Bi hài “văn hóa giao thông” - Bài 6: Trong mắt người đi đường

24/10/2009 00:06 GMT+7

Viện Nghiên cứu xã hội TP.HCM vừa hoàn tất đề tài “Xây dựng ý thức thị dân ở TP.HCM trong tiến trình phát triển đô thị văn minh, hiện đại”; trong đó đề cập khá chi tiết về ý thức của người tham gia lưu thông...

Quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã khảo sát khoảng 400 người tham gia lưu thông ở nhiều độ tuổi, khu vực, ngành nghề... Kết quả cho thấy, hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đã quá tải so với dân số và hoạt động kinh tế, thể hiện ở vấn nạn ùn tắc và tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia giao thông rất hạn chế.

Không thấy CSGT là... vi phạm

Hình ảnh phản cảm

Hai phụ nữ mặc sắc phục công an đi trên một xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, che dù... vô tư đi giữa phố phường. Ảnh do bạn đọc Lê Minh chụp và gửi đến Báo Thanh Niên. Theo tác giả Lê Minh, anh chụp ảnh này trên địa bàn Q.Thủ Đức (TP.HCM) vào giữa tháng 10.2009.

Khi được hỏi “Vi phạm luật giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chạy quá tốc độ do đâu?”, trong phần trả lời (1 người có thể nêu nhiều lý do), có 6 lý do chủ yếu dẫn đến các vi phạm luật được đưa ra: Không nhìn thấy công an canh gác (71,8%), làm theo người khác (55%), vì vội công việc (54,3%), vì không bị phạt (28%), luật không nghiêm (27,8%), không biết luật giao thông (23%), lý do khác (6,5%).

Đáng lưu ý, theo nhóm nghiên cứu, có đến 70% số trường hợp bị xử phạt do vi phạm luật giao thông rơi vào độ tuổi 20-30. Từ đó, nhóm nghiên cứu kết luận người có hiểu biết về luật giao thông nhưng vẫn cố tình vi phạm diễn ra khá phổ biến, nhất là đối với người trẻ tuổi.

Mặt khác, vi phạm luật giao thông ở tài xế taxi, xe buýt khá phổ biến, trong khi đây là nhóm người mà nghề nghiệp của họ buộc phải hiểu biết về luật giao thông. Qua phỏng vấn 30 tài xế taxi của các hãng “có thương hiệu” ở TP.HCM, thì có đến 25 người thú nhận từng vi phạm luật giao thông, như quay đầu xe, đi vào đường cấm... khi không thấy CSGT. Hậu quả sau đó là gây ra những vụ kẹt xe.

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra nhận định rằng, nhiều CSGT chỉ chăm chăm việc chặn bắt xe vi phạm, xử phạt hơn là hướng dẫn giao thông.

Hỏi 400 người cùng một câu “Vì sao có nạn kẹt xe ở TP.HCM”, thì có đến 62% cho rằng nguyên nhân chủ quan là do có nhiều người chen lấn, vi phạm luật giao thông. Khi được hỏi ý kiến về ứng xử khi kẹt xe, nhiều người trả lời là tìm mọi cách len lỏi khỏi nơi kẹt xe, đến khi tất cả đều bao vây lẫn nhau, dẫn tới tắc đường...

Chiếc xe biển xanh 51A-2296 chạy lấn tuyến trên đường Nguyễn Thị Minh Khai - ảnh: Minh Nam

Thực thi nghiêm pháp luật

Từ kết quả khảo sát trên, tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM), Chủ nhiệm đề tài trên, cho biết nhóm nghiên cứu đưa ra 3 nhóm biện pháp nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Thực thi pháp luật nghiêm minh và chế tài là biện pháp ưu tiên. Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật giao thông là biện pháp quan trọng thứ hai. Các biện pháp tuyên truyền, giáo dục đóng vai trò hỗ trợ, không thể thiếu.

Cụ thể, cần nâng cao chất lượng đạo đức, trách nhiệm, xây dựng “văn hóa xử phạt cho CSGT”; định mức xử phạt tương ứng với loại phương tiện, tính chất vi phạm và đối tượng vi phạm; nâng tỷ lệ diện tích dành cho giao thông là biện pháp cơ bản giải quyết nạn ách tắc giao thông, đồng thời là biện pháp quan trọng tạo cơ sở vật chất cho khả năng tự ý thức của người dân; tăng cường lắp đặt các thiết bị hiện đại để điều phối và kiểm soát hành vi giao thông; phân luồng các tuyến giao thông là cần thiết nhưng không nên lạm dụng; đưa chương trình “văn hóa giao thông đô thị” vào nhà trường; tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện truyền thông đại chúng bằng nhiều hình thức; tuyên truyền giáo dục ở các tổ chức quần chúng...

Ngoài ra, để xây dựng ý thức giao tiếp văn minh nơi công cộng, nhóm nghiên cứu cho rằng cần phải lấy tuyên truyền vận động và nhắc nhở là chính. Việc này đòi hỏi tiến hành thường xuyên, lâu dài và có sự kiên trì, là một quá trình khó khăn, không thể nóng vội, vì tùy thuộc vào quá trình nâng cao dân trí. Không nên làm theo kiểu phát động từng phong trào, từng đợt ra quân, xuống đường... rồi qua phong trào, đợt ra quân thì đâu lại vào đó, vừa tốn kém vừa không đạt hiệu quả cao.

