Biển động dữ dội tại khu vực quần đảo Hoàng Sa

19/10/2010 08:27 GMT+7

* Lũ trên các sông ở Nghệ An đang lên * Phòng chống bão số 6 với tinh thần cao nhất (TNO) Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, hồi 7 giờ sáng ngày 19.10, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 118,6 độ Kinh Đông, trên khu vực phía đông biển Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km/giờ), giật trên cấp 16.


Vị trí và hướng đi cơn bão số 6 - Nguồn ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km. Đến 7 giờ ngày 20.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 116,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 200 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 400 km.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 7 giờ ngày 21.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 290km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (tức là từ 167 đến 183 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 200 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 400 km.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 7 giờ ngày 22.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc, 113,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 360km về phía bắc đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (tức là từ 167 đến 183 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông biển Đông có gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14, cấp 15, giật cấp 17. Sóng biển cao từ 12 - 14 mét; biển động dữ dội. Từ đêm nay (19.10) vùng biển quần đảo Hoàng Sa gió sẽ mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15; biển động dữ dội.

* Trong 12 giờ qua, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Trung Bộ kết hợp ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đã có mưa vừa, mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 50-100 mm, một số nơi cao hơn như Hương Khê (Hà Tĩnh): 205 mm, Chu Lễ (Hà Tĩnh): 156 mm, Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh): 216 mm, Đồng Hới (Quảng Bình): 128 mm, Hội An (Quảng Nam): 141 mm.

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, Lũ hạ lưu sông Cả (Nghệ An) lên chậm; sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) lên lại, hạ lưu sông La (Hà Tĩnh) dao động ở mức cao; sông Kiến Giang (Quảng Bình) lên chậm.

Dự báo lũ hạ lưu sông Cả (Nghệ An), các sông ở Hà Tĩnh, sông Kiến Giang (Quảng Bình) tiếp tục lên chậm và ở mức cao. Tình trạng ngập lụt sâu trên diện rộng ở các lưu vực sông từ Nghệ An đến Hà Tĩnh tiếp tục diễn ra nghiêm trọng. Cần đề phòng sạt lở đất ở vùng núi tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Phòng chống bão số 6 với tinh thần cao nhất

Báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, đến sáng nay 19.10, đã phối hợp với các địa phương và gia đình chủ tàu thống kê, thông báo, kêu gọi, hướng dẫn cho 60.551 tàu với 233.149 lao động biết vị trí diễn biến của bão số 6 (hay còn gọi là bão Megi) để chủ động vào bờ.

Trong đó, tại khu vực Hoàng Sa và Trường Sa vẫn còn 368 tàu với 4.016 ngư dân đang hoạt động, số còn lại hoạt động ở vùng biển khác hoặc neo đậu tại bến.

Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương bàn và triển khai các biện pháp đối phó với bão lũ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư Cao Đức Phát lưu ý, Megi là cơn bão rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rất rộng, nên tinh thần phòng chống bão của các bộ ngành, địa phương và mỗi người dân cũng phải ở mức cao nhất.

Ông Phát yêu cầu các tỉnh ven biển thông báo và kêu gọi tất cả tàu thuyền đang hoạt động trên khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhanh chóng di chuyển về đất liền tránh bão.

“Trên đất liền, hiện chưa xác định rõ bão có đổ bộ vào nước ta hay không hoặc nếu đổ bộ thì tâm bão sẽ quét qua vùng nào, nhưng chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng tinh thần chống lại một cơn bão cấp 13 - 14. Hãy nhìn vào sự tàn phá ghê gớm của bão Xangsane đối với các tỉnh miền Trung vào năm 2006 để nâng cao tinh thần phòng chống”, ông Phát nói.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ ngành liên quan và địa phương theo dõi sát sao diễn biến của bão Megi, sẵn sàng các phương án phòng chống nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do siêu bão này có thể gây ra.

Theo Phó thủ tướng, phải neo đậu tàu thuyền đúng quy cách, di dời người dân ở các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản vào bờ, lên phương án chi tiết và tùy diễn biến của bão để thực hiện di dời dân ở khu vực xung yếu đến nơi an toàn, chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm và thuốc men cho các vùng dễ bị ngập lụt và chia cắt.

T.Thành - Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.