Bi hài văn hóa pháp đình - Bài 3: Những chuyện như đùa

13/10/2010 01:52 GMT+7

Phong cách, tác phong, ăn mặc của nhiều người khi đến dự phiên tòa không nghiêm túc, cộng với cơ sở vật chất không được chú trọng đã làm văn hóa nơi pháp đình dần xuống cấp.

Nói đến văn hóa pháp đình, ngoài thái độ, cách ứng xử, lời ăn tiếng nói của các bên còn phải nhắc đến chuyện tác phong, cách ăn mặc... của những người đến dự phiên tòa.

Lộn xộn ở chốn công đường

Ngày 30.7.2010, TAND TP.HCM đưa ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hồng Vân (22 tuổi, ngụ Trà Vinh) 8 năm tù về tội “giết người”. Do xích mích với cha dượng, bị tát, Vân chụp con dao trên sạp rau quả đâm, khiến nạn nhân tử vong. Sau khi vụ án xảy ra, bị cáo được tại ngoại do phải nuôi con nhỏ. Trong phiên xử hôm đó, Vân xuất hiện trước vành móng ngựa trong bộ đồ bộ màu xanh lá mạ làm xốn mắt nhiều người. Chưa hết, khi HĐXX vào trong nghị án, Vân bế đứa con nhỏ (được người nhà lén đưa vào, vì theo quy định trẻ em không được vào phòng xét xử) cho bú ngon lành ngay tại chiếc ghế dành cho bị cáo.

Trước đó không lâu, trong phiên tòa xét xử vụ Nguyễn Tuấn Khanh cùng đồng bọn buôn bán trái phép chất ma túy ở TAND TP.HCM có một người dự khán, mặc đồ xanh của lực lượng dân quân tự vệ nhưng thấy lấp ló cánh tay xăm rồng phượng xanh lòe loẹt, gác chân lên ghế ngủ vô tư. Mới đây, trong phiên xử bị cáo Mai Tấn Phát (bị tuyên án chung thân về tội “giết người”) một số người dự khán còn nằm ngủ ngon lành, chỉ đến khi có tiếng chuông báo hiệu đến giờ tuyên án họ mới giật mình tỉnh giấc.

Từ những năm 1990, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Bộ Nội vụ đã có thông tư liên tịch hướng dẫn việc bảo vệ phiên tòa và xử lý những người vi phạm trật tự phiên tòa. Theo đó, từ khi khai mạc phiên tòa cho đến khi kết thúc phiên tòa, chủ tọa phiên tòa là người có quyền xử lý đối với những trường hợp gây rối, mất trật tự ở trong phiên tòa. Tùy theo từng trường hợp chủ tọa phiên tòa có thể cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án hoặc ra lệnh bắt giữ người có hành vi gây rối trật tự. Tuy nhiên, về chế tài thông tư này quy định mức phạt từ 1.000 đồng đến 20.000 đồng. Mức phạt này chưa đủ mạnh để răn đe đối với người gây rối làm mất trật tự tại phiên tòa, do đó nhiều thẩm phán hầu như chưa từng áp dụng mức xử phạt này.

Nếu đã từng đến tòa tham dự một phiên xử, nhiều người hẳn chứng kiến quang cảnh ở tòa cũng nhộn nhạo không kém việc đi xem một gánh hát diễn. Vì nhiều người dự khán vô công rỗi nghề đến tòa để góp thêm phần vui vẻ và thỏa tính nhiều chuyện nên phòng xử lắm khi rất nhộn nhạo, kẻ đứng người ngồi; quần áo cũng trăm hoa đua nở. Có người mặc cả áo hai dây đến tòa hay “chơi” cả quần lửng; đùm theo cả đồ ăn, nước uống đến tòa và vô tư vào phiên xử để nói chuyện.

Đó là chưa kể, khi phiên tòa đang gay cấn thì bên dưới thỉnh thoảng lại tít... tít, hoặc “À, a, á,... Yêu em không? Ồ ố ô...”, hoặc vang lên bản tình ca hay câu hò vọng cổ “ghe chiếu Cà Mau...” từ điện thoại của một người dự khán nào đó hoặc thậm chí cả từ dãy bàn cao nhất trong phòng xử án.

