Bí thư xã là nhà nông tỉ phú

28/10/2017 08:09 GMT+7

“Nghề nông hoàn toàn có thể mang lại cuộc sống ổn định cho gia đình nếu biết chắt chiu, kết hợp hài hòa giữa cây trồng, vật nuôi và quan trọng hơn là tham gia tốt trong chuỗi giá trị liên kết”, ông Tùng đúc kết.

Bằng việc kết hợp nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt... mang lại doanh thu hơn 2 tỉ đồng mỗi năm, ông Đoàn Phương Tùng (52 tuổi), Bí thư Đảng ủy xã Lương Phú, H.Giồng Trôm, Bến Tre, đã được T.Ư Hội Nông dân VN tặng danh hiệu “Nông dân VN xuất sắc” năm 2016.
Chất thải chăn nuôi cũng hái ra tiền
Khoảng năm 2010, khi là Chủ tịch UBND xã Lương Phú, ông Tùng đã tận dụng thời gian rảnh rỗi để chăn nuôi heo, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nên heo của ông luôn được thương lái thu mua với giá cao. Cùng với nghề nuôi heo, ông còn sử dụng chất thải thông qua hệ thống hầm biogas để sản xuất khí đốt sinh học và dùng làm phân hữu cơ tưới cho 2 công bưởi da xanh của gia đình. Nguồn phân hữu cơ từ hầm biogas thải ra giúp đất tăng độ màu mỡ, năng suất cây trồng tăng theo.
Đến năm 2012, nhờ nuôi heo và trồng bưởi da xanh bán được giá, ông Tùng mạnh dạn mua thêm 7 công đất trồng bưởi da xanh và mở rộng quy mô chăn nuôi thành trang trại với diện tích 4.000 m2, nuôi hơn 400 con heo thịt. Từ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt thành công, mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 2 tỉ đồng.
Khi quy mô chăn nuôi lớn, lượng khí sinh học dư sử dụng, nếu bỏ thì phí nên ông Tùng đầu tư hệ thống dùng nguyên liệu khí chạy máy phát điện. Điện năng này được dùng trong sản xuất và sinh hoạt gia đình, mỗi tháng giúp tiết kiệm được hơn 3 triệu đồng tiền điện. “Nghề nông hoàn toàn có thể mang lại cuộc sống ổn định cho gia đình nếu biết chắt chiu, kết hợp hài hòa giữa cây trồng, vật nuôi và quan trọng hơn là tham gia tốt trong chuỗi giá trị liên kết”, ông Tùng đúc kết.
Lấy mô hình thực tế để vận động nông dân
Năm 2014, khi là Bí thư xã Lương Phú, từ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt thành công của gia đình, ông Tùng vận động và phối hợp với hơn 40 hộ dân trong xã thành lập tổ hợp tác chăn nuôi heo xã Lương Phú. “Chăn nuôi hay lĩnh vực nông nghiệp nào khác thì nông dân cũng cần phải liên kết lại để tạo sức mạnh trong đàm phán với thương lái, doanh nghiệp tiêu thụ. Hơn nữa, khi tham gia tốt trong tổ hợp tác và hợp tác xã thì rủi ro của người nông dân sẽ giảm đáng kể, luôn được nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp đồng hành”, ông Tùng chia sẻ.
Thời gian qua, ông luôn đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi heo theo hướng mới cho nhiều hộ nông dân, qua đó giúp hơn 40 hộ thoát nghèo. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ hơn 30 hộ dân gặp khó khăn về vốn được mua thức ăn với giá gốc và không tính lãi.
Không chỉ tích cực vận động, hỗ trợ nông dân liên kết lại trong các mô hình kinh tế tập thể, ông Tùng còn thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường. Ông chia sẻ: “Khoảng 3 năm trước, khi heo sốt giá, bà con ồ ạt chăn nuôi là tôi đã chuẩn bị cho những lúc khó khăn vì thừa nguồn cung. Đầu năm 2016, nhận thấy dấu hiệu thị trường thịt heo sẽ trầm lắng, tôi chọn giải pháp tập trung đầu heo giống có chất lượng giữ lại để chúng đẻ ra nuôi cho đỡ phần nào chi phí đầu vào. Song song đó, tôi áp dụng thêm các giải pháp nâng cao hiệu quả trong khâu chăm sóc, hạ tỷ lệ thất thoát trong nuôi heo. Đối với bà con thì tôi vận động họ giảm đàn vì họ chưa kết hợp được các mô hình nhuần nhuyễn như tôi”.
Ông Bùi Quang Tạo, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre, cho biết ông Đoàn Phương Tùng đã nhiều năm đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh; được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi; bằng khen của Bộ LĐ-TB-XH trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Ông Tùng là nông dân duy nhất của tỉnh Bến Tre được T.Ư Hội Nông dân tặng danh hiệu “Nông dân VN xuất sắc” năm 2016.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.