Bị thoái hóa khớp gối, phải làm sao?

01/01/2020 08:33 GMT+7

Thoái hóa khớp gối là bệnh khó tránh khỏi khi con người đã bước qua tuổi trung niên. Nếu không được điều trị kịp thời, các cơn đau do thoái hóa khớp gối có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Tuổi trung niên đã bị thoái hóa khớp gối

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thoái hóa khớp là nguyên nhân gây tàn tật cho ít nhất 10% dân số trên 60 tuổi. Trong các bệnh lý thoái hóa khớp, thoái hóa khớp gối chiếm 1/3 dân số lớn tuổi, tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng tăng.
Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD) ghi nhận, mỗi tháng tiếp nhận điều trị cho hàng trăm người bệnh thoái hóa khớp gối, đặc biệt, có những trường hợp khởi phát bệnh khi chỉ ở tuổi trung niên (khoảng từ 40 - 59 tuổi - PV).
Chị N.T.N (48 tuổi, ngụ Tiền Giang) từ hơn 2 năm nay đã bị đau âm ỉ gối trái, đau nhiều vào buổi sáng khi ngủ dậy khiến việc đi lại, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Chị đã đi khám và được điều trị tại địa phương bằng thuốc giảm đau nhưng không đỡ. Khám tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, BV ĐHYD, chị được chẩn đoán bị thoái hóa khớp gối trái.
Ông T.V.B (57 tuổi, ngụ tại Bạc Liêu) khi mới vừa qua tuổi 50 (cách đây 6 năm) cũng bị thoái hóa khớp gối 2 bên. Khởi đầu, ông bị đau 2 đầu gối, được điều trị nội khoa và tiêm khớp (không rõ loại) ở địa phương nhiều năm nhưng không giảm, càng ngày cơn đau càng dữ dội.
Các trường hợp thoái hóa khớp gối hiện nay được BV ĐHYD điều trị kết hợp thuốc giảm đau, kháng viêm và phẫu thuật nội soi khớp gối cắt lọc sụn khớp. Đặc biệt, bệnh nhân được tiêm tế bào gốc và huyết tương giàu tiểu cầu trực tiếp vào khớp gối. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tập vật lý trị liệu. Nhờ đó, người bệnh giảm đau khớp, không có các biến chứng, gần như đã khỏi hoàn toàn và có thể làm việc và sinh hoạt bình thường.

Điều trị bằng tế bào gốc

Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, BV ĐHYD: Thoái hóa khớp gối là bệnh lý rất thường gặp, có thể nói là khó tránh khỏi khi con người đã bước qua tuổi trung niên.
Bệnh biểu hiện là: có các cơn đau nhức khi vận động, đôi khi kèm theo cảm giác cứng khớp vào buổi sáng, có tiếng lạo xạo khi khớp cử động, các động tác của khớp bị hạn chế, mặt khớp xương bị biến dạng, khiến hoạt động của cơ thể gặp nhiều khó khăn.
“Nếu không được điều trị kịp thời, các cơn đau do thoái hóa khớp gối có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh”, bác sĩ Khanh nhận định.
Hiện nay, có nhiều phương pháp hiệu quả trong điều trị thoái hóa khớp gối như điều trị nội khoa bằng thuốc (Paracetamol, NSAID, Ức chế COX-2, Diacerein…), phẫu thuật nội soi (cắt lọc, tạo vi gãy xương kích thích tủy, cấy tế bào sụn tự thân), ghép sụn, cắt xương sửa trục, thay khớp và liệu pháp tế bào gốc.
Trong đó, bác sĩ Khanh cho biết, tiêm tế bào gốc từ mỡ tự thân của người bệnh được xem là phương pháp điều trị mới, ít xâm hại, giúp giảm nguy cơ thay khớp gối nhân tạo, mang lại hiệu quả điều trị tốt. “Tế bào gốc mô mỡ tự thân là một phương pháp mới có hiệu quả trong điều trị thoái hóa khớp, có thể cải thiện triệu chứng và chức năng của khớp gối thoái hóa và giảm tình trạng viêm cũng như phục hồi lại vùng sụn tổn thương”, bác sĩ Khanh giải thích.
Để phòng bệnh thoái hóa khớp gối, người dân nên: Duy trì cân nặng hợp lý và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, đúng cách khi còn trẻ để giúp xương khớp khỏe mạnh. Tránh các tư thế không phù hợp trong sinh hoạt, làm việc; hạn chế ngồi xổm, mang vác nặng, thay đổi tư thế đột ngột. Có chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung các chất cần thiết cho hệ cơ xương khớp. Mọi người nên khám sức khỏe định kỳ và đến bác sĩ chuyên khoa khám ngay khi thấy có bất thường ở khớp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.