Một luật sư lão làng trong nghề từng tâm sự rằng ngày nay, không hiểu sao văn hóa pháp đình lại lộn xộn đến thế. Người ta có thể mặc bất cứ thứ gì, mang bất cứ thứ gì đến tòa kể cả đồ bộ, dép lê, chân đất, chứ không chỉ là ứng xử thiếu tôn trọng lẫn nhau. Theo vị luật sư này, dường như không ai chú ý đến những cảnh lộn xộn ở tòa, ngay cả trong thông báo mời đến tham dự phiên tòa cũng không thấy yêu cầu đương sự phải ăn mặc trang phục chỉnh tề. "Văn hóa đôi khi chỉ bắt nguồn từ những điều nhỏ nhất", vị này nói.

Bị cáo khai gì?

Ông Nguyễn Hồng Sơn (Viện KSND TP.HCM) cho biết, ông từng đi kiểm tra nhiều tòa án và thấy rằng hầu như hệ thống âm thanh của tòa đều không tốt. Có phiên tòa bị cáo cúi sát vào micro trả lời câu hỏi nhưng chủ tọa không nghe, ngược lại bị cáo cũng không nghe tòa nói. Dẫn đến ông nói gà, bà nói vịt. Có phiên tòa, chính ông thẩm phán phải chạy đi chỉnh máy 4, 5 lần, làm cho phiên tòa liên tục bị gián đoạn và mất đi tính nghiêm túc.

“Thật không thể nào tưởng tượng nổi một phiên tòa mà thẩm phán liên tục: “Hả, bị cáo nói gì, nói lớn lên, tôi không nghe” hay có thẩm phán gắt: “Nói gì mà cứ lí nhí mãi trong họng thế”, hoặc nhắc mãi bị cáo nói to lên không được, có vị chủ tọa tức giận đập bàn quát tháo”, một luật sư của đoàn luật sư TP.HCM chia sẻ.

Cũng liên quan đến việc này, mới đây tại phiên xử vụ án tham nhũng đất đai xảy ra tại H.Hóc Môn của TAND TP.HCM, người dự khán chứng kiến cảnh hơn chục luật sư được sắp xếp ngồi trong phiên tòa nhưng phần lớn bỏ ra ngoài ngồi chung với những người dự khán xem xét xử qua màn hình. Có lẽ, ngồi nghe xử qua màn hình, chất lượng âm thanh tốt hơn so với ở trong phiên tòa nên thỉnh thoảng lại thấy luật sư đi ra, đi vào để tòa biết là đang có mặt. Đến phần xét hỏi, không ít các luật sư hỏi lại những câu hỏi của tòa bằng câu mở đầu quen thuộc: “Trong phần xét hỏi HĐXX đã hỏi bị cáo, nhưng tôi muốn bị cáo khai lại...” hoặc “bị cáo xác định lại...” vì trước đó không nghe được bị cáo khai gì”.

Phiên tòa lớn đã thế, những phiên tòa nhỏ khác tại TAND TP.HCM không thể khá hơn. Dãy phòng xử nhỏ ở phía sau được cánh phóng viên gọi là “dãy nhà tiền chế” vì được cất tạm phục vụ cho công tác xét xử. Dãy nhà này rất gần đường, cứ mỗi lần đèn xanh ở ngã tư gần đó bật sáng là ầm ầm tiếng động cơ hỗn tạp của các loại xe dồn đến và không thể nghe bị cáo khai gì. Hay gặp bữa mưa rơi thì chỉ nghe toàn âm thanh “độp, độp” trên nóc nhà.

Ở những phòng xử lớn có hệ thống âm thanh nhưng cũng rất khó nghe, dẫn đến tình cảnh trớ trêu, có luật sư bỏ vị trí bố trí sẵn, khiêng ghế, hồ sơ lên cả bục phát biểu ngồi để nhìn chằm chằm vào miệng “đoán” xem bị cáo khai gì và cũng có phiên tòa luật sư xin giảm nhẹ cho bị cáo trong khi bị cáo một mực kêu oan!

Nhóm PV CT – XH

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.