Biển Đông: ngòi nổ trong quan hệ Trung Quốc - Indonesia

Văn Khoa
Văn Khoa
17/06/2021 17:30 GMT+7

Giới chuyên gia về chính sách đối ngoại nhận định việc thiết lập đối thoại cấp cao giữa Trung Quốc và Indonesia sẽ đưa hai nước xích lại gần nhau hơn nhưng Biển Đông sẽ vẫn là rào cản trong mối quan hệ song phương.

Đầu tháng 6, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đặc phái viên Luhut Binsar Pandjaitan của Tổng thống Indonesia Joko Widodo đồng chủ trì cuộc gặp mở đầu của cơ chế hợp tác đối thoại cấp cao Trung Quốc-Indonesia ở TP.Quý Dương, thủ phủ tỉnh Quý Châu.
Sau cuộc gặp, hai ông Vương và Luhut cùng ký biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Trung Quốc và Indonesia về việc thiết lập cơ chế hợp tác đối thoại cấp cao và MOU giữa Trung Quốc và Indonesia về việc tăng cường hợp tác hàng hải, theo thông tin được đăng trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 6.6.

"Sự kiện lớn"

Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức ca ngợi việc ký kết các MOU trên là “sự kiện lớn” trong quan hệ song phương và nhấn mạnh đó là “biện pháp quan trọng để thực hiện sự đồng thuận” mà lãnh đạo của hai nước đã đạt được, theo tờ South China Morning Post (SCMP). Đối thoại cấp cao nhằm tăng cường hợp tác về 5 điểm: vắc xin Covid-19 và y tế; các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường; các vấn đề biển; giao lưu văn hóa và nhân dân; và “xây dựng cộng đồng với tương lai chung”.
Ông Emirza Adi Syailendra, nhà nghiên cứu thuộc chương trình Indonesia tại Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) nhận định đối thoại sẽ thể hiện sự tương tác cá nhân gần gũi giữ các nhân vật chính trị ưu tú ở Indonesia và Trung Quốc. Ông Emirza còn cho rằng động thái của Trung Quốc tăng cường quan hệ với Indonesia cho thấy tầm quan trọng của nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á đối với Trung Quốc trong lúc Bắc Kinh tìm kiếm sự hỗ trợ cho những tham vọng của mình trong khu vực.
Ngoài ra, cựu nhà ngoại giao Indonesia Ple Priatna, từng công tác ở Bắc Kinh, cho rằng đối thoại cấp cao có thể thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc ở Indonesia. Ông Ple còn cho rằng đối thoại cấp cao đang đẩy Indonesia ngày càng gần gũi với Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ dùng đối thoại này để xây dựng lòng tin ở Indonesia. Mặt khác, ông Ple cảnh báo “có những thứ có thể làm nổ tung mối quan hệ Trung Quốc-Indonesia bất kỳ lúc nào, như quan điểm chống Trung Quốc và vấn đề Biển Đông”, theo SCMP.

"Phép thử" cho quan hệ ASEAN-Trung Quốc

Tương tự, tuy hoan nghênh đối thoại cấp cao, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho rằng Biển Đông là “phép thử” cho quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN. Bà Retno kêu gọi gia tăng đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và nhấn mạnh Indonesia sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán về COC ở Jakarta trong tương lai gần. Bà Retno cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nối lại đàm phán về COC trong cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Vương Nghị hôm 7.6.
Chuyên gia Emirza nhận định rằng phát ngôn trên của Ngoại trưởng Retno cho thấy nhiều nước ASEAN, trong đó có cả Indonesia, cảnh giác về tình trạng ngày càng mạnh bạo của Trung Quốc ở khu vực. Bằng cách thúc Trung Quốc bắt đầu cuộc thảo luận về COC, Indonesia đang cố gắng đưa Trung Quốc vào cam kết có tính ràng buộc mà không phá vỡ tình trạng của Indonesia là một bên không có tranh chấp ở Biển Đông, theo ông Emirza.
Indonesia lâu nay duy trì tình trạng không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, một phần thuộc vùng kinh tế đặc quyền (EEZ) của nước này xung quanh quần đảo Natuna ở phía nam Biến Đông bị “đường lưỡi bò” của Trung Quốc “liếm” trúng.
Indonesia ngày càng trở nên cảnh giác đối với những vụ tàu Trung Quốc xâm nhập EEZ kể từ khi tàu hải cảnh Trung Quốc hồi năm 2016 ngăn cản tàu tuần tra Indonesia bắt giữ một tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở vùng biển phía bắc quần đảo Natuna.
Hồi tháng 1.2020, hải quân Indonesia triển khai thêm 4 tàu chiến đến Natuna, nâng tổng số tàu chiến ở quần đảo này lên 8 chiếc, theo kênh CNA dẫn lời sĩ quan Tri Rohadi thuộc hải quân Indonesia. Đến tháng 11.2020, Tham mưu trưởng hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono, cho hay sẽ chuyển tổng hành dinh lực lượng tác chiến từ Jakarta đến Natuna.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.