Bí thư chi bộ luân chuyển - Bài 1: Từ cán bộ huyện ủy lên... cán bộ bản

19/05/2010 16:31 GMT+7

Là một cán bộ Đoàn lâu năm, đang là cán bộ tổ chức huyện ủy, Phan Thanh Bình được điều động về cơ sở theo diện luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý đợt đầu tiên của huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị. 7 năm cùng ăn, cùng ở, cùng làm, người bí thư chi bộ trẻ Phan Thanh Bình đã trải qua bao trăn trở lo toan để có thể nói rằng: “mình là cán bộ của người Arem!”.

Đầu năm 1992, tộc người Arem trong cơn hấp hối được bộ đội biên phòng phát hiện, cứu sống và đưa về định cư. Với nỗ lực của cộng đồng, người Arem đã có bước tiến bộ vượt bậc, nhưng trước mắt của Phan Thanh Bình là một núi khó khăn. “Không leo làm sao vượt núi!?” - Phan Thanh Bình nghĩ thế và... leo!

Ngày 12.6.2003, Phan Thanh Bình nhận được quyết định luân chuyển lên xã Tân Trạch, xã nằm biệt lập giữa vùng lõi của vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc huyện Bố Trạch (Quảng Bình).

Từ huyện lỵ Bố Trạch lên xã chỉ có thể đi được bằng một loại xe U-oát của Liên Xô cũ. Người ta giới thiệu cho nhóm phóng viên chúng tôi một người chuyên cho thuê xe đi đường rừng, giá không thêm không bớt, 4,5 triệu đồng. Nói thế để biết đoạn đường đến với đồng bào chỉ 70 km, hầu hết là đường tốt, đoạn còn lại chỉ 23 km khó khăn đến thế nào.


Bí thư Bình trên đường vào bản - Ảnh: B.X

Bình nhớ lại, khi có quyết định thì anh đang phải nằm điều trị tại Bệnh viện TƯ Huế sau một ca giải phẫu, vợ đang là nữ y tá ở Nông trường Việt Trung xin nghỉ phép vào chăm. Anh bảo sức trẻ, ốm rồi sẽ khỏe, mẹ già con dại đã có vợ lo, mình là một cán bộ Đoàn xông pha phong trào lâu năm (anh là Bí thư Đoàn thị trấn, sau vào Thường vụ Huyện đoàn rồi chuyển qua làm cán bộ tổ chức Huyện ủy Bố Trạch) khó khăn không ngại... chỉ có điều nơi đến, nói là xã, nhưng Tân Trạch chỉ có một bản duy nhất với 50 hộ, 230 nhân khẩu toàn đồng bào tộc người Arem trong diện đặc biệt khó khăn, đời sống với bao hủ tục lạc hậu đè nặng, không băn khoăn sao được.

Bình nhớ lại: “Năm 2002, tôi đã là cán bộ tình nguyện lên xã, cũng có biết chút ít về đồng bào ở đây, nhưng để làm cán bộ, bí thư chi bộ của xã biệt lập giữa bạt ngàn rừng rú, thì tôi chưa từng nghĩ đến. Vì thế khi tổ chức giao nhiệm vụ, trong lòng tôi biết bao trăn trở, lo toan. Phải bắt đầu từ đâu đây? Câu hỏi đó ám ảnh tôi mãi. Nhưng ám ảnh là để tìm lối đi. Đảng tin mình, đồng bào chờ mình, mình phải làm sao cho xứng đáng với lòng tin đó”.

Ngày nhận công tác, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch Phạm Hồng Thanh cùng ngồi xe U-oát đưa Phan Thanh Bình lên tận xã. Vợ anh chuẩn bị cho 3 cân cá khô, 2 chai nước mắm, cùng nhiều dụng cụ làm nương, phát rẫy và 1 can rượu để tặng đồng bào làm quà ra mắt... Trước mắt Bình là cả một vùng rừng núi cô tịch, ẩn chứa biết bao trắc trở.

Cách đây 18 năm, giữa năm 1992, chúng tôi theo chân đoàn cán bộ Ban Dân tộc miền núi Quảng Bình lên đây. Đêm, dưới chân núi Côtarét sừng sững, ngọn lửa bập bùng cháy, xiên thịt đã hết, ché rượu nằm nghiêng, già làng Đinh Riêng ngửa mặt lên trời mà kêu: “Sống rồi, sống rồi. Châm rău! Châm rău!” (Châm rău tiếng Arem có nghĩa là người, nhưng khi nói “châm rău!” tức là muốn khẳng định “tao là người!”).

