Bi hài vùng rốn lũ

11/11/2010 00:38 GMT+7

Nói tới lũ lụt, người ta hay nghĩ đến miền Trung, miền Tây Nam Bộ; ít ai hình dung ra rằng lũ Sài Gòn cũng “dữ dằn” không kém.

Trong những ngày mưa to cộng với triều cường lịch sử, PV Thanh Niên đã cùng sống và thấu hiểu phần nào nỗi khốn khổ của người dân Sài Gòn. Ở những khu vực như Q.Bình Thạnh, Thủ Đức, Q.6, Q.7, Q.8…, nước trên trời đổ xuống, dưới sông dâng lên không chỉ gây ngập đường, mà còn tấn công nhà dân, khiến người dân thường xuyên phải sống chung với lũ.

“Giải cứu” đám tang

Khoảng 17 giờ 30 chủ nhật 7.11, mưa liên tục trút xuống, nước lấp ló miệng cống, rồi chỉ vài phút sau, tràn ra nhiều con hẻm trên đường Phạm Thế Hiển (Q.8). Mọi người trong gia đình anh Nguyễn Quốc Trung (2737/4 đường Phạm Thế Hiển, P.7, Q.8) đang lo lắng vì sợ nước dâng cao ảnh hưởng đến đám tang trong gia đình. “Nỗi buồn người thân mất chưa dứt, cả gia đình đều lo lắng bởi ngập nước sẽ khiến bạn bè, người thân khó đến chia buồn với gia đình”, anh Hùng bộc bạch. Nỗi lo của anh Hùng và người thân đã trở thành sự thật.

 
 Ngập nước do triều cường đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh - Ảnh: Bạch Dương

Để vào được đám tang nhà anh Trung, chúng tôi phải chạy qua một đoạn “cầu cạn” cao gần cả mét vừa được người dân góp tiền xây dựng, nhằm ngăn nước từ ngoài đường tràn vào hẻm. Thế nhưng, “cầu cạn” chỉ tác dụng phần nào, nước bắt đầu lấp xấp bánh xe khi chúng tôi đến nơi. Một màu nước đen sì với mùi hôi thối xâm chiếm bầu không khí u uất của đám tang. Tiếp chúng tôi, anh Trung cho biết hôm trước, nhiều người đến viếng đám tang thấy nước ngập lút con hẻm, ngán ngẩm lắc đầu. Hai bên kẻ đứng trong, người đứng ngoài, biển nước ngăn cản, chỉ biết vẫy tay và nói chuyện qua điện thoại. “Nước ngập cao, xe máy không chạy được và nhiều người mang giày, bó tay đứng ngoài đường chịu trận”, anh Trung than. Anh nói tiếp: “Nhà tui nâng lên gần 1m mà hôm qua nước muốn tràn vào, bữa nay chưa biết sao đây. Hôm qua, mưa cộng với triều cường làm nước dâng nhanh, sợ quá, hoa quả, đồ đạc cũng phải bưng chạy tránh nước, kể cả quan tài cũng phải kê lên cao...”.

Để “giải cứu” đám tang, ông Phan Túc (bảo vệ tổ dân phố P.7, Q.8), cho biết người dân trong xóm đã góp tiền mua máy bơm “hỏa tiễn” và ống nước để bơm ra ngoài mỗi khi nước lên cao. “Khu vực này nằm trong bán đảo Bình An, nhưng mấy năm nay không còn bình an nữa, vì nước hoành hành, tàn phá cả đường và nhà rồi”, ông Túc chua chát nói.

