Bích Khê – Truyền thống và cách tân

22/12/2005 14:25 GMT+7

Sáng tác đầu đời của Bích Khê là thơ luật Đường, thơ ca trù. Nhưng Bích Khê thực sự gây ấn tượng là với loại thơ được coi thuộc chủ nghĩa tượng trưng. Thành tựu nổi trội nhất của nhà thơ là gắn liền với lối thơ tượng trưng, như chính nhà thơ đã từng tuyên ngôn:

Hỡi lời ca man dại
Điệu nhạc thở hơi rừng
Đêm nay xuân đã lại
Thuần túy và tượng trưng

Man dại, nhạc rừng… thuần túy và tượng trưng – Bích Khê tâm niệm một thứ thơ tuyệt đối, thuần túy. Tham vọng này đã có trước Bích Khê gần nửa thế kỷ, từ cuối thế kỷ 19 ở châu Âu.

Nhưng thơ Bích Khê ra đời trong cái nôi của thơ mới lãng mạn. Chủ nghĩa lãng mạn vốn đã không thuần túy (như chủ nghĩa cổ điển chẳng hạn), đến Việt Nam lại sinh sau nở muộn, chịu ảnh hưởng của đủ thứ chủ nghĩa khác qua Baudelaire và văn chương Pháp nói chung. Tuy được coi là chủ soái của phái Thi Sơn (Parnasse), trên thực tế ở Baudelaire có đủ các mầm mống, yếu tố của thơ hiện đại vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 (chủ nghĩa ấn tượng, tượng trưng, siêu thực) – những mầm mống mà Xuân Diệu đã ghi nhận trong bài thơ Huyền diệu có lấy một câu thơ của Baudelaire làm đề từ: Mùi hương, màu sắc, âm thanh hô ứng với nhau (Les parfums, les couleurs, et les sons se répondent). Nhưng Xuân Diệu cũng như Bích Khê trước hết là nhà thơ của Việt Nam, của Đông phương. Dù mới mẻ, “man dại” thì cũng không bật khỏi gốc rễ dân tộc. Có lẽ trong thơ ca, hồn dân tộc dễ nhận ra hơn cả là ở nhạc điệu của thơ. Điều may mắn đối với Bích Khê cũng là dù có hướng tới hiện đại đến đâu cũng không coi thường tính nhạc của thơ.

Với chủ nghĩa tượng trưng, được quan tâm trên hết mọi sự là nhạc điệu trong thơ (De la musique avant toute chose – Verlaine). Không phải ngẫu nhiên mà Bích Khê có nhiều bài thơ, đoạn thơ dành cho nhạc, cho vũ: Nghe chuông, Mộng cầm ca, Tỳ bà, Nghê thường, Đây bản đàn thơ, Tiếng ca, Nam hành, Đàn sáo dưới trăng, Tiếng đàn mưa… Điệu thơ nghe rất lạ, rất mới, mà cũng thật gần gũi, với những mâm vàng đũa ngọc chung rượu, muôn trùng, nước ái non tình…

Mâm vàng đây, đũa ngọc đây
Tiệc hoa sáng, rượu chung đầy
Trông ra mây nước muôn trùng biếc
Nước ái non tình bóng nguyệt rây
Tiếp ly cạn, cạn ly đầy
Năm con một vợ ngồi vòng xây
Nhạc chim thanh tước rót về đây…

(Nam hành)

Có lẽ do yêu cầu nhạc tình mà Bích Khê không chỉ sáng tạo ra hai câu như trong Nhị hồ của Xuân Diệu, mà cả một lối thơ toàn thanh bằng như Hoàng hôn, Tỳ bà; Bích Khê cũng tiếp thu rất sáng tạo lối thơ ngắt nhịp ở từ thứ tư, chia câu thơ bát cú ra làm hai nửa tứ ngôn, tạo thành cái giai điệu nửa riêng tây, nửa thuận hòa mà Hàn Mặc Tử đặc biệt tán thưởng. Dẫn mấy câu trong bài Nhạc:

Ồ ! Nắng vàng thơm… rung rinh điệu ngọc
Những cánh hồng đơm, những cánh hồng đơm
Nhịp nhàng, nhịp nhàng thở đều trong sương…
Từ ở phương mô nhạn mang thơ về
Đây dây trinh bạch khóe mướt trong mơ
Đây hồn ngọc thạch xanh xao như tờ

Hàn Mặc Tử có lời bình: “Phải chăng ta nhận thấy sóng âm thanh xao gợn, nổi trôi lên xuống như muôn hoa gió lùa”.

Bích Khê quan niệm thơ phải là:

Một hỗn độn xô bồ say dậy
… Lời truyền sóng đánh điên tới muôn nơi
Chữ bí mật chứa ngầm bao chất nổ.

