Biến tướng lừa đảo

04/06/2019 04:55 GMT+7

Vụ hàng trăm người dân tại Tây Ninh là các cựu chiến binh, người cao tuổi sập bẫy tour du lịch 0 đồng cho thấy, biến tướng lừa đảo theo các hình thức này ngày càng tinh vi, nhiều thủ đoạn.

Vụ việc ở Tây Ninh, gọi là biến tướng tour 0 đồng cũng đúng mà gọi là biến tướng đa cấp hay bán hàng lừa đảo hay kết hợp cả ba cũng không sai. Dù hình thức nào thì hệ quả cũng chỉ có một, đó là người dân bị mất tiền. Chuyện là Công ty TNHH thương mại Ishiba VN có trụ sở tại P.Phú La, Q.Hà Đông, Hà Nội, tìm về xã Thành Long (Tây Ninh) “dụ dỗ” chủ tịch hội người cao tuổi xã này đứng ra tổ chức cho 170 người dân thuộc 3 xã Thành Long, Hòa Hội và Hòa Thạnh sang Bình Dương tham quan.
Nói là tham quan nhưng thực chất là tập trung mọi người lại một địa điểm để nghe công ty này quảng bá, giới thiệu và bán hàng là chủ yếu. Theo chương trình, mỗi khách hàng khi mua 1 sản phẩm sẽ được công ty tặng 1 phiếu mua sản phẩm có giá trị tương đương. Vừa dứt giới thiệu ưu đãi là có người (không thuộc đoàn) xung phong mua, nhận phiếu ưu đãi và đổi lấy sản phẩm liền, coi như mua 1 được 2. Thấy vậy, nhiều người cũng hăm hở mua theo. Nhưng đến chiều cùng ngày, muốn đổi phiếu ưu đãi lấy sản phẩm thì công ty biến mất.
Theo phản ánh của nhiều người, ngoài tour 0 đồng thì các đối tượng còn mượn hình thức khám chữa bệnh miễn phí nhưng thực chất cũng để bán thực phẩm chức năng. Đặc biệt, địa bàn của các đối tượng này được mở rộng tới thôn, xóm, thậm chí vùng sâu, vùng xa... vốn hạn chế, thậm chí không có thông tin về các hình thức lừa đảo bán hàng đa cấp, bán tour 0 đồng, hàng nhái, dỏm. Đối tượng cũng nhắm tới người cao tuổi, cựu chiến binh... là những người có nhiều thời gian rảnh rỗi, sinh hoạt theo hội, nhóm... nên tác động được một vài người là có thể kéo theo nhiều người.
Tour 0 đồng, bán hàng đa cấp, bán hàng nhái - dỏm với giá cao... đã được nói đến rất nhiều mấy năm gần đây; nhưng như nói ở trên, nó không hề mất đi mà chỉ biến tướng từ loại hình này sang loại hình khác, len lỏi vào từng ngõ ngách đô thị, vươn tới vùng sâu vùng xa; lôi kéo người trẻ, người già... Lý do các loại hình lừa đảo này vẫn sống khỏe là chúng ta chưa thực sự quyết liệt ngăn chặn, chế tài cũng chưa đủ sức răn đe. Cứ khi nào có vụ vỡ ra, các cơ quan chức năng mới vào cuộc.
Nếu không làm nghiêm, xử lý mạnh tay, có các giải pháp tuyên truyền để người dân nắm được thông tin lừa đảo biến tướng thì chắc chắn cứ nay ở tỉnh này có người sập bẫy 0 đồng; mai tỉnh khác có người rơi vào vòng xoáy đa cấp...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.