Biến đồi hoang thành vườn cam trù phú

Sau nhiều năm kiên trì cải tạo, anh Phạm Văn Thắng (34 tuổi) ở thị trấn Nông trường Trần Phú, H.Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, đã biến đồi hoang, đất cằn cỗi thành những đồi cam trù phú.

Gần 6 năm lập nghiệp từ nghề trồng cam, anh Phạm Văn Thắng có trong tay trang trại 2,5 ha trồng cam kết hợp với nuôi ba ba gai.

tin liên quan

Khởi nghiệp từ nuôi ong
Từ một thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, anh Võ Minh Điền (33 tuổi, quê ở xã An Thạnh 1, H.Cù Lao Dung, Sóc Trăng) trở nên khấm khá nhờ nghề nuôi ong.
Phạm Văn Thắng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trang trại thanh niên thị trấn Nông trường Trần Phú, nằm trong số cá nhân đầu tiên đưa giống ba ba gai về nuôi thành công tại địa phương. Giá mỗi ký ba ba gai thương phẩm bán tại ao nuôi lên tới 550.000 - 600.000 đồng/kg, chủ yếu tiêu thụ tại các nhà hàng đặc sản ở các thành phố lớn hoặc xuất bán qua Trung Quốc.
Không chỉ lao động sản xuất giỏi, anh Thắng còn là cầu nối giúp đỡ nhiều thanh niên địa phương lập nghiệp từng được UBND H.Văn Chấn tặng bằng khen năm 2011; Tỉnh đoàn Yên Bái tuyên dương là đảng viên trẻ tiêu biểu toàn tỉnh năm 2013. Năm 2016, anh Phạm Văn Thắng được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của.
Giữa lúc cả thị trấn nông trường, người nông dân lao đao, bế tắc vì hiệu quả kinh tế của cây chè quá thấp, năm 1998, Thắng bắt đầu học kỹ thuật trồng cam sành. Vừa trồng thử nghiệm trên đồi chè của gia đình để nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu, Thắng vừa tìm đến các vùng trồng cam chuyên canh học nghề. Đến khi tự tin có chút ít kiến thức, Thắng vay vốn mua thêm những khu đồi hoang, ghép với diện tích của gia đình để trồng cam.
“Năm 2000, mình khởi nghiệp với nghề trồng cam gần như từ con số không, khi ấy đất đồi hoang trắng, đất trồng chè đã kiệt dinh dưỡng. Không có máy nông nghiệp hiện đại như bây giờ, tôi cùng nhân công phát quang cây dại, đào bới chia lô từng khoảng đồi, đào hố đưa phân chuồng, phân hữu cơ vào bón cải tạo đất. Khi đất đủ độ phì nhiêu mới xuống giống trồng cam. Công việc chủ yếu làm thủ công, chi phí nhân công tốn kém, kéo theo tốc độ cải tạo đất rất chậm”, Thắng kể lại.
Phải mất gần 3 - 4 năm đầu tư liên tục, khu đồi trồng cam mới thành hình hài cụ thể và cho những quả ngọt đầu tiên. Qua kinh nghiệm tích lũy, Thắng phát hiện vùng Nông trường Trần Phú có lượng mưa đều trong năm, khí hậu thuận lợi với cây cam. Cây cam khi được chăm sóc tốt cho năng suất cao, quả mọng nước và độ đường cao ngang ngửa với cam sành trồng ở Hà Giang và Hàm Yên (Tuyên Quang). Mùa thu hoạch cam đầu tiên, Thắng đã có doanh thu hàng trăm triệu đồng.
Quyết định làm lớn, Phạm Văn Thắng tiếp tục vay vốn để mở rộng diện tích trồng cam lên 2,5 ha. Trong đó, phần lớn là đất đồi bỏ hoang cải tạo lại để trồng cam.
Anh Thắng cho hay nghề này cho doanh thu lớn nhưng rủi ro cao. Có năm, trang trại rộng 2,5 ha trồng cam bị nhiễm sâu bệnh, không chữa trị được phải chặt bỏ gần một nửa diện tích. Đó cũng là nguyên nhân khiến những hộ trồng cam liên kết lại để hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất.
Mô hình câu lạc bộ trang trại thanh niên thị trấn Nông trường Trần Phú, do anh Phạm Văn Thắng giữ vai trò chủ nhiệm, hiện nay có 46 thành viên, chủ yếu là các hộ trồng cam kết hợp với chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo thống kê, các thành viên đều có doanh thu mỗi năm ít nhất không dưới 200 triệu đồng, nhiều nhất đạt tới trên 1,5 tỉ đồng.
Chia sẻ về những thay đổi diện mạo đời sống kinh tế của người dân địa phương, ông Phạm Văn Thành, Bí thư Đảng ủy thị trấn Nông trường Trần Phú (H.Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), cho biết giá trị kinh tế từ cây cam rất lớn khiến thu nhập của người dân ngày càng tăng lên. Trước đây 1 ha đất trồng chè, người dân chỉ thu trên dưới 40 triệu đồng thì nay diện tích ấy chuyển qua trồng cam cho doanh thu gần 400 triệu đồng.
Đến nay thị trấn Nông trường Trần Phú có gần 500 ha trồng cam, chiếm tỷ lệ lớn là các trang trại của các hộ gia đình thanh niên với lợi thế am hiểu về khoa học kỹ thuật, có tư duy về thị trường, tìm tòi và đưa các giống cam mới vào sản xuất theo nhu cầu của người tiêu dùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.