Biết nhau lắm, ngờ nhau nhiều

22/02/2012 03:06 GMT+7

Lần thứ ba kể từ tháng 7.2011, CHDCND Triều Tiên và Mỹ lại đối thoại trực tiếp. Đây còn là lần tiếp xúc đầu tiên từ sau sự thay đổi lãnh đạo ở Bình Nhưỡng. Chính vì thế, nó được coi như một phép thử đối với triển vọng của khuôn khổ đối thoại nói riêng và tương lai của quan hệ song phương nói chung.

Kết quả tích cực và đáng kể nhất của lần đàm phán này có lẽ là việc nó đã được 2 bên tiến hành. Như thế có nghĩa là kênh tiếp xúc và đối thoại trực tiếp vẫn được duy trì. Đàm phán không đạt được kết quả đáng kể nhưng thường xuyên gặp nhau vẫn có ý nghĩa tích cực hơn nhiều so với không thèm ngồi lại. Như thế cũng đồng nghĩa với việc hai bên vẫn chủ ý giữ giới hạn khi làm găng với nhau, không làm nhau mất thể diện đến mức không còn có thể nhân nhượng.

Vẫn chủ đề nội dung cũ là chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Vẫn vướng mắc cũ là bất đồng về nối lại vô điều kiện đàm phán 6 bên ở Bắc Kinh, vốn ngưng trệ từ năm 2009. Bản chất của trắc trở là cả hai chưa tin nhau. Họ chưa tin nhau vì quá hiểu nhau. Bên nào cũng muốn nắm đằng chuôi, coi việc bên kia chấp nhận cầm đằng lưỡi là bằng chứng cho thiện chí và thành thật. Vì thế mới có chuyện cả hai luẩn quẩn giữa cải thiện quan hệ và giải quyết vấn đề hạt nhân.

Lần này rồi cũng sẽ thế. Bối cảnh chính trị nội bộ ở Bình Nhưỡng và Washington chưa thuận lợi cho tiến triển đáng kể của kênh đàm phán này. Dù vậy, đến hẹn lại lên vẫn đáng được khích lệ hơn là vô định ngày hội ngộ.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.