Bí mật của loài rắn

20/08/2016 21:02 GMT+7

Theo trang tin Science Daily, kết quả nghiên cứu của Viện Gulbenkian de Ciencia (IGC) ở Lisbon (Bồ Đào Nha) tiết lộ sở dĩ loài rắn được trời phú cho hình thù thon dài và trơn trượt là nhờ vào một gien duy nhất.

Đó là Oct4, gien quy định tế bào gốc và tác động đến động vật có xương sống. Ở rắn, một diễn biến bất thường trong quá trình tiến hóa của loài bò sát đã tạo ra kết quả bất ngờ là gien Oct4 vẫn tiếp tục trong trạng thái được kích hoạt lâu hơn bình thường trong thời kỳ đầu của phát triển phôi.
Tiến sĩ Rita Aires của Viện IGC giải thích sự hình thành những bộ phận khác nhau của cơ thể diễn ra chẳng khác nào cuộc chạy đua vũ trang hạng nặng giữa các gien. Gien liên quan đến sự hình thành thân sinh vật cần phải bắt đầu giảm hoạt động để các gien liên quan đến sự hình thành đuôi có thể khởi động công việc.
“Trong trường hợp của rắn, chúng tôi quan sát thấy gien Oct4 vẫn tiếp tục hoạt động lâu hơn trong quá trình phát triển phôi, giúp giải thích tại sao rắn lại có thân dài mà đuôi lại ngắn như vậy”, theo tiến sĩ Aires.
Các nhà nghiên cứu cho biết một thay đổi trong quá trình tiến hóa đã đẩy gien Oct4 đến gần vùng ADN, và vùng này luôn giữ nó ở trạng thái hoạt động. Phát hiện này đã được tìm ra khi nhóm chuyên gia nghiên cứu chuột có thân dài hoặc ngắn hơn so với bình thường. Việc hiểu được vai trò của gien Oct4 có thể hé lộ những thông tin mới trong nỗ lực tái tạo tủy sống.
Tiến sĩ Moises Mallo, trưởng nhóm nghiên cứu, cho hay đã tìm được “công tắc” cho phép các cấu trúc thân sẽ vẫn tiếp tục dài ra khi gien này được kích hoạt. Giờ đây, bước kế tiếp là tiến hành cuộc nghiên cứu mới để xác định liệu giới chuyên gia có thể tận dụng gien Oct4 và vùng ADN duy trì hoạt động của nó nhằm nhân rộng các tế bào tạo tủy sống, từ đó giúp tái tạo tủy sống ở bệnh nhân chấn thương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.