Biên kịch Trần Kim Khôi nặng tình với biển đảo

25/11/2022 13:30 GMT+7

Biên kịch Trần Kim Khôi thuộc thế hệ 8X và thành công từ rất sớm. Hiện Khôi đang sở hữu hơn 20 kịch bản sân khấu và điện ảnh . Khôi cũng là chủ nhân của hơn chục giải thưởng về kịch bản sân khấu tính tới năm 2022.

Nhưng dấu ấn của Khôi trong ngành chính là các tác phẩm về đề tài chủ quyền biển đảo, nặng tình thao thiết, trăn trở và hoài vọng hướng về nơi đầu sóng ngọn gió phía Đông Tổ quốc...

Ăn cơm cùng ngư dân ở chân Nhà giàn

tgcc

Trần Kim Khôi quê Quảng Nam, lập nghiệp phương Nam, là gương mặt biên kịch trẻ, xông xáo và nhiều sáng tạo với nhiều tác phẩm kịch bản sân khấu gây ấn tượng cảm xúc đến khán giả, là hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Điện ảnh TP.HCM. Bắt đầu sáng tác từ năm 2004, cho đến nay Khôi là tác giả trẻ nhất với hai tác phẩm Vùng tối, Bông hồng vàng tham dự Liên hoan Sân khấu toàn quốc về Hình tượng người chiến sĩ Công An Nhân dân năm 2010, 2015, Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015.

Nhưng khi nói tới biên kịch Trần Kim Khôi, thì trong giới đều rất cảm phục với hàng loạt kịch bản mang chủ đề chủ quyền biển đảo Tổ Quốc, đặc biệt là Trường Sa - Hoàng Sa.

“Cây bàng vuông” khởi đầu tình yêu biển đảo

Năm 2014, Trần Kim Khôi được tham gia trong đoàn văn nghệ sĩ Hội Liên hiệp VHNT TP Hồ Chí Minh đi thăm Nhà giàn DK1 và các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những gì trải nghiệm trong 10 ngày đó như một sự thức tỉnh, mở rộng cánh cửa tâm hồn và trái tim của Khôi, đón nhận cảm xúc ào ạt như sóng, như gió, như nắng của đại dương, một vùng biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Đọc trang nhật ký của Khôi ngày ấy: “Cảm nhận về quần đảo Trường Sa từ chuyến đi với Đoàn công tác số 7 trên tàu HQ 957 từ ngày 21 - 30.4.2014… Và tôi đã đến quần đảo Trường Sa! Đôi chân ngập ngừng, đôi mắt rưng rưng, đôi tay khe khẽ, muốn chạm nhẹ vào mọi thứ. Hình như mỗi vật thể, mỗi sinh thể, mỗi tồn tại trên quần đảo này đều quá đổi gần gũi mà quá đỗi thiêng liêng! Hình như mỗi tấc đất, mỗi nóc nhà, mỗi luống hoa, mỗi con vật… đều không phải vật, không phải hoa, không phải nhà, không phải đất. Ở đây tất cả như có tiếng nói riêng, có tâm hồn riêng. Hình như mỗi hòn cuội, mỗi viên sỏi, mỗi hạt cát… đều có sự sống - lúc nào vòng tay cũng dang rộng để níu chặt những người đến thăm!”…

Dự lễ Khao lề thế lính tại Lý Sơn

tgcc

Trở về đất liền, ngay từ lúc còn “say đất”, Khôi đã phác họa kịch bản Cây bàng vuông, loài cây cho dù phong ba bão táp đại dương vẫn kiên cường xanh lá, tỏa bóng mát xuống cát nóng bỏng khô rát, và đặc biệt tới mùa hoa, vào lúc đêm xuống, từng cánh hoa mỏng manh dịu dàng sắc hồng ngọt ngào từ hé nở, bung tỏa diễm lệ trong không gian mênh mông của sóng, của gió, của âm thanh đại dương dội vào bờ cát… Cây bàng vuông tượng trưng cho sự dũng cảm, ý chí quật cường, quyết hy sinh để bảo vệ chủ quyền từng tấc đất Tổ quốc, là tình yêu quê hương - đất mẹ nơi có gia đình và bạn bè thân thương, là truyền thống “lấy chí nhân để thay cường bạo” để ứng xử với những kẻ có dã tâm ăn cướp… của những chàng trai hải quân Việt Nam. Câu kết của kịch bản cũng là chủ đề xuyên suốt vở kịch này: “Thanh Tâm, đồng đội và nhân dân trên đảo sẽ mãi nhắc tên con và Hùng như một biểu tượng của sự hy sinh cao cả! Hai con chính là cây bàng vuông trên đảo, rễ đã bám sâu, bám chặt trong lòng quân dân chúng tôi!”.

Vở kịch đã được NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ dựng theo phong cách nhạc kịch, biểu diễn thành công hàng mấy chục buổi từ sân khấu Nhà hát Thành phố, Nhà Văn hóa Thanh Niên, các trường đại học, các tỉnh thành và trong nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật của TP.HCM. Riêng Khôi đã được Giải thưởng của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam dành cho vở diễn xuất sắc năm 2014, giải B của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Ban Tuyên giáo Trung ương.

