Hai ngày trước, khi giá vàng vượt 49 triệu đồng/lượng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tự tin khẳng định, "nhập vàng không lỗ" để phản bác lại các ý kiến không tán thành việc cấp quota nhập vàng giá cao trước đó. Nhưng có lẽ chúng ta đã mừng quá sớm bởi chỉ trong vòng 2 ngày qua, vàng đã mất tới trên 4,1 triệu đồng/lượng.
Xu hướng giảm, thậm chí giảm rất mạnh được dự báo sẽ còn diễn ra trong những ngày tới. Tất nhiên trong bối cảnh giá cả biến động nhanh, mạnh và khó lường hiện nay, việc đang lời thành lỗ và ngược lại, đều có thể dễ dàng xảy ra. Nên "luận" công hay tội của một sự việc cụ thể, trong một thời điểm cụ thể, cũng khó mà chính xác.
Tuy nhiên, nếu nhìn cả quá trình xuất - nhập khẩu vàng từ đầu năm tới nay, không thể phủ nhận những thiệt hại của chúng ta từ sự lúng túng trong việc điều hành, quản lý thị trường vàng. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm này, VN đã xuất khẩu khoảng 2,52 tỉ USD kim ngạch nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm, chủ yếu ở giai đoạn giá thấp; nhập khẩu khoảng 650 triệu USD.
Chỉ tính riêng tháng này, ta nhập khẩu khoảng 200 triệu USD trong đó hơn một nửa giá trị được nhập vào cuối tháng, khi giá vàng liên tục khuynh đảo các kỷ lục giá mới. Nói một cách ngắn gọn, chúng ta đã "xuất giá thấp nhập giá cao", gây những tác động không tốt lên nền kinh tế trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay.
Bài toán điều hành, quản lý thị trường vàng đang trông chờ vào Nghị định quản lý kinh doanh vàng mới dự kiến sẽ được trình Chính phủ ban hành vào tháng 9 này. Nhưng giá vàng thì vẫn đang biến động từng ngày, thậm chí từng giờ, gây ra hàng loạt các hệ lụy không đáng có.
Giải pháp mà NHNN đã khẳng định sẽ tiếp tục sử dụng để can thiệp thị trường trong trường hợp cần thiết là nhập vàng. Câu hỏi đặt ra là, chúng ta sẽ nhập bao nhiêu cho đủ nếu vàng vẫn tiếp tục tăng, vẫn tiếp tục tạo ra những cơn sốt giá? Nhập để làm gì khi lượng vàng dự trữ trong nước không thiếu? Nếu nhập chỉ để "cắt cơn" giá vàng như trước đây, những thiệt hại như đã phân tích trên, chắc chắn sẽ còn tiếp tục xảy ra. Trong khi với quyền năng và công cụ của mình, NHNN hoàn toàn có thể dùng các biện pháp tức thời, "khui" số vàng sẵn có trong dân chúng, để can thiệp thị trường; để đưa giá vàng trong nước liên thông với giá thế giới.
Linh hoạt là phương pháp được NHNN khẳng định sẽ sử dụng trong việc điều hành, quản lý. Vậy thì, thay vì chờ nghị định mới với nhiều nội dung còn gây tranh cãi, đây là lúc NHNN nên đưa ra các biện pháp tức thời để điều hành thị trường vàng có lợi nhất cho người dân, cho nền kinh tế.
Nguyên Hằng
Bình luận (0)