“Khóc” trong ngày cưới

Sau hai ngày đám cưới, anh Nguyễn Minh Nhựt, ngụ ở Q.10 kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cười… ra nước mắt trong ngày vui nhất đời mình. Số là bố mẹ anh từ Kiên Giang tất tả lên Sài Gòn sớm để kịp dự lễ cưới của con trai vào chiều chủ nhật. Vậy mà sắp tới giờ vào lễ chính, khách khứa vẫn còn loe hoe, thân phụ thì chưa có mặt như đã hẹn. Điện thoại cho hai thằng bạn ra bến xe đón cha mẹ, anh Nhựt càng hoảng khi nghe giọng hớt hải của người bạn: “Nước ngập mênh mông mày ơi, xe chết máy không đi được!”. Chưa hết, cô dâu chú rể còn liên tục nhận được nhiều cú điện thoại của người thân, bạn bè gọi xin tới trễ hoặc kiếu không thể tới được, đành hẹn gửi quà sau, “vì nước ở hẻm tui ngập cao quá, không dẫn xe ra được, vả lại phải ở nhà chống lũ!”.

Dân ở đây đã kêu cứu từ nhiều năm nay mà chẳng thấy ai ngó ngàng gì tới
Trần Thị Hai - ngụ P.16, Q.8, TP.HCM

Đợi mãi đến gần 20 giờ, khách có mặt đói lả, vợ chồng anh quyết định vào lễ, dù chỉ có mặt thân phụ cô dâu, còn thân phụ chú rể “xin phép đến trễ vì nước ngập!”. Đến gần 21 giờ, cả tiệc cưới lại nhốn nháo vì sự xuất hiện của thân phụ và 2 người bạn của anh Nhựt, trong tình trạng ướt sũng, hôi hám, vừa đói, vừa lạnh run, sau khi thoát ra khỏi vùng “rốn lũ” trên đường Kinh Dương Vương (đoạn gần Bến xe miền Tây).

Nhớ lại cảnh “chụp ếch” và lội nước đến gần thắt lưng, ông Trương Minh Giang (cha anh Nhựt) vẫn chưa hết bàng hoàng: “Trước giờ tui có nghe Sài Gòn ngập nước, nhưng nghĩ cũng không đến nỗi nào. Nay nhìn thấy cảnh tượng ngập ở thành phố mới biết có khác gì lũ ở miền Tây tụi tui đâu!”.

Vào thung lũng ngập

Khoảng 17 giờ 30 ngày 8.11, chúng tôi vào bến Phú Định (Q.8) - nơi được nhiều người gọi vui là “thung lũng” ngập của Sài Gòn. Vừa qua cầu Nhị Thiên Đường rẽ vào đường Phạm Thế Hiển (P.7, Q.8) chạy một đoạn, chúng tôi thấy nước bắt đầu tràn lên đường. Nước lên nhanh hơn chúng tôi tưởng. Một vài hộ bắt đầu túc trực bên cạnh chiếc máy bơm để bơm nước ra khỏi nhà. Những nhà cao hơn một chút cũng cử người ra đứng “canh” con nước.

 
Mẹ con chị Lâm Thị Ngọc Phương, Q.Bình Thạnh, ngồi chờ nước rút - Ảnh: Bảo Thiên

Thấy chúng tôi vừa đi chậm rãi vừa chụp ảnh, một vài người dân nhắc nhở: “Quay xe lại đi, vô là không có đường về đó!”. Lời cảnh báo của những người dân ngày càng tăng khi thấy chúng tôi hỏi thăm đường đi tiếp. Rẽ vào đường Ba Tơ, leo lên chiếc phà cũ kỹ ở Bến Đá sang bến Phú Định (P.16, Q.8), chúng tôi thấy toàn nước, rác, vỏ dừa… trôi lềnh bềnh. Con đường Bến Phú Định biến mất mà thay vào đó là con sông Kênh Đôi - Kênh Tẻ bành trướng mở rộng. Trời sập tối, đường không đèn, nếu không có hàng dừa dọc theo bờ sông thì chúng tôi không thể phân biệt được đâu là ranh giới giữa sông và đường.

