Người gắn bó với cà phê lâu không xem mình chỉ là một người đang làm việc, mà còn như người nghệ sĩ không ngừng khổ luyện để đánh lên những khúc nhạc cho riêng mình. Phải qua thử thách, phải trải nghiệm, để những bí quyết ấy nâng tầm công việc đến mức nghệ thuật, và nâng tầm bản thân như những nghệ nhân. Hãy cùng hỏi chuyện những người đã gắn bó với cà phê gần nửa thế kỷ, cùng lắng nghe thật sâu khúc nhạc này.
Làm cà phê cần nhạc cảm rất sâu
Sở dĩ gọi nghệ thuật cà phê là “bản nhạc”, vì khả năng cảm âm, tưởng không liên quan, lại rất quan trọng với nghệ nhân.
Cô Ánh, nghệ nhân rang xay tại Vinacafé với hơn 30 năm kinh nghiệm chia sẻ: “Nghệ nhân rang cũng giống như một nhạc công, nắm bắt những nốt nhạc của cà phê, để tạo nên bản hòa âm đẹp nhất. 2/3 thời gian rang đầu phát ra 1 tiếng nổ chắc. Cà phê tốt thì nổ chậm, nổ sớm không tốt. Sau khoảng 40 giây nổ lần 2: nổ lớn hơn, sau khi nổ lần 2 khoảng 10 giây, cà phê đã chuyển sang màu nâu đậm bóng, nở gần như hoàn toàn, thì xả ra liền. Cà phê hòa tan còn phải sấy thêm 1 lần”.
Đến cả trong công đoạn tưởng rất ít liên quan đến âm thanh như thử vị, cô Duy Anh, nghệ nhân thử vị kể: “Hạt cà phê rất phức tạp. Thử vị một ly cà phê là phải thẩm được những “nốt hương” của nó. Nốt cao, nốt trầm, nốt the thé, nốt lắng sâu, phải hòa với nhau một cách mượt mà nhất mới cho được hương vị thơm ngon nguyên bản như chính cuộc sống”. Quả thật, bản nhạc của cà phê là phản chiếu cả cuộc đời người vào đó.
Đỏng đảnh lắm, hạt cà phê!
Cái khó của người làm cà phê giống như của người cha nuôi con gái mọn. Phải nuôi bằng sự tinh tế, cẩn trọng, trong lành. Một chút không tinh ý cũng làm cho cà phê tổn thương.
Như anh Tuấn, chuyên gia chọn hạt kể: “Đỏng đảnh mà thương lắm! Ở Vinacafé, thánh địa cho ra đời những hạt cà phê hảo hạng chính là những vùng cao nguyên nước trong gió sạch. Mỗi nghệ nhân đều nằm lòng rằng, cà phê “khát” thì mùi thơm, “no” thì vị nhạt, tưới tốt thì vị đậm. Sau 9 tháng 10 ngày vun xới, lúc hạt cà phê “chín đã” (tức là vừa qua thời gian chim ăn và trước lúc chín rụng 1 đêm), nghệ nhân phải thu hái cả vạt rừng chỉ trong một đêm, để đảm bảo hương vị cho những hạt cà phê hảo hạng. Sau khi thu hoạch, chỉ những hạt tròn mẩy, vị tự nhiên, không mốc, không lên men hay có mùi bao, mùi gỗ; mùi hương kéo dài hấp dẫn thì mới được tuyển chọn.
Sống một cuộc đời cũng như quá trình tạo nên hương vị cà phê thơm ngon nguyên bản. Không thể vội vàng, không thể xao động mà trái lại, phải kiên tâm đi đến cùng đam mê thì mới không phí hoài những gì mình đã nhọc công theo đuổi. “Cho ra đời những tách cà phê thơm ngon nguyên bản không chỉ là trách nhiệm, đó còn là đam mê. Là cách để tôi tìm được sự cân bằng đích thực cho cuộc sống của mình. Cũng như thưởng thức cà phê, cuộc sống luôn cần thời gian để mọi thứ được nâng niu, trân trọng đúng mức”, cô Ánh tâm sự. Có như thế, chúng ta mới tạo ra được những giá trị nguyên bản không nửa vời. Có như thế cuộc sống mới ý nghĩa, vẹn nguyên.
Trọn vẹn một ly cuộc sống
Cuộc sống có nhiều thăng trầm, xúc cảm. Cũng giống như cà phê chất chứa hàng trăm mùi vị trong một hạt nhỏ. Thế nên, để thực sự sống cân bằng, trước muôn ngàn cung bậc, con người ta luôn cố gắng tìm về với bản chất sau cùng. Cà phê cũng như thế, trong hàng trăm mùi vị khác nhau, chỉ còn lại 5 vị cơ bản nhất - chua thanh, đắng nhẹ, hơi chát, ngọt dịu, và hậu vị êm…
“Thiếu đi một vị là sự hài hòa hương vị bị chênh vênh. Cũng như trong đời sống, phải có buồn ta mới biết giá trị những lúc vui, phải có đau khổ mới hiểu thế nào là hạnh phúc, phải có cay đắng ta mới thấu ngọn ngành của ngọt bùi ra sao, phải có trước ta mới biết sau rốt thế nào…”, ông Nguyễn Tân Kỷ, Tổng giám đốc Vinacafé Biên Hòa tâm đắc.
Kết
Làm cà phê rất khó, đòi hỏi nghệ nhân có khi phải mất cả đời để hiểu đủ sâu. Nhưng miễn đủ kiên gan mà sống đến cùng qua đắng, chua, chát, sẽ có lúc chạm đến hương vị ngọt bùi, thơm. Đó chính là chất của cà phê, cũng là chất của cuộc sống.
Nhật Phi
Bình luận (0)