Và tình yêu biển đảo ngày một lớn dần

Với Khôi, biển đảo không chỉ là hồn thiêng Tổ quốc, mà còn là một tình yêu máu thịt gắn bó như hơi thở, như máu chảy trong lồng ngực. Giống như một sự tương tư cháy bỏng thôi thúc, phải viết, phải kể, phải lan tỏa tình yêu này đến mọi người. Những câu chuyện hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo - thềm lục địa, câu chuyện nhà giàn anh dũng đối mặt tâm bão, một ngọn cờ bay, một dáng cây phong ba, một nhánh lá bàng vuông, một vạt san hô, một làn gió biển, một chiếc vỏ ốc, cả các chú chó và bao nhiêu hình ảnh khác ở quần đảo Trường Sa đều trở thành nhân vật trong kịch bản của Khôi.

Với ông Phạm Thọ Truyền-Hậu duệ đời thứ 7 của Cai đội Phạm Hữu Nhật

Ngày đi ngày về - Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và 35 năm sự kiện Gạc Ma; Đặc biệt vở Ngày của sự thật về sự kiện Gạc Ma vừa được phát trên sóng VOV ngày 23-24.8.2022 trong mục Sân khấu truyền thanh; Tân binh nhà giàn nói về sự kiện tháng 12.1998, nhà giàn Phúc Nguyên 2A lọt vào tâm bão; Bản vọng cổ: Từ nhà giàn DK nhớ lời cha dạy được trao giải Tư của Đài Truyền hình TP.TP.HCM - HTV và được HTV ghi hình đến 3 lần.

Khôi đã hai lần ra đảo Lý Sơn năm 2016, 2018 trong dịp nơi này tổ chức Lễ khao Lề thế lính Hoàng Sa, tái hiện, khắc họa, hình ảnh đội Hùng binh Hoàng Sa năm xưa vâng lệnh vua dong thuyền ra đo đạc thủy trình, xác lập chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những câu chuyện như huyền thoại về đội Hùng binh Hoàng Sa thời Nguyễn trên đảo Lý Sơn, những ngôi mộ gió, những cuộc tế sống trước khi ra Hoàng Sa là những khám phá lịch sử một miền biên hải sóng gió của Tổ quốc, cho Khôi có kịch bản Xin lỗi Hoàng Sa với đoạn kết đầy ám ảnh xúc động: “Thưa tiền nhân, thưa những Hùng binh Hoàng Sa, thưa mọi người, con đã cố gắng để thể hiện tình cảm của mình, nhưng đôi khi lực bất tòng tâm. Con xin mượn nén nhang này, mượn làn khói này để gửi đến Hoàng Sa, gửi đến tiền nhân, gửi đến những Hùng binh, gửi đến mọi người một lời xin lỗi từ tận tâm can, tận gan ruột của mình…”.

Khôi nói mình có hai đứa con, giờ chúng còn nhỏ, nhưng không có nghĩa là không dạy chúng hiểu biết về chủ quyền biển đảo, truyền thống yêu nước của ông cha, để chúng yêu hơn đất nước, sau này lớn lên có trách nhiệm công dân giữ gìn bảo vệ, xây dựng Tổ quốc giàu mạnh trường tồn… Kịch bản Hùng binh tuổi teen, Khôi phác họa mô phỏng đội Hùng binh Hoàng Sa ngày xưa, mang ý nghĩa giáo dục thanh thiếu niên về tình yêu biển đảo và chủ quyền đất nước.

Ngoài chủ đề Trường Sa - Hoàng Sa, Trần Kim Khôi còn “mê đắm” với đề tài Đường Hồ Chí Minh trên biển Tàu 0 số. Khôi đã đi “thực địa” các bến tàu 0 số từ Quảng Ngãi đến Cà Mau, không chỉ tìm cảm hứng, mà còn muốn bản thân mình đứng ở những bến tàu lịch sử này, để lắng hồn, tưởng tượng những chuyến tàu chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ đầy hy sinh gian khổ, tưởng tượng những cuộc đụng độ trên biển và tinh thần chiến đấu mưu trí, quả cảm và ý chí kiên cường đầy sống động hào hùng của người lính hải quân trên những con tàu 0 số với tàu của Mỹ và quân đội Sài Gòn ngày ấy. “Huyền thoại một con đường” nói về Đường Hồ Chí Minh trên biển và những con tàu 0 số được Khôi viết trong những cảm xúc ngập tràn đó.

Chưa dừng ở những kịch bản chủ đề chủ quyền bất khả xâm phạm biển đảo Tổ Quốc hiện đã viết và được dàn dựng, Khôi vẫn ao ước có thêm những chuyến đi biển đảo mọi miền Tổ quốc, từ Bắc như những vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình…, rồi cả dọc biển miền Trung, và toàn bộ vùng biển phía Nam - Tây Nam Tổ quốc, để có thêm nhiều kịch bản về biển đảo với nhiều câu chuyện đa dạng, phong phú và hấp dẫn hơn nữa…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.