Biến đất cằn thành vườn homestay

Phạm Anh
Phạm Anh
21/04/2018 08:12 GMT+7

Từ mảnh đất 2 ha cằn cỗi, một nông dân đã cải tạo thành vườn thanh long ruột đỏ và nhiều loại cây ăn trái khác.

Ông còn ủ thành công rượu thanh long, làm dịch vụ homestay tại khu vườn của mình, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Để có được vườn thanh long và nhiều loại trái cây xanh mát hôm nay, ông Lê Xuân Phục (62 tuổi, ở làng Kon Skôi, xã Đăk Ruồng, H.Kon Rẫy, Kon Tum) cho biết đã phải mất 7 năm ròng tâm huyết. Năm 2011, ông mua được mảnh đất 2 ha và dự kiến sẽ phủ xanh bằng rau, nhưng đào xuống thấy đá và đất quá cằn cỗi, rau không sống được. Đang băn khoăn thì tình cờ xem ti vi, thấy một đơn vị ở Bến Tre khuyến cáo trồng thanh long ruột đỏ trên đất gò đồi, vậy là ông Phục chuyển sang trồng thanh long.
Thanh long sạch
Không có nhiều vốn, ông Phục mua vật liệu xây dựng rồi tự tay làm rào xung quanh vườn, đúc trụ xi măng trồng thanh long. Mỗi ngày thức dậy từ 5 giờ sáng, làm đến 20 giờ mới nghỉ suốt 3 tháng ròng, công trình của ông Phục mới xong. Sau đó, ông đặt giống từ Bến Tre về và đào hố trồng thanh long ruột đỏ. "Có đêm tôi phải nhờ vợ soi đèn để đào hố. Vất vả nhưng quyết tâm", ông Phục kể.
Lúc đó giống cây thanh long ruột đỏ giá hơn 43.000 đồng/cành (cao gấp 4 - 5 lần hiện nay); mỗi trụ thanh long trồng 4 cành, mất gần 200.000 đồng/trụ. Chi phí ban đầu bỏ ra đã "nuốt" của nông dân này hơn nửa tỉ đồng. Ấy là chưa kể cây thanh long phát triển khá chậm. "Đường dây tưới nước kéo từ sông Đăk Snghé vào vườn 250 m, nhưng do điện yếu nên tưới từ 4 giờ sáng đến 20 giờ mới đủ cho cả vườn thanh long. Lúc này, kỹ thuật trồng cũng chưa giỏi nên gặp nhiều trở ngại", ông Phục chia sẻ.
Không nản lòng, hằng ngày ngoài "ăn nằm" với thanh long trên đồi, ông Phục thường theo dõi ti vi, vào mạng học hỏi kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ, vừa làm vừa điều chỉnh. Qua năm thứ 2, thấy thanh long cành mập, dài, phát triển nhánh nhiều, ông Phục biết mình đã trồng đúng kỹ thuật. Những tháng cuối năm 2013, ông bắt đầu thu lứa quả bói đầu tiên. "Trái to như phích nước, phần lớn nặng 1,5 - 2 kg. Lúc này tỉnh Kon Tum chưa có thanh long ruột đỏ, tôi bán 45.000 đồng/kg, bà con mua ăn khen ngon quá trời. Năm đó thu bói, gia đình cũng kiếm được 100 triệu đồng", ông Phục hồ hởi.
Biến đất cằn thành vườn homestay1
Ông Lê Xuân Phục
Kể từ 2014 đến nay, vườn thanh long ruột đỏ của ông Phục cho 8 - 10 tấn/năm. Giá thanh long ruột đỏ mấy năm sau này còn 20.000 - 25.000 đồng/kg, nhưng gia đình ông Phục vẫn thu về trên 200 triệu đồng/năm, trong đó lãi tối thiểu trên 100 triệu đồng. Điều đáng nói là càng về sau công chăm sóc càng ít lại, do ông đã quen với thuộc tính cây trồng này.
Ông Phục cho biết quá trình trồng thanh long ruột đỏ ông hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Để tránh sâu bệnh và côn trùng gây hại, ông Phục tìm hạt na xay thành bột, lấy cây sả, trái ớt, mít chín (hoặc cây ăn trái chín), giấm chua, đường và mật ong trộn chung với nhau, bỏ trong hộp nhựa treo lên cây thanh long. Côn trùng có hại bay đến vườn thanh long, bị kích thích bởi mùi thơm nên bò vào những hộp nhựa này và chết, không đẻ trứng, sinh con gây hại cho cây nữa.
Không ngừng sáng tạo
Cũng theo lời ông Phục, năm 2014, ông xem ti vi thấy một nhà khoa học ngành nông nghiệp nói thanh long ruột đỏ có thể cũng tận dụng làm rượu. Vậy là ông làm. “Ban đầu chọn quả không bán được, hay năm nào thanh long ra trái quá nhiều bán không hết, tôi ủ làm rượu thanh long. Mới sản xuất, rượu này để uống và biếu bạn bè, giờ thì mỗi năm tôi làm vài trăm lít bán ra thị trường, đảm bảo ngon không kém rượu dâu tây, rượu nho, rượu sim”, ông Phục khoe.
Ngoài ra, ông Phục còn trồng hàng chục cây mận, ổi, mắc ca, mít Thái Lan, chanh không hạt... và độc đáo nhất là biến khu vườn cây trái sum suê thành điểm du lịch cộng đồng nho nhỏ. Ông nói đó cũng là cái "duyên", khi có đoàn từ thiện quen với gia đình đến thăm vườn thanh long, đã gợi ý sao không làm homestay? Thấy ý tưởng hay, ông bắt tay vào xây dựng nơi dừng chân ban đêm cho khoảng 30 - 40 người, khu sinh hoạt cộng đồng, phòng karaoke... Bên cạnh đó, ông nuôi thêm gà, vịt, lợn rừng lai... để du khách có nhu cầu là phục vụ ngay. "Ở làng Kon Skôi này có đội cồng chiêng của người Ba Na. Du khách lưu trú ban đêm có nhu cầu chúng tôi sẽ tổ chức đốt lửa trại, khách có thể thưởng thức cồng chiêng và các món ẩm thực của đồng bào bản địa", ông Phục nói.
Hiện tại, dịch vụ homestay của ông Phục quy mô còn nhỏ, nhưng ông nói sẽ đầu tư làm từng bước để thành một điểm đến lý tưởng cho khách. "Chưa tính toán cụ thể, nhưng dịch vụ homestay cũng đủ chi phí cho gia đình sinh hoạt hằng ngày", ông Phục cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.