Bí quyết chọn ngành khi có mâu thuẫn với phụ huynh

Hà Ánh
Hà Ánh
21/01/2019 07:32 GMT+7

Chuyên gia đến từ các trường ĐH đã 'tháo gỡ' mâu thuẫn thường gặp giữa phụ huynh và con cái trong việc chọn ngành.

Lời khuyên hữu ích này được nêu ra trong chương trình Tư vấn mùa thi 2019 do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận tổ chức sáng 20.1.
Chương trình có sự tham dự của học sinh (HS) các trường THPT trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, được phát trực tiếp trên các kênh: thanhnien.vn, qua fanpage Facebook và kênh YouTube của Báo Thanh Niên. Đặc biệt, chương trình có sử dụng flycam để tường thuật trực tuyến không khí của ngày hội.

Thuyết phục tốt nhất bằng sự trưởng thành mỗi ngày

Báo Thanh Niên trân trọng cảm ơn Trường Tiểu học - THCS - THPT Lê Quý Đôn (Phan Thiết, Bình Thuận), Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận, Tỉnh đoàn Bình Thuận và Mobifone Bình Thuận đã hỗ trợ thực hiện chương trình. Cảm ơn Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã trao 10 suất học bổng Nguyễn Thái Bình (mỗi suất  1 triệu đồng) cho các em HS. Cảm ơn Công ty du lịch Vietravel đã hỗ trợ đưa đón đoàn.
Một câu hỏi viết thư tay gửi tới chương trình có nội dung: “Em thích một ngành nhưng ba mẹ muốn em học ngành khác. Ba mẹ rất khó tính, các thầy có cách nào giúp em không?”
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, khẳng định kinh nghiệm nhiều năm cho thấy tình trạng mâu thuẫn này có thể diễn ra với khoảng 50% HS đang ngồi đây. Sở dĩ phụ huynh khó tính bởi việc chọn nghề của HS nhiều khi rất cảm tính và theo phong trào. Để thuyết phục phụ huynh, nếu thực sự có đam mê chúng ta phải tìm hiểu kỹ lưỡng, khi phụ huynh hỏi thì có thể trả lời được bất cứ câu nào. “Nếu việc ăn uống, ngủ nghỉ, học bài của bạn mà phụ huynh còn phải nhắc nhở thì phụ huynh phải lo lắng và chưa tin tưởng là đương nhiên”, ông Tư nhìn nhận.
Thông điệp được thạc sĩ Tư đưa ra: “Mỗi người chỉ thành công khi đi trên năng lực và đam mê của mình. Chọn nghề là một hành trình nên hãy cẩn trọng khi lựa chọn một ngành mình đam mê và có năng lực”.
Tương tự, một HS Trường THPT Phan Thiết hỏi: “Em học ngành kế toán nhưng ba mẹ không cho học ngành này, em phải làm sao?”. Thạc sĩ Từ Thanh Thảo, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng thuyết phục cha mẹ cũng là một kỹ năng, HS cần chứng minh được 2 điều: khả năng của bản thân và nhu cầu của xã hội với ngành nghề đó. “Không chỉ thuyết phục thông tin ngành nghề mà mỗi ngày chính các em phải nâng cao sự tự lập, mức độ trưởng thành và chín chắn để ba mẹ có sự tin tưởng”, ông Thảo nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, chọn ngành không chỉ đam mê, hợp khả năng mà còn cần tính tới khả năng tìm kiếm việc làm trong tương lai.

Học lực nào có thể xét ngành sức khỏe ?

Một HS đặt câu hỏi: “Em là HS của Trung tâm giáo dục thường xuyên muốn dự thi y khoa thì cần lưu ý gì?”. Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết ngành sức khỏe cần có nội lực tốt, điểm đầu vào tương đối cao. “Với khối ngành sức khỏe, mức điểm chuẩn sẽ khác nhau tùy theo từng trường đào tạo. Do vậy em nên tham khảo điểm chuẩn ở từng trường để có lựa chọn đăng ký phù hợp với lực học bản thân”, tiến sĩ Nam khuyên.
HS Trường Lê Lợi cho biết muốn trở thành bác sĩ, dự kiến sẽ xét tuyển vào Trường ĐH Y dược TP.HCM. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thông tin: trong nhóm ngành sức khỏe có nhiều phương án xét tuyển. Riêng ngành y khoa, các trường chủ yếu tập trung xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Năm nay dự kiến sẽ có điểm sàn cho khối ngành này, với phương thức xét tuyển học bạ cũng yêu cầu HS có học lực giỏi lớp 12. “Ngành y là một ngành vất vả, cần có trí nhớ tốt và có tâm với nghề. Do vậy nếu quan tâm tới nhóm ngành sức khỏe nhưng điều kiện chưa phù hợp thì có thể cân nhắc lựa chọn các ngành liên quan, như điều dưỡng, kỹ thuật hình ảnh, kỹ thuật xét nghiệm...”, thạc sĩ Sơn cho hay.
Theo thạc sĩ Sơn, gần đây có một xu hướng HS chuyển từ trường THPT sang hệ giáo dục thường xuyên để tập trung học lực học một số môn. Nếu tự tin về học lực của mình, HS cứ mạnh dạn lựa chọn ngành y.

Học ngành trí tuệ nhân tạo

Liên quan đến ngành học trí tuệ nhân tạo, PGS-TS Phan Đức Hùng, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, giải đáp: năm nay trường có mở ngành robot và trí tuệ nhân tạo. Đây là ngành có tính chất xuyên ngành khi kết hợp nhiều ngành nghề như cơ khí, điện - điện tử và công nghệ thông tin. Với ngành mới này, trường đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh và miễn học phí nhưng đòi hỏi ngược lại học lực thí sinh phải tốt. Ngoài ra, thí sinh có thể học các ngành cơ điện tử, tự động hóa... để có kiến thức chuyên môn sâu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Vào ĐH không phải con đường duy nhất
Phát biểu mở đầu chương trình, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận, lưu ý với HS: “Hãy nhớ rằng, ĐH không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp. Bill Gates, Chủ tịch Tập đoàn Microsoft, người giàu nhất thế giới năm 2014 với  tài sản 77,8 tỉ USD, là người chưa từng tốt nghiệp ĐH”.
Ông Thái cho rằng nhiều năm gần đây Báo Thanh Niên đã phối hợp rất tốt với Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận trong tổ chức chương trình Tư vấn mùa thi. Chương trình đã được cộng đồng xã hội đánh giá cao. Ông Thái đề nghị HS đặt câu hỏi thông minh, tránh những câu hỏi vụn vặt có thể tìm thấy trên báo chí hoặc trang thông tin điện tử các trường
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.