Bi hài “văn hóa giao thông” - Bài kết: Làm gì để giao thông có văn hóa?

27/10/2009 01:16 GMT+7

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội: Cần có chế tài mạnh, thực thi nghiêm Vấn đề giao thông của các thành phố lớn, đặc biệt là ở Hà Nội (HN) và TP.HCM trong vài năm qua là vấn đề gây bức xúc. Chính quyền cơ quan chức năng ở hai thành phố này đã cố gắng để giảm ùn tắc và giảm tai nạn giao thông. Nhưng vấn đề ùn tắc vẫn ngày càng trở nên phức tạp.

Có bốn yếu tố tạo nên vấn đề giao thông ở các thành phố lớn đó là: Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, quỹ đất dành cho giao thông quá thấp; phương tiện giao thông tăng quá nhanh; còn nhiều hành vi vi phạm có hình thức xử lý quá nhẹ, không mang tính răn đe, nhất là với người dân HN và TP.HCM; và cuối cùng là “văn hóa giao thông” hiện nay quá kém.

Từ thực tiễn nói trên, chúng tôi rất mong muốn có một cơ chế đặc thù ở HN và TP.HCM, không chỉ về pháp luật mà về nhiều cái khác. Ví dụ, hạ tầng giao thông cũng phải có đặc thù thì mới làm nhanh được. Tương tự, nước nào cũng có biện pháp hạn thế phương tiện cá nhân, tăng cường phương tiện giao thông công cộng, nhưng muốn có cái đó thì phải có cơ chế chính sách rất nhanh. Nếu hiện nay không có cơ chế hạn chế phương tiện giao thông, HN mỗi tháng đăng ký khoảng 20 ngàn xe máy, vài ngàn ô tô thì không ai có thể tổ chức giao thông được trên cái nền hạ tầng này.

Chúng tôi hiểu ý thức người tham gia giao thông xuất phát từ pháp luật. Người ta sợ xử phạt, thì đó là ý thức. Nếu cứ xử nhẹ thì người ta nhờn. Chế tài ở các đô thị lớn và các thành phố lớn dứt khoát phải có cơ chế đặc thù. Có chế tài mạnh rồi thì việc thực thi pháp luật phải nghiêm. Việc báo phản ánh một số CSGT hiện nay chỉ bắt các lỗi lớn, thường bỏ qua các lỗi nhỏ như đè vạch, dừng xe trong làn đường cho xe rẽ phải, trong khi đây lại là nguyên nhân gây ùn ứ tại các ngã tư, cái đó tôi cho là lỗi của anh em CSGT. Trách nhiệm của CSGT cũng như của những người tham gia xử lý vi phạm giao thông là tất cả các hành vi vi phạm đều phải xử phạt.

Káp Thành Long (lược ghi)

Ông Lê Minh Hồng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH: Không nên giữ an toàn giao thông kiểu "chiến dịch"

Vấn đề trật tự, an toàn giao thông (ATGT), văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông phụ thuộc nhiều vào thái độ, ý thức của người dân. Có nhiều chuyện là do thói quen, cũng cần phải giáo dục, nâng cao ý thức. Nhưng việc tăng cường trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc bảo đảm pháp luật về ATGT được thực thi rất quan trọng. Cơ quan chức năng phải làm thường xuyên, liên tục, quyết liệt - đó cũng là một biện pháp giáo dục. Với ATGT, tôi cho rằng không nên làm theo kiểu “chiến dịch”. Cần phải làm tháng nào cũng là tháng ATGT. Nếu làm theo kiểu “chiến dịch” rất dễ khiến người ta nảy sinh tâm lý, khi nào “chiến dịch” thì chấp hành, hết “chiến dịch” thì không cần phải chấp hành.

Có người nói chế tài còn nhẹ, đúng là cũng cần phải xem xét lại xem nó đã đủ mức răn đe chưa? Đây là vấn đề cần phải có kiến nghị từ thực tế của các cơ quan chức năng, Chính phủ và QH chắc chắn sẽ ủng hộ.

