Bí mật của cặp tác phẩm gốm Việt nhận kỷ lục Guinness

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
01/07/2022 09:04 GMT+7

Nghệ nhân Nguyễn Hùng vẫn nhớ cảm giác hồi hộp khi ông hé hé cửa lò soi đèn pin vào bên trong ngắm tác phẩm gốm vừa nhận Guinness trước khi nó nguội hẳn và kéo được ra ngoài…

Hai kỷ lục Guinness cho gốm Việt

Đứng trên bục nhận kỷ lục Guinness cho hai tác phẩm gốm, nghệ nhân Nguyễn Hùng (làng Bát Tràng) vẫn nhớ thời khắc ông hé hé cửa lò, soi đèn pin vào bên trong ngắm tác phẩm Thiềm thừ Thiên phong ấn trước khi nó nguội hẳn để có thể kéo được ra ngoài…

Tác phẩm Thiềm thừ Thiên phong ấn

ảnh nvcc

“Lúc đó quá hồi hộp. Tôi cứ nằm xuống lại nghĩ đến việc dỡ lò, nghĩ đến mức không thể ngủ được. Nên buổi đêm tôi xuống, hé hé cái lò rồi soi đèn pin xem như thế nào. Thấy cụ cóc vẫn đứng nguyên tôi đã vỡ òa cảm xúc từ lúc đó rồi nhưng vẫn chưa tin. Vì nhìn ngoài thế thôi chứ chưa kéo ra hẳn thì vẫn chưa biết thế nào, cụ có bị xé hay nứt gì không, hay có chỗ nào lỗi không”, nghệ nhân Nguyễn Hùng nhớ lại.

Ngày 30.6, Thiềm thừ Thiên phong ấn vừa nhận danh hiệu kỷ lục thế giới Guinness “Tác phẩm điêu khắc linh vật thần thoại bằng gốm lớn nhất”. Tác phẩm nặng 1.500 kg, dài hơn 1,7 m, rộng 1,1 m và chiều cao 0,778 m, mô tả cụ cóc thần thoại ngồi trên đống tiền xu và vàng thỏi, có biểu tượng âm dương trên đỉnh đầu bằng sứ. Cụ cóc ngậm một đồng xu trên miệng và chòm sao Bắc Đẩu trên lưng. Ông Hùng đã mất 6,5 tháng để chế tác tác phẩm này.

Tác phẩm Phú quý mãn đường

ảnh nvcc

Bên cạnh Thiềm thừ Thiên phong ấn, tác phẩm Phú quý mãn đường của ông Hùng cũng nhận kỷ lục thế giới Guiness cho Tác phẩm đĩa gốm chạm khắc lớn nhất. Chiếc đĩa nặng 400 kg, đường kính 1,37 m. Đĩa có đắp nổi và chạm khắc cây tuyết tùng, đôi chim công, núi và mặt trời để nói về sự giàu có, vĩnh cửu, quyền quý, hạnh phúc đời đời. Nghệ nhân Nguyễn Hùng chế tác thành công đĩa vào năm 2018, và mất khoảng 2.500 giờ lao động.

Không chỉ mất rất nhiều thời gian, hai tác phẩm này còn đánh dấu sự hoàn thiện trong kỹ thuật gốm của nghệ nhân Nguyễn Hùng. Tác phẩm sử dụng loại men hoàng thổ liên hoa mà ông Hùng đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công. Để có loại men này, ông sử dụng tro của thân cây sen (liên hoa) trộn với đất trầm tích (hoàng thổ) sông Hồng, bột nghiền một số khoáng thạch tự nhiên. Loại men này giúp ông cho ra dải màu rộng hơn từ sắc nâu đến nâu đỏ, đa dạng hơn so với màu trắng ngà đơn thuần của men tro truyền thống.

Kích thước siêu lớn của hai tác phẩm cũng đòi hỏi kỹ thuật chế tác điêu luyện. Nói cách khác, quá trình sáng tác không được có sai lầm. “Tác phẩm càng lớn thì độ khó càng cao. Nhiều khi chỉ một sai sót nhỏ mà hỏng hết các phần việc còn lại”, nghệ nhân Nguyễn Hùng chia sẻ.