Đầu năm đó, khi các chiến sĩ biên phòng phát hiện ra người Arem đang cư ngụ tại hung Va, hung Én, bản Nịu, Khe Rung... khi họ đang trong tình trạng hấp hối. Thật khó tin rằng, đó là những sinh - vật - người. Những đứa trẻ trần truồng vàng bủng, những cô gái ngực lép kẹp, quắt queo như cây sậy, những người già đờ đẫn chờ ngày về với Giàng... Từ các hung (hung là một bãi đất hẹp nhưng bằng phẳng dưới một mái núi đá vôi chìa ra như cái ô-văng - hay hàm ếch - cạnh dòng suối) 98 người Arem cuối cùng được đưa về km 39 đường 20 sống trong 21 ngôi nhà nhỏ mới làm. Từ đây bản có tên là “bản 39”.


Dù đời sống khá hơn nhưng đôi mắt của những đứa trẻ Arem vẫn còn ngơ ngác - Ảnh: T.Q.N

Những ngày đầu gặp Jân (người Kinh - theo cách gọi của người Arem) họ luôn miệng nói châm rău, châm rău (tôi là người, tôi là người). Hồi đó có nhiều bài báo viết rằng, Quảng Bình phát hiện ra... người rừng! Thực ra thì họ không phải và không bao giờ là người rừng. Bằng chứng là lúc đó, già làng mang ra một cái ống nứa, lôi từ trong ra một con dấu rồi lấy nhọ nồi bôi vào, đóng lên giấy công tác chúng tôi. Đó là con dấu vuông của xã Tân Trạch có từ thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa! Ông bảo, đó là lần đầu tiên ông sử dụng con dấu của trên cấp cho mình. Hóa ra họ là một đơn vị hành chính hẳn hoi nhưng bị... thất lạc! (Thời đó Quảng Bình là trọng điểm bắn phá của địch, bom đạn khốc liệt diễn ra hằng giờ).

Người Arem lúc đó chưa có ai biết một cái chữ. Một nửa trong số họ bị bệnh bướu cổ. Riêng trận dịch năm 1991 (trước khi phát hiện ra họ) đã có 20 người chết. Đau ốm, bệnh tật là vậy nhưng họ chỉ thèm rượu và thuốc lá. Từ già đến trẻ, thấy rượu là mắt sáng lên, đang sốt rên hừ hừ cũng ngồi bật dậy. Điều kỳ lạ nữa là không có cái ăn họ có thể nhịn một ngày, không có rượu uống họ có thể nhịn được một buổi, nhưng họ không thể nhịn được thuốc lá lấy một giờ. Không có thuốc họ quấn bất kỳ thứ gì có thể đốt cháy để bập phì phèo.

Con trai con gái quan hệ với nhau thoải mái nhưng phải ngoài bản. Lần đó ông Đinh Nâu đã làm mọi người hoảng hồn khi nói: “Nay người Arem còn ít quá nên con chú lấy con bác, con cô lấy con cậu, hồi trước thì không”.

Anh Đinh Bu lúc đó 33 tuổi mà vợ đã 8 lần sinh nhưng chỉ nuôi được 3 đứa. Còn anh Đinh Trâu thì bảo: “Vợ mềng năm mô cũng đẻ, nhớ không hết được!”. Năm 1994, vợ anh mất cùng đứa con mới sinh, anh nuôi 3 đứa còn lại.

Người Arem rất lạ, họ nói được tiếng của tất cả các tộc người trong vùng như Khùa, Mày, Mã Liềng, Vân Kiều, Ma Koong... nhưng người tộc khác không bao giờ biết tiếng Arem, kể cả dâu và rể của họ là người tộc khác về sống chung. Tiếng Arem cũng chỉ được dùng trong các lễ nghi tín ngưỡng và đặc biệt không dùng khi có người lạ.

Có lẽ tục giữ tiếng cho riêng tộc mình là lý do không còn ai biết về lịch sử của tộc người này. Già làng Đinh Riêng trầm tư: “Ngày trước người Arem mềng ngồi bên bếp lửa hát và kể chuyện hết đêm này qua đêm khác, nay không ai nhớ gì, quên hết rồi!”. Một tộc người không biết lịch sử của mình, đó là mối nguy lớn nhất.

Khi Phan Thanh Bình lên xã nhận nhiệm vụ, đồng bào đã có một bước tiến bộ vượt bậc. Xã có cán bộ và 4 đảng viên là ngưòi Arem, đó là Đinh Uân, Đinh Nâu, Đinh Ốc và Đinh Bu (Đinh Nâu đã mất sau đó). Nhưng trước mắt người cán bộ, đảng viên, bí thư chi bộ Phan Thanh Bình là một núi khó khăn: Xã không điện, không đường, không trường, không trạm với bao hủ tục đè nặng lên con người...

“Không leo làm sao vượt núi!?” -  Phan Thanh Bình nghĩ thế và... leo!

Nguyễn Thế Thịnh - Quang Nam - Bùi Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.