Biết kết quả ngay khi làm bài thi

17/03/2015 04:57 GMT+7

Đại học Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức “chạy thử” toàn bộ quy trình tổ chức bài thi đánh giá năng lực sẽ được áp dụng trong kỳ tuyển sinh sắp tới, tại Trường THPT Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Đại học Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức “chạy thử” toàn bộ quy trình tổ chức bài thi đánh giá năng lực sẽ được áp dụng trong kỳ tuyển sinh sắp tới, tại Trường THPT Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
 
Học sinh Trường THPT Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên làm bài thi thử vào ĐH Quốc gia Hà Nội - Ảnh: Tuệ NguyễnHọc sinh Trường THPT Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên làm bài thi thử vào ĐH Quốc gia Hà Nội - Ảnh: Tuệ Nguyễn
PGS Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, chia sẻ: “Chúng tôi chọn và nhờ Trường THPT Đại Từ để tổ chức thi thử với mong muốn nhận được những thông điệp, kết quả tương đối khách quan nhất, vì ở đây học sinh có nhiều đối tượng khác nhau về học lực cũng như điều kiện học tập, kinh tế gia đình”. Ngoài việc thử về quy trình tổ chức thi, theo ông Sơn, còn thăm dò phản hồi trực tiếp của học sinh đối với bộ đề.
Liệu có may rủi khi mỗi thí sinh một đề ?
Ông Trần Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Đại Từ, nhận xét: “Xem những đề thi mẫu của bài thi đánh giá năng lực, tôi bất ngờ vì nhiều câu hỏi rất gần gũi, thiết thực với cuộc sống mà học trò cần nắm được”. Tuy vậy, ông Hưng cũng băn khoăn liệu việc cho phép mỗi thí sinh (TS) lựa chọn ngẫu nhiên một đề có dẫn tới tình trạng may rủi khi TS này chọn được đề dễ còn TS kia làm đề khó.
Ông Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, thông tin quy trình xây dựng đề thi được tiến hành theo 13 bước. Đề thi được tổ hợp ngẫu nhiên theo ma trận đề thi, các câu hỏi đã được chuẩn hóa. Việc rút câu hỏi đã được lập trình sao cho các đề thi có độ khó tương đương, không có sự may rủi nào khi TS làm bài thi. Tuy nhiên, để tăng cường chống đoán mò, ngoài các câu trắc nghiệm, trong đề thi còn có một số câu tự luận yêu cầu học sinh phải tính toán, phân tích cụ thể trước khi trả lời.
PGS Nguyễn Kim Sơn cho biết đề thi được thiết kế có khoảng 20% câu hỏi khó, học sinh phải tư duy, suy nghĩ, phát huy khả năng sáng tạo của mình nhiều hơn chứ hoàn toàn không phải là những câu hỏi đánh đố.
Xong kỳ thi trong 3 giờ
Kết thúc buổi thi thử, học sinh tỏ ra rất hào hứng với cách thi mới mẻ: làm bài thi trên máy, hơn 3 giờ đồng hồ là xong cả một kỳ thi, lại còn biết ngay kết quả... Một trong số TS được điểm cao nhất là Trần Xuân Hảo với số điểm 113/140. "Dù được thiết kế hoàn toàn mới nhưng nội dung đề thi phù hợp với nội dung kiến thức mà em được học trong chương trình", Hảo cho biết.
Nhiều học sinh cho hay, lần đầu tiên nội dung của môn học giáo dục công dân được đưa vào đề thi tuyển sinh ĐH nên có nhiều điều rất thú vị. Câu hỏi của môn học này rất thiết thực, yêu cầu TS phải suy nghĩ để giải quyết những tình huống thực tế mà hằng ngày thường gặp. “Em thích những câu hỏi liên quan đến kiến thức về pháp luật, những tình huống đưa ra đòi hỏi mình phải chọn một đáp án giải quyết đúng”, Đăng Xuân Hồng (lớp 12A13) chia sẻ.
Không quy định điểm liệt
Về điểm của bài thi, ông Nguyễn Kim Sơn khẳng định sẽ không có quy định về điểm liệt. Học sinh đã đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT nghĩa là đã có kiến thức cơ bản về tất cả các môn học bắt buộc trong trường. Dù thi khối gì thì cũng phải đáp ứng được một ngưỡng tối thiểu trong kiến thức của 2 môn toán và văn. Còn TS có nguyện vọng và sở trường về ngành nào thì đề thi cũng đã có phần tự chọn, cho phép được lựa chọn một trong 2 phần là khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Xử lý ra sao nếu máy tính trục trặc ?
Do bài thi đánh giá năng lực được làm hoàn toàn trên máy tính nên không ít học sinh bày tỏ lo lắng nếu vào phòng thi hoặc đang làm bài thi mà máy tính trục trặc thì giải quyết ra sao?
Ông Nguyễn Kim Sơn cho biết trường phải chuẩn bị lượng máy tính đủ và đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật cho số lượng TS đăng ký dự thi, đồng thời phải chuẩn bị lượng máy dự phòng ở mỗi phòng thi, hội đồng thi. Sẽ có một đội ngũ cán bộ kỹ thuật rà soát chất lượng của từng máy tính, chạy thử để đảm bảo độ chính xác, an toàn. Mặc dù vậy, trong lịch thi ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã có thêm một ca thi dự trữ để những TS không may gặp phải trục trặc về kỹ thuật có thể dự thi ngay vào buổi tiếp theo. Ví dụ, ca thi chính thức là buổi sáng thì những trường hợp gặp vấn đề về kỹ thuật máy tính sẽ thi bù ngay vào ca thi buổi chiều.
70% người thi thử làm hết 140 câu trong bài thi
Theo Trung tâm khảo thí của ĐH Quốc gia Hà Nội, từ khi công bố bài thi thử trên mạng, tính trung bình mỗi ngày có 3.000 lượt người vào xem và làm thử. Tỷ lệ làm hết 140 câu trong bài thi chiếm 70%. Số điểm cao nhất người thi thử đạt được là 135 điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.