Không thể tính bằng tiền

Ông Hùng chia sẻ về việc tìm bài men mới hoàng thổ liên hoa là do ông quá mê sen và cũng thấy dòng men cũ chưa thỏa lòng về màu sắc. Theo ông Hùng, dòng men cũ truyền thống đơn giản về màu sắc nên không tạo ra những biến tấu mới, trong khi ông lại muốn làm tác phẩm như vẽ tranh.

Thêm vào đó, ông lại mê sen, từng làm nhiều tác phẩm gắn với sen. “Tôi không muốn chỉ có cảnh sen đến cuối thu nó ủ rũ rồi nó mất hẳn. Tôi muốn lưu lại nó thành các cách khác và được hồi sinh hoặc là biến từ dạng này sang dạng khác để vẫn bảo tồn được vẻ đẹp của sen”, ông Hùng nói.

Nghệ nhân Nguyễn Hùng luôn muốn nâng độ khó cho các tác phẩm

nvcc

Khi hoàng thổ liên hoa ra đời, việc nung ở nhiệt độ rất cao chỉ dùng khi nung sứ đã dẫn đến hiệu ứng lớp men tan chảy hoà quyện với cốt gốm ở bên trong, sản phẩm sau khi nung rất chắc chắn và cứng như thép, gõ vào kêu như chuông. Do vậy tác phẩm hoàn thiện hội tụ được cả phần thanh và sắc so với nguyên bản “men tro” cổ truyền.

Tác phẩm cụ cóc ông Hùng thực hiện tạo hình luôn trong lò. Cách làm đó có hạn chế về việc nhìn nhận về khối và khó hơn khi ở ngoài lò. Tuy nhiên, nếu làm ở ngoài thì không làm sao đưa tác phẩm vào lò được. “Nó vẫn phải là đất, không thể dùng máy nâng máy xúc được, sẽ tan tành hết. Chỉ một chi tiết nhỏ bị sai lầm coi như tất cả bỏ đi hết”, ông Hùng nhớ lại.

Tạo hình tác phẩm trước khi đưa vào lò nung

ảnh nvcc

Với hai tác phẩm vừa nhận kỷ lục Guinness, việc tạo hình và nung cũng đòi hỏi tay nghề cao. Những tác phẩm nhỏ để qua nhiệt không biến dạng hình không, không loang màu men đã khó, sản phẩm siêu lớn còn đòi hỏi khó hơn nhiều. Bản thân ông Hùng khi làm hai tác phẩm cũng nhiều lần thất bại. “Quá trình làm phải thử nghiệm, phải có sai só, sai số nó nhiều khi trả giá quá lớn. Tôi cũng không làm một phát ăn ngay mà hỏng đến 5 lần”, ông Hùng nói.

Nhưng cũng theo ông Hùng, điều đó khiến Guinness với ông đáng giá hơn. “Làm một lần mà được luôn thì nhận cái kỷ lục Guiness tôi cũng không thấy rung động. Cái cảm giác nó vỡ òa ra lúc sản phẩm thành công. Thực sự là tôi không khóc được. Cái sự kiên trì rồi cần mẫn rồi cả tiền tài để cho vào đấy đã lấy hết nước mắt đi rồi, làm sao mà còn khóc được, chỉ có lặng người đi thôi”, ông Hùng nói.

Trích đoạn có hình công của tác phẩm vừa nhận Guinness

ảnh nvcc

Tâm sức là thế, nên ông Hùng không nghĩ đến chuyện bán tác phẩm được Guinness này. “Nếu như về tiền tôi chưa chắc dám làm hai tác phẩm đó. Nhưng tôi muốn có một cái khẳng định đầu tiên gốm Việt Nam định vị trên bản đồ thế giới. Thứ hai, tôi muốn sự lan tỏa giống như kích cầu, để anh em thợ giỏi làm tác phẩm, để thế giới biết đến gốm Việt Nam. Chứ cũng không phải tiền, dù tác phẩm thành công thì tiền rất nhiều”, ông Hùng vui vẻ nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.