Biết cách tự học

20/12/2012 03:00 GMT+7

Để tích lũy được nhiều kiến thức, học sinh phải tìm cho mình phương pháp tự học tốt nhất.

Tạo tính độc lập

Nhiều giáo viên cho rằng cách học của phần đông học sinh (HS) hiện nay chưa mang lại hiệu quả cao. HS còn quá phụ thuộc vào bài giảng của thầy cô trên lớp, dẫn đến thụ động và ít sáng tạo trong học tập, không tạo cho mình thói quen độc lập trong suy nghĩ. Tiến sĩ Mai Ngọc Luông, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục phổ thông - Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chỉ ra rằng: “Nhà trường và phụ huynh cần sớm rèn luyện kỹ năng tự học cho HS, bởi điều này sẽ giúp HS có được những kiến thức cơ bản, nền tảng, bước đệm trong quá trình lĩnh hội những kiến thức ngành nghề tương lai. Ngoài ra, tự học còn giúp HS có tính độc lập cao, chủ động suy nghĩ, tìm tòi, khám phá, nghiên cứu và nắm được bản chất vấn đề...”.

Mỗi môn học có yêu cầu riêng nên HS cần phải có phương pháp thích hợp. Trần Nguyễn Trường Sinh, du HS tại Phần Lan chia sẻ: “Trước khi đến lớp, cần đọc trước nội dung chương mục, ghi câu hỏi, cố gắng đề xuất câu trả lời, sau đó đối chiếu với câu trả lời của thầy cô, bạn bè. Tham gia giờ học đầy đủ và ghi chép các ý chính, các ý phát triển... một cách có hệ thống. Sau buổi học cần làm bài tập, tự học qua sách, tài liệu từ internet một cách nghiêm túc”.

 
Để có kết quả học tập tốt, học sinh cần có phương pháp tự học hợp lý - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Không học nhồi nhét

Trần Đức Hưng, thủ khoa năm 2012 của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khẳng định: “Nhồi nhét không phải là thói quen học tập tốt, nó khiến bạn cảm thấy bị áp đảo với số lượng tài liệu phải học và làm giảm hứng thú trong việc học tập. Vì vậy, học tuần tự từng bài, bài nào xong bài đó, tuyệt đối không để dồn đến kỳ thi mới học. Để việc tự học đạt kết quả nên tránh tiếng ồn. Sáng sớm, khi mọi người còn ngủ, sẽ là lúc tốt để học và nên vô hiệu hóa kết nối internet để không bị những trang web và mạng xã hội cám dỗ… Nếu không có phòng riêng hoặc ở chung phòng với ai đó, bạn có thể vào thư viện hoặc tìm cho mình một nơi yên tĩnh ngồi học đối mặt với một bức tường để không bị phân tâm”.

Còn Vũ Thị Ngọc Hà, HS Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), giải nhất kỳ thi HS giỏi quốc gia môn văn, đưa ra tình huống: “Đôi khi bạn đang cố gắng học nhưng dường như tâm trí lại đang ở nơi nào đó, bạn thấy khó để hiểu những gì đang đọc ngay cả khi bạn đọc đi đọc lại nó nhiều lần. Một trong những cách để ngăn chặn những suy tưởng miên man, mơ mộng này là đọc thành tiếng hay có thể gạch chân đánh dấu các chú ý quan trọng trong tài liệu của mình. Như vậy sẽ giúp chúng ta tập trung hơn”.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - khuyên đừng nên học bài khi dạ dày trống, bụng đói cồn cào. Nên ăn một chút trước khi ngồi vào bàn học nhưng đừng ăn quá nhiều, có thể bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ hoặc lừ đừ. Trong khi đó, theo ông Cao Huy Thảo - Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc, muốn có kỹ năng tự học và không phụ thuộc nhiều vào bài giảng trên lớp, HS cần có kế hoạch học tập hợp lý, một công cụ ghi nhớ thật khoa học, phân chia lượng thời gian học tập ở trường và ở nhà cân đối. Trên hết là phải kiên trì, chịu khó.

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.