Tôi có ý kiến

Ai cũng biết luật, nhưng vẫn vi phạm

Đọc các bài viết, bao bức xúc bấy lâu nay dường như vỡ òa trong tôi. Người ta cứ đổ thừa cho đường hẹp, người đông rồi mạnh ai nấy tự ứng xử theo cách của mình, chẳng ai giống ai. Đường đã kẹt, nếu mọi người từ từ nhường nhau kẻ đi trước người đi sau thì mọi việc sẽ được giải quyết, ai cũng sẽ đến được nơi mình muốn không phải mệt mỏi, bực tức. Nhìn con đường nhỏ kẻ đi xéo người đi ngang, kẻ leo lề, xe lớn bấm còi inh ỏi, xe nhỏ đi ngược chiều... tôi thấy y như câu chuyện "hai con dê đi trên một chiếc cầu"... (Thanh Trúc - ttruc...@gmail.com)

Một người làm bậy rồi những người khác hùa theo một cách vô ý thức, và cứ thế văn hóa giao thông của chúng ta ngày càng tụt dốc một cách thảm hại. Dù sao thì cũng vẫn có người lưu thông đúng luật, nên mạo muội đề nghị quý vị hãy cùng tôi tiếp tục phát huy điều này. Chúng ta hãy giữ đúng luật lưu thông hết mức, như khi rẽ trái ở ngã tư hãy ra đúng phần đường của mình rồi hãy rẽ chứ đừng cúp ngang; hoặc cố chạy xe thẳng hàng (như xe hơi) để mọi người được thoải mái không bị căng thẳng do những xe khác đột ngột chen ngang. Chúng ta hãy cố thử! (Nguyễn Thị Hiếu - h_nguyen...@yahoo.com)

Tôi hoàn toàn nhất trí với loạt bài Bi hài "văn hóa giao thông". Các tác giả đã phân tích và chỉ ra những yếu kém trong hành xử của đại bộ phận những người tham gia giao thông. Tôi nói là đại bộ phận, vì nếu chỉ một số ít người tham gia giao thông có hành vi kém văn hóa thì trên đường phố của chúng ta làm gì có thể xảy ra những điểm tắc nghẽn giao thông kéo dài một vài tiếng đồng hồ?... “Văn hóa giao thông” tại thành phố của chúng ta đã đến hồi báo động, cần phải có những biện pháp chế tài mạnh mẽ, giáo dục thường xuyên để có thể vãn hồi trật tự giao thông công cộng. Một thành phố lớn, trung tâm công nghiệp, tài chính của cả nước không thể chấp nhận thêm, lâu hơn nữa những hành vi kém văn hóa. (Hồ Minh Ánh - anh...@pvoil.com.vn)

Bức xúc xe buýt, taxi chạy ẩu

Bài viết đã nói đúng suy nghĩ của tôi bấy lâu nay. Hằng ngày đi lại trên đường, tôi nhận thấy đúng là xe buýt và taxi là 2 loại xe chạy ẩu và ngang ngược nhất trên đường phố. Tôi không tin rằng chúng ta lại bó tay trước vấn đề này vì ai cũng nhìn thấy, ai cũng biết và ai cũng phẫn nộ. (Huy - thaihuy...@yahoo.com)

Cứ yêu cầu mấy ông quản lý xe buýt làm thường dân leo lên đi thử xe buýt vài ngày là mấy ông đó biết nỗi sợ của người dân liền hà. (Linh_12ly7@yahoo.com.vn)

Chuyện về xe buýt chạy ẩu, nhân viên phục vụ vô văn hóa là thường xuyên xảy ra. Các cơ quan chức năng nên hành động ngay. Theo tôi việc đầu tiên là nên chấn chỉnh ngay con người. Tại sao tài xế, nhân viên phục vụ lại có thể thiếu trách nhiệm và vô văn hóa đến vậy? Điều quan trọng là chưa có phương pháp tuyển chọn, đào tạo, đánh giá nhân viên. Tại sao không để cho khách hàng là người đi xe buýt đánh giá nhân viên. Tại sao chúng ta không hỏi cách làm của các nước xung quanh để chúng ta làm tốt hơn. “Văn hóa giao thông” theo tôi nghĩ phải bắt đầu từ xe buýt. (Trần Ngọc Cao – tranng...@gmail.com)

Cám ơn bài viết của Thanh Niên. Thực trạng xe buýt ở TP.HCM tôi thấy cứ như xe dù. Không coi sự an toàn của người dân và hành khách ra gì cả. Nguyên nhân dẫn đến kẹt xe càng ngày càng tăng như hiện nay cũng có phần “đóng góp” không nhỏ của xe buýt. Không biết các cơ quan chức năng không biết hay cố tình không biết mà để tình trạng này xảy ra hằng ngày? (Nguyen Quoc Tuan-nguyenquoctuan...@yahoo.com.vn)

Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.