Trong khi hàng loạt hộ dân bỏ hoang nhiều hồ nuôi tôm vì rớt giá, dịch bệnh thì ông Trần Công Thành (52 tuổi, trú tại thôn Hòa An, xã Tam Hòa, H.Núi Thành, Quảng Nam) vẫn tự tin thả giống kín 36 hồ với tổng diện tích trên 10 ha.
Nhờ áp dụng tốt công nghệ nuôi tôm của Thái Lan, ông Thành đã thu về hàng tỉ đồng tiền lãi mỗi năm - Ảnh: Hoàng Sơn
|
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Chỉ mới 4 năm trong nghề nhưng ít khi ông Thành nếm mùi thất bại bởi ông luôn biết cách học hỏi kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong thả nuôi tôm thẻ chân trắng. Ông kể, năm 2011, thấy người dân các tỉnh nuôi tôm thành công rồi trở nên giàu có, ông đã về vùng cát Tam Hòa thuê đất, đào 8 hồ để thả tôm. Nhờ sẵn vốn, ông Thành vừa đầu tư hạ tầng một cách bài bản vừa dành thời gian nghiên cứu để hạn chế dịch bệnh cho con tôm. “Thời điểm đó, người dân xung quanh chưa thả nuôi đại trà như bây giờ nên môi trường ít bị ảnh hưởng, dịch bệnh cũng ít xảy ra. Vụ đầu thả nuôi, tôi thu lãi cũng kha khá nên mạnh dạn mở rộng ra thêm 3 cơ sở nữa”, ông Thành kể.
Những năm trở lại đây, nghề nuôi tôm trên địa bàn Quảng Nam gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh liên miên. Những hộ gia đình ít vốn sẽ không theo nổi. Ông Thành nghĩ, nếu chỉ tìm cách trị bệnh mà không phòng bệnh ngay từ đầu thì con tôm rất mất giá, thậm chí tôm chết hàng loạt sẽ rơi vào tình cảnh trắng tay. Thế rồi, năm 2013, ông quyết định chuyển hướng đầu tư theo công nghệ của Thái Lan sau khi được tham quan, học tập mô hình tại nước bạn. Ông Thành cho biết, qua tìm hiểu cách nuôi tôm trên bạt ven biển Thái Lan thì cách nuôi của họ tương đối giống với cách nuôi của người Việt. Có điều khác là họ chú tâm vào việc phòng bệnh ngay từ đầu bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật.
Kỹ thuật đầu tiên ông Thành đưa vào trang trại của mình là nuôi tôm với cách xử lý môi trường bằng công nghệ vi sinh. “Nuôi tôm cần nguồn nước không bị ô nhiễm và công nghệ này đem lại môi trường nước sạch hơn nhờ các vi sinh vật có lợi. Công nghệ vi sinh cũng giúp con tôm thẻ chân trắng có sức đề kháng cao hơn, hạn chế dịch bệnh và nâng cao chất lượng tôm xuất bán”, ông Thành cho biết, để con tôm khỏe mạnh yếu tố quan trọng nữa là phải đảm bảo lượng oxy trong hồ. Ông đã vận dụng “bài học cung cấp nhiều oxy” của người nuôi tôm Thái Lan và bắt tay lắp đặt thêm hàng loạt quạt sục khí cho các hồ. Nếu trước đây, mỗi hồ tôm chỉ lắp 2 bệ quạt sục khí thì ông Thành lắp thành 4 bệ quạt để con tôm không bao giờ bị thiếu dưỡng khí.
Học cách làm… quạt sục khí
Tại trang trại nuôi tôm của ông Thành có một loại quạt sục khí trông khá lạ mắt được ông đặt hàng gia công tại tỉnh Quảng Trị. Đó là hệ thống quạt lông nhím làm bằng ống nhựa do ông tham khảo theo cách của các hộ nuôi tôm tại Thái Lan. Với loại quạt này, hồ nuôi tôm được bổ sung một lượng oxy khá lớn so với loại quạt thông thường. Cùng với đó, ông Thành còn đầu tư một máy phát điện cỡ lớn phòng khi mất điện cho toàn trang trại. “Không những vậy, với cách thả nuôi tôm dày như hiện nay (200 - 300 con/m2) sẽ rất dễ thiếu oxy nên phải lắp đặt thêm hệ thống sục khí đáy hồ để bổ sung thêm lượng oxy cần thiết”, ông Thành phân tích thêm.
Bên cạnh việc ứng dụng nhiều công nghệ của Thái Lan cho trang trại tôm của mình, ông Thành còn chú trọng đến khâu vệ sinh hồ nuôi với 2 lần/ngày. Năm 2014, ông Thành xuất ra thị trường hàng trăm tấn tôm, thu về hàng tỉ đồng tiền lãi. Quanh năm, 36 hồ tôm của ông không bao giờ nghỉ mà luân phiên xuất bán rồi nuôi lại với khoảng thời gian cách nhau 15 ngày để dễ quản lý. Hàng ngày, ông Thành đóng vai trò là một kỹ thuật viên truyền đạt kỹ thuật cho 4 nhân viên khác “đứng điểm” tại 4 cơ sở và 20 lao động. Tôm giống cũng được ông nhập về từ một cơ sở nuôi ươm uy tín tại Bình Định.
“Nuôi tôm theo công nghệ Thái Lan tôi luôn yên tâm về đầu ra. Vì tôm sạch nên đã có một công ty bao tiêu với mức giá cao hơn so với mức giá chung trên thị trường 20.000 đồng/kg. Trước khi xuất tôm, doanh nghiệp thu mua sẽ lấy mẫu tôm đem về xét nghiệm các yếu tố kháng sinh, chất bảo quản... Nếu tôm đạt chuẩn người ta sẽ đến thu tôm về”, ông Thành phấn khởi.
Bình luận (0)