Bị liệt hai chân do nhờ thầy lang trị bệnh bằng... cắt lể

14/04/2020 16:41 GMT+7

Bệnh nhân bị đau lưng và điều trị tại cơ sở y tế địa phương. Sau đó, nghe hướng dẫn của hàng xóm, ông đã đến thầy lang gần nhà cắt lể vùng đau bằng dao lam, dẫn đến liệt hai chân.

Hôm nay (14.4), thạc sĩ - bác sĩ Lê Viết Thắng (Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD)) cho biết: Bệnh nhân L.V.Đ (45 tuổi, ngụ Kiên Giang) bị đau lưng và điều trị tại cơ sở y tế địa phương. Sau đó, nghe hướng dẫn của hàng xóm, ông đã đến thầy lang gần nhà cắt lể vùng đau bằng dao lam nhưng tình trạng đau không giảm, mà còn trở nên nặng nề hơn.
Sau khi bệnh khởi phát 5 ngày, người nhà đã đưa bác bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại BV ĐHYD.
Qua thăm khám, bác sĩ nhận định ông Đ. có triệu chứng nhiễm trùng, sốt, lạnh run, khô môi, lưỡi đơ, kèm theo hội chứng chèn ép tủy như: đau lưng lan hai chân, tê, liệt và mất phản xạ hai chân, bí tiểu.
Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng ghi nhận áp xe (nhiễm trùng) ngoài màng cứng trong ống sống ngực - thắt lưng - cùng về phía sau, gây hẹp lan tỏa ống sống, chèn ép tủy sống, tổn thương viêm, áp xe rải rác cơ thắt lưng chậu, cơ cạnh sống hai bên.
Sau đó, bệnh nhân được bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh chỉ định phẫu thuật cấp cứu giải ép tủy sống.
Bệnh nhân cũng được lấy dịch mủ cột sống để xét nghiệm và phát hiện có vi trùng tụ cầu vàng, là loại vi trùng thường gây nhiễm trùng ngoài da.
Theo bác sĩ Thắng, bệnh nhân Đ. đã diễn tiến nhiễm trùng nặng trước khi nhập viện.
Sau hơn 10 ngày điều trị tại BV ĐHYD, tình trạng của bệnh nhân đã được cải thiện.
Do hoàn cảnh gia đình neo đơn, bệnh nhân được chuyển về bệnh viện địa phương tiếp tục điều trị theo phác đồ của BV ĐHYD từ 6 - 8 tuần, kết hợp tập vật lý trị liệu hai chân, cơ vòng hậu môn trong khoảng từ 6 - 12 tháng và chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Bác sĩ Thắng cảnh báo: Hiện tại, chưa có chứng minh rõ ràng về tính hiệu quả của phương pháp cắt lể. Ngược lại, đã có nhiều trường hợp biến chứng nguy hiểm như chảy máu nhiều, nhất là khi rạch phạm vào các mạch máu nông hoặc các tĩnh mạch nông bị giãn, chảy máu không cầm trên các người bệnh có tiền sử bệnh máu khó đông hay đang dùng thuốc loãng máu.
Phương pháp cắt lể hoặc đắp lá thuốc để điều trị bệnh là việc làm hết sức nguy hiểm, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm (như viêm gan, HIV,…), chảy máu không cầm. Nghiêm trọng hơn, có thể gây ra nhiễm trùng, hoại tử chi, xuất huyết não, áp xe cột sống, liệt chân, thậm chí tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.