còn đi vào phần đường của xe tải… không cho xe cấp cứu vượt lên. Nhiều người đi đường thấy vậy chạy xe máy theo tỏ thái độ bất bình nhưng tài xế xe du lịch vẫn tỉnh rụi. Phải tới giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Nguyễn Xí, khi xe du lịch rẽ phải thì xe cấp cứu mới có thể vượt lên.

Bảo Thiên - Hoàng Nguyên

"Ở đây ai cũng gấp mà. Luồn lách có ích gì, phía trước vẫn tắc đường", một người đàn ông đang chở con nhỏ đến trường đáp lại.

Mặc, người thanh niên vẫn rồ ga, lấn đường, cố chen vào kẽ hở, bất chấp những cái nhìn đầy khó chịu của mọi người xung quanh. Nhưng chỉ được một đoạn ngắn, anh này cũng đành "thúc thủ" tại đoạn "lô cốt" tiếp theo.

Trong khi mọi người đang khó chịu vì kẹt xe, một số tài xế xe buýt, xe máy đua nhau nhấn còi inh ỏi khiến không khí càng bức bối. Phía sau chúng tôi, một ai đó thúc: "Leo lề chạy đi mấy cha!". Một chiếc xe gắn máy tiên phong lao lên lề. Lập tức cả đám đông như đàn ong vỡ tổ ào ào bám theo. Thậm chí, có người muốn đi nhanh hơn, cho xe băng qua đường leo lên vỉa hè ngược chiều, tạo nên cảnh tượng hỗn loạn...

Công - tư cùng ẩu

Không chỉ xe máy, khi thấy đường phía trước ùn ứ thì cả ô tô cũng sẵn sàng leo lề, đi ngược chiều hoặc lách vào bất kỳ chỗ nào trống để "thoát", dù biết hệ quả tất yếu là tất cả cùng... kẹt.

Gần giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai giờ cao điểm buổi chiều, chiếc xe biển số 62H8-7... lách dòng người chạy lên lề vượt mặt các xe đang chạy đúng luật dưới lòng đường, tiến gần giao lộ. Ít phút sau ở chiều đường ngược lại, đèn bắt đầu chuyển sang đỏ nhưng một chiếc xe taxi vẫn nhấn ga lao vào giữa giao lộ trong khi lượng xe ở hai đầu đường Cách Mạng Tháng Tám chờ đợi cũng nhanh chóng chuyển bánh vào giao lộ, một vài xe máy cúp đầu taxi khiến xe này vướng ở giữa giao lộ. Không ai nhường ai, cộng với lô cốt chình ình ngay đó khiến xe cộ kẹt cứng. Vài phút sau đó, giao lộ kẹt cứng...

 

Chiếc xe ô tô biển số 72N-8349 đậu xe sai quy định, gây ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Thị Minh Khai - Ảnh: Lê Nga

Nhưng hình ảnh phản cảm và gây bức xúc nhiều nhất có lẽ là những chiếc xe biển số màu xanh (xe công) chạy ẩu. Giờ cao điểm chiều 13.10, trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn từ Trương Định đến Bà Huyện Thanh Quan), trong lúc dòng ô tô đang đi đúng phần đường phải nhích từng chút, thì chiếc xe biển số 51A-22... tách khỏi đám đông "hiên ngang" chạy ngược chiều làn đường đối diện hòng rẽ nhanh về đường Trương Định, khiến người điều khiển xe đang đi đúng làn đường phải dạt ra tránh, dù họ bực dọc ra mặt. Một bác tài ô tô nhoài người ra khỏi xe, lớn tiếng: "Ỷ xe công muốn chạy sao thì chạy à!".

Mặc cho những cái nhìn không mấy thiện cảm của những người xung quanh, chiếc xe biển xanh kia vẫn lùi lũi tiến. Điều đáng nói, không chỉ một mà chỉ vài phút sau lại thêm chiếc xe biển xanh khác (51A-06...) theo chân xe trước rẽ đám đông, lấn tuyến, mặc cho người đi đường la ó...

Thấy xe công phạm luật được, nhiều xe gắn máy và taxi cũng tranh thủ bám theo sau. Một số taxi khác tranh thủ đón - trả khách trong thời gian dừng chờ đèn xanh giữa đường...! Một tài xế taxi tên Đ.V.H còn... rút kinh nghiệm: "Tốt nhất cứ bám theo xe biển xanh hoặc chạy sau xe cứu thương là vô tư qua điểm ùn tắc". (Còn tiếp)

Giao thông hỗn loạn do con người

Ở VN, lạng lách là một thói quen mà ngay cả xe ô tô cũng chen lấn, đánh võng để lưu thông. Nguyên nhân từ yếu tố con người và các quy định chứ không phải số lượng phương tiện tham gia giao thông. Theo tôi biết, cả nước có 700 ngàn xe ô tô và 23 - 24 triệu xe gắn máy. Nếu xét về mật độ, VN có 7% diện tích đất làm giao thông, trong khi nhiều nước tiên tiến chiếm 21%, gấp 3 VN nhưng số lượng xe gấp 50 - 80 lần, nên tính số lượng xe/đơn vị diện tích thì VN vẫn còn rộng.

Quy định giao thông ở VN không lôgic dẫn đến ùn rồi tắc. Ví dụ, xe gắn máy chạy bên phải, xe hơi bên trái; mỗi lần đến giao lộ ô tô muốn rẽ phải vướng xe gắn máy, xe máy muốn rẽ trái vướng ô tô. Thêm vào đó là những bảng biển chỉ dẫn mập mờ. Người điều khiển phương tiện lưu thông chỉ có 1,5 giây để phát hiện và hiểu thông tin của bảng chỉ dẫn, nhưng các bảng của VN phải mất 3-5 phút để hiểu nên người VN chạy theo cảm tính là chính dẫn đến vi phạm.

Đèn tín hiệu giao thông có làm nhưng không hợp lý, chẳng hạn đèn tín hiệu cho người đi bộ chuyển đổi từ xanh qua đỏ không có thời gian chờ, dẫn đến có nhiều người đi bộ còn lưu thông dưới lòng đường nhưng xe máy, ô tô ở hai bên đường đã có tín hiệu lưu thông. Trong khi đó, tài xế hầu như rất thiếu ý thức nhường đường cho người đi bộ, dẫn đến những tai nạn thương tâm. Ở nhiều nước phát triển, những khu vực ít dân cư không có tín hiệu đèn cho người đi bộ, từ xa quan sát thấy có người muốn sang đường là tài xế tự động giảm tốc độ, dừng hẳn chờ người đi bộ hoàn tất việc qua đường.

Việc xử phạt vi phạm ở nhiều nước cũng rất nghiêm. Những hành động đèn chưa kịp xanh đã vượt lên, đỏ rồi vẫn cố chạy để kẹt cứng giữa ngã tư ở nước ngoài bị phạt rất nặng. Họ có hệ thống camera theo dõi, ghi hình xe vi phạm, sau đó gửi giấy phạt đến tận nhà. Xe mua bán không sang tên bị phạt bằng tiền mua một chiếc xe mới…

(Ông Nguyễn Minh Đồng, Giám đốc Công ty tư vấn kỹ thuật Strategy)

Lê Nga (ghi)

Minh Nam - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.