Hỗn độn, xô bồ, nhưng phải say dậy, vực dậy sự sống, đánh thức tâm linh. Bí mật để gây nên sức nổ dây chuyền của cái lạ lẫm, cái tiềm thức, cái vô thức qua những ấn tượng, những liên tưởng đột xuất, bất ngờ, xóa tan mọi khoảng cách, đem nhích lại gần nhau, chồng kề bên nhau giữa những cái vốn xa lạ, vô can… Chữ ở đây vừa là phương tiện, vừa là cứu cánh. Có khi chữ đến trước nghĩa, chữ kéo theo nghĩa, âm thanh gọi âm thanh.

Những nhà thơ tiên phong “khinh rẻ khuôn mòn bỏ lối quen”, dù là thói quen đã đưa thơ tiền bối cổ kim Đông Tây đến những đỉnh cao rực rỡ. Thơ hiện đại có thiên hướng cái trừu tượng thành cái cụ thể hay ngược lại, sống động, có hồn, biến đối tượng thành chủ thể, từ là định ngữ, bổ ngữ vụt trở thành chủ ngữ, cựa quậy, phá phách, khi cần thì vặn vẹo, tháo tung câu thơ, xô đẩy tiết tấu, tạo nên cái cảm giác tán loạn “một hỗn độn xô bồ, say dậy” trong cái thế giới hiện đại đầy trăn trở, bất an. Chỉ có Bích Khê mới có thể xô đẩy, đảo lộn từ ngữ, cú pháp, tiết tấu:

Buồn và xanh trời (Tôi trôi với bờ
biếc – khóc với thu; lời úa ngô
vàng… Khi cách biệt giữa hồn xây mộ
tình hôm qua – dài hôm nay thương nhớ
im lặng nhìn bông ý, lặng lờ lên
những dáng hình thanh khí…) Giữa mông mênh…

(Duy Tân)

Bích Khê xuất hiện trên thi đàn Việt Nam như nhà cách tân đi xa hơn cả so với đương thời. Thơ Bích Khê khi mới ra đời (tập Tinh huyết in năm 1939) được Hàn Mặc Tử đánh giá cao nhưng người thưởng thức thơ Bích Khê không nhiều. Đến tinh tế như Hoài Thanh mà cũng đành viết: “Tôi đã đọc không biết mấy chục lần bài Duy Tân, tôi thấy trong đó có nhiều câu thật đẹp. Nhưng tôi không dám chắc bài thơ đã nói hết cùng tôi những nỗi niềm riêng của nó… Hình như vẫn còn gì nữa… Còn các bài khác hoặc chưa xem, hoặc mới đọc có đôi ba lần. Mà thơ Bích Khê, đọc đôi ba lần thì cũng như chưa đọc”.

Năm 1983, Chế Lan Viên tuyển chọn và giới thiệu, đã phân tích cặn kẽ và biểu dương tác giả Tinh huyết, Tinh hoa, vẫn thấy cần phải dè dặt: “May thay Khê không chỉ có thất bại, cùng với thất bại Khê có thành công”. Kể ra người sáng tác nào mà bên cạnh thành công lại không có ít nhiều “thất bại”. Mà thành công ở Bích Khê được tác giả Thi nhân Việt Nam trích bình tuy ít ỏi nhưng cũng đủ gây ấn tượng cho một ý niệm về tài năng lớn của nhà thơ “bí hiểm” này:

Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi ! Vàng rơi ! Thu mênh mông
và mấy câu trích trong bài Tranh lõa thể:
Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố nữ
Ồ tiên nương ! Nàng lại ngự nơi này ?
Nàng ở mô ? Xiêm áo bỏ đâu đây ?
Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm.
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm ?
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương ?
Mắt ngời châu rung ánh sáng nghê thường;
Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc.
Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc
Vài chút trăng say đọng ở làn môi.

Hoài Thanh nghĩ rằng đó là “những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam”. Hẳn rằng người đọc cũng dễ đồng tình với sự thẩm định ấy, cũng như với lời bình của Hàn Mặc Tử “thi sĩ Bích Khê là người có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo, nhìn vào sự thực thì sự thực sẽ thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy xô sang địa hạt huyền diệu”.

Bích Khê không chỉ có bấy nhiêu, mà còn nhiều bài, nhiều đoạn, nhiều câu khác, hình thành thế giới thơ, bộ mặt thơ riêng của mình mà lịch sử thơ Việt Nam không thể không tính đến. Có thêm những lời bình của Hoài Thanh và Hàn Mặc Tử thì người đọc dễ vượt qua cái cảm giác “khó hiểu” ban đầu, để nhập vào thế giới thơ này, mà có được sự đền đáp xứng đáng.

GS Lê Đình Ky

(Thanh Niên 21/1/1997)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.