Biệt đội phấn trắng lấy nước mắt khán giả

30/03/2021 07:32 GMT+7

Game show Biệt đội phấn trắng không chỉ là sân chơi đầy hào hứng, vui nhộn dành cho học sinh, mà ở đó còn có những câu chuyện cảm động chạm vào trái tim nhiều người.

Nếu không có game show Biệt đội phấn trắng, ít người biết đến hoàn cảnh xót xa, nỗi khát khao trở lại bục giảng của cô Hồ Thị Bảy, giáo viên Trường THCS Lưu Văn Lang (Đồng Tháp). Cô Bảy đang mang trong mình hai căn bệnh nan y u não và ung thư hạch bạch huyết. Các thầy cô giáo ở trường cho biết cứ sau mỗi lần xạ trị hay hóa trị, cô Bảy lại tiều tụy và xanh xao hơn. Nhưng đằng sau vẻ mong manh, yếu ớt của cô là sức chiến đấu mạnh mẽ với bệnh tật và tình yêu mãnh liệt với nghề giáo.
Cô Bảy chia sẻ: “Ngày vui nhất trong đời tôi là được trở lại bục giảng. Những ngày tháng phải nghỉ dạy để chữa bệnh, tôi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ những đứa học trò thân yêu lắm”. Rất nhiều học trò đã rơi nước mắt trong những thước phim của game show này và nhiều khán giả xem chương trình đã rưng rưng.
Cũng tại Đồng Tháp, thầy Nguyễn Văn Vui phải chia tay ngôi trường THPT Cao Lãnh vì mắc bệnh ung thư biểu bì da. Từ một trụ cột gia đình, thầy nằm xuống với căn bệnh quái ác mỗi ngày tàn phá sức khỏe, vợ của thầy cũng là giáo viên phải cáng đáng hết mọi thứ. Học trò và đồng nghiệp của thầy Vui nhớ như in hình ảnh người thầy sống đúng như cái tên của mình. Học sinh vui vì được lắng nghe những bài học từ thầy, đồng nghiệp vui vì tính tình hiền lành hoạt bát của thầy, gia đình vui vì thầy làm tròn trách nhiệm của một người chồng, người cha.
Căn bệnh ung thư quái ác cũng đã giáng xuống cuộc đời của cô Nguyễn Minh Thuận (giáo viên Trường THCS Đinh Tiên Hoàng, Đắk Lắk). Những đồng lương ít ỏi từ công việc giảng dạy của hai vợ chồng cô không đủ trang trải thuốc men và mọi sinh hoạt trong cuộc sống gia đình. Nhưng thay vì oán trách, cô lại lựa chọn cách sống hết mình với thời gian còn lại. Vì như cô Minh Thuận trải lòng: “Là hoa thì phải nở một cách rực rỡ, nếu là than phải cháy hết mình”.
Còn thầy Nguyễn Văn Hưng (Trường THPT Lê Quý Đôn, Tây Ninh) khiến chúng ta rơi nước mắt với nỗi đau “kép”. Đau buồn khi cuộc hôn nhân tan vỡ chưa kịp nguôi thì nỗi đau bệnh tật đã ập xuống cuộc đời thầy với kết luận suy thận mãn. Đối mặt với hai nỗi đau cùng lúc, thầy từng nghĩ cuộc đời như vậy là chấm hết. Nhưng sau khi trấn tĩnh tinh thần, tâm trí thầy không thể rời bỏ được ánh mắt của những học trò mong chờ thầy lên lớp giảng bài, hình ảnh cậu con trai bé nhỏ chờ cha đưa đón. Tất cả như một cánh tay vô hình kéo thầy lại với sự nỗ lực phi thường.
Câu chuyện của thầy Phạm Đông Phương, Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM), khiến nhiều người bồi hồi xúc động. Chàng trai trẻ tên Phương ngày ấy chấp nhận việc nghỉ học để nhường cơ hội chữ nghĩa cho các em mình. Rồi từ miền Trung, Phương vào TP.HCM, tạm gác lại chuyện học hành dấn thân vào cuộc mưu sinh. Nhưng ước mơ về một ngày đứng trên giảng đường của Phương chưa bao giờ dừng lại. Và năm 2001, Phương từng chạm ngõ mơ ước của mình khi đặt chân vào ngành vật lý của Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Sau 13 năm dạy học, thầy Phương phát hiện mình bị bệnh ung thư. Nhưng thái độ của thầy khi đối mặt với căn bệnh mà mọi người thường gọi là “án tử” là một thái độ chấp nhận tích cực. Điều kỳ vọng nhất là quỹ thời gian ít ỏi còn lại của thầy là dành hết tâm huyết cho sự nghiệp gieo chữ và trồng người. Vì theo như thầy nói: “Mình nặng duyên với nhà giáo nhiều lắm”.
Khơi dậy những giá trị nhân sinh: chân - thiện - mỹ
Qua những câu chuyện đời đầy nước mắt nhưng nói lên được thái độ tích cực đối với nghịch cảnh của các thầy cô giáo, từ đó, nhà sản xuất chương trình muốn nhắn gửi đến không chỉ thầy cô giáo, mà còn có cả những hoàn cảnh kém may mắn rằng: sẽ không một hoàn cảnh nào, số phận nào bị bỏ lại phía sau; không một thầy cô nào phải một mình chống chọi với bệnh tật, khó khăn. Vì cuộc sống luôn tuân theo nguyên tắc: cho - nhận. Như các thầy cô giáo, khi cho con chữ, cho kiến thức thì sẽ nhận lại được tình thương, niềm tôn sư trọng đạo từ các học trò.
Ê kíp chương trình tin rằng đâu đó những chương trình không phải thuần giải trí như thế này sẽ khơi dậy và khởi phát được những giá trị nhân sinh: chân - thiện - mỹ để những điều tốt đẹp không chỉ được nảy mầm trong cuộc sống mà nó còn phải kết hoa. Và không phải nhiệm vụ của một bông hoa là chỉ nở để tàn, mà nó vẫn để lại một mùi hương cho đời, cứ vậy mà truyền đi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.