An Nguyên (lược ghi)

Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Phó trưởng đoàn đại biểu QH Tây Ninh:  Nâng cao trách nhiệm của những người thi hành pháp luật    

Loạt bài Bi hài “văn hóa giao thông” trên báo Thanh Niên rất đúng. Nó đã phản ánh được một phần những lộn xộn, nhức nhối trong việc thực thi luật giao thông, ứng xử của những người tham gia giao thông. Tham gia vào cái mớ giao thông hỗn loạn ấy, có không ít công chức nhà nước đi xe biển xanh.

Vấn đề bây giờ là chúng ta phải xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật, nó phải thấm sâu, trở thành ý thức của mỗi người dân. Theo tôi là cần phải thay đổi chương trình giáo dục công dân trong các nhà trường, giáo dục pháp luật đầy đủ, sinh động để hấp dẫn học sinh. Đồng thời, thái độ tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật, hành xử văn minh của cha mẹ, người lớn là vô cùng quan trọng đối với việc giáo dục ý thức, thái độ đối với trẻ em. Nhưng quan trọng, góp phần vào việc ý thức người tham gia giao thông chưa tốt, theo tôi là có lỗi của những người được giao thi hành pháp luật, từ chính quyền các cấp đến các lực lượng công an... Luật Giao thông đường bộ sửa nhiều lần, các văn bản hướng dẫn không thiếu nhưng đâu đó có chuyện thi hành không tốt, các lực lượng chức năng làm chưa hết trách nhiệm.

Theo quan điểm của tôi, bây giờ bên cạnh tăng cường giáo dục nâng cao ý thức thì vấn đề là phải đặt nặng chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm. Phải xử lý thật nghiêm, thậm chí thật nặng mới giải quyết việc không chấp hành pháp luật về giao thông khá phổ biến.

Bạn đọc hiến kế

Những biện pháp đơn giản để hạn chế kẹt xe

Biện pháp 1: Tại những ngã tư được phép rẽ phải khi đèn đỏ, nên kẻ vạch sơn trắng 60 cm từ lề ra, chiều dài 10m ghi “ưu tiên rẽ phải” để những người điều khiển phương tiện lưu thông không dừng lại khi đèn đỏ trong khoảng cách đó, những xe được rẽ phải thuận tiện hơn, không gây ùn tắc nhiều tại các ngã tư.

Biện pháp 2: Tại các ngã tư, những xe muốn rẽ trái phải chạy ra đến giữa ngã tư mới được rẽ, nếu rẽ tắt (rẽ non) như hiện nay rất dễ gây kẹt xe, không đảm bảo an toàn và trái luật giao thông. Vì thế nên vẽ mũi tên hướng dẫn ra giữa ngã tư mới được rẽ trái, người tham gia giao thông sẽ đi theo hướng mũi tên.

Biện pháp 3: Tại các ngã tư thường xuyên ùn tắc giao thông nên để số điện thoại của cơ quan chức năng để khi xảy ra kẹt xe, người dân có thể gọi. Theo thói quen đi đường, không ai chịu nhường ai nhưng nếu có người điều tiết giao thông thì việc giải tỏa kẹt xe sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Biện pháp 4: Khi sang đường, người điều khiển phương tiện giao thông nên băng xéo, không nên băng ngang. Vì đường chúng ta hẹp, băng ngang rất nguy hiểm và cản trở xe từ hai chiều chạy tới.

Ngoài ra, nên ưu tiên triển khai sớm những dự án như di dời ga Hòa Hưng ra Bình Triệu vì tàu chạy trong thành phố cũng dễ gây ra ùn tắc giao thông. Và quy hoạch xây dựng các trường đại học, cao đẳng ở các quận vùng ven sẽ giúp được khu vực này phát triển nhanh hơn cũng giảm đáng kể lượng xe lưu thông trong nội thành.

Đặng Hoàng Nguyên (TP.HCM)

An Nguyên (lược ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.