Tiếp tục đi sâu vào trong, chúng tôi bắt gặp cả một vùng trắng xóa toàn nước, cô lập những người dân nơi đây với thế giới bên ngoài. Những cú điện thoại gọi nhắc nhau í ới: “về chưa?”, “tới đâu rồi?”, “nước đang lên”… Mối quan tâm của người dân ở đây là nước sẽ lên đến đâu và bao giờ rút chứ không hề nghe họ nhắc đến giá hàng hóa, giá vàng, giá đô bữa nay leo đến đâu.

Ngồi bó tay nhìn con nước đang tràn vào nhà như thác, bà Trần Thị Hai thở dài: “Dân ở đây đã kêu cứu từ nhiều năm nay mà chẳng thấy ai ngó ngàng gì tới”.

Mải lo hỏi thăm và chụp ảnh, chúng tôi đã quên lời căn dặn của người dân “phải ra khỏi khu vực này trước 18 giờ”, nên đã phải trả giá. Đến gần 20 giờ, nước đã ngập sâu lút mất yên chiếc xe gắn máy, khiến chúng tôi phải dẫn bộ gần cây số để trở lại bến phà. Đứng trên bến phà trong trạng thái vừa đói, vừa lạnh run, chúng tôi có cảm giác như vừa thoát khỏi vùng lũ dữ và âu lo cho số phận của người dân ở rốn lũ bến Phú Định.

Đường biến thành sông

Cũng vào thời điểm chiều tối 8.11, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh) trở nên náo loạn. Mưa, triều cường dâng cao làm cho tuyến đường này biến thành sông. Xe máy, người đi bộ, thậm chí có cả một số xe ô tô chen lấn lên vỉa hè hòng tránh bị “thủy kích”, khiến cả khu vực nhốn nháo, chen chúc như một cuộc chạy loạn. Dưới lòng đường, nước ngập hết bánh xe máy. Đoàn người hì hục đẩy xe. Một số xe máy “ngon” thì gầm rú, kêu lên ùng ục. Tiếng trẻ con sợ hãi khóc thét, tiếng những bà chủ quán hét lên vì bị người đi bộ xâm chiếm “địa bàn”, tiếng quát nạt nhau làm cho những con người quần trong lũ càng trở nên cáu bẳn.

18 giờ ngày 8.11, cả khu vực Bình Quới - Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) đã ngập sâu trong nước. Cơn lũ tràn vào nhà quá nhanh, nhiều gia đình đã không chuẩn bị kịp. Tại nhà chị Lâm Thị Ngọc Phương, bếp, nhà vệ sinh đã bị ngập sâu nên chị không thể nào nấu ăn. Chiếc giường ngủ duy nhất của vợ chồng và 1 đứa con cũng bị ngập nước, chăn gối, mùng mền ướt sũng. Hai mẹ con chị ngồi trên cái bàn nhỏ chờ chồng “lội nước” đi mua thức ăn.

Lo sợ điện giật, chết đuối

Không chỉ chịu cảnh nước tấn công vào nhà làm hư hao tài sản, xe cộ tắt máy hàng loạt, quần áo ướt sũng hôi hám khi đến sở làm, không ít người, như bà Nguyễn Thị Điệp, ở bến Phú Định (Q.8) thoát chết trong gang tấc khi bị điện giật… do đồ điện trong nhà bị ngập nước.

Chị Nguyễn Thị Dung, ngụ P.16, Q.8, vừa bế con lội nước bì bõm vừa hướng dẫn chúng tôi xem cảnh “tư gia” của mình nay đã biến thành ao! Sáng sớm, từ giường ngủ bước xuống, chân đã đụng nước. Chị Dung cho biết, mấy ngày nay, cảnh sinh hoạt trong xóm trở nên rất khó khăn, không khác gì “mùa nước nổi” ở miền Tây. Chị lo lắng nhất là đứa con nhỏ 7 tháng tuổi, “chỉ sợ nó sơ sẩy lọt xuống nước thì tui chết mất!”.

Nhóm PV CT-XH 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.