Biểu tình Hồng Kông trước lựa chọn: 'Bạo lực hay không bạo lực?'

01/12/2014 14:00 GMT+7

(TNO) Căng thẳng và bạo lực dâng cao tại ở Hồng Kông trong lúc nội bộ người biểu tình xuất hiện nhiều bất đồng lớn, đặc biệt là việc có sử dụng bạo lực hay không.

Người biểu tình Hồng Kông: “Bạo lực hay không bạo lực?” 1
Cảnh sát tháo dỡ lều trại ở Công viên Thiêm Mã sáng 1.12 - Ảnh: Reuters

Tình hình tại khu Kim Chung (Admiralty) trong buổi sáng 1.12 vẫn căng thẳng. Cảnh sát đã bắt đầu dỡ bỏ lều trại của người biểu tình tại công viên Thiêm Mã ở Kim Chung (Admiralty). Việc tháo dỡ đã hoàn tất, tuy nhiên, ngay sau đó tại công viên này đã xuất hiện 3 chiếc lều của người biểu tình cắm trở lại, theo South China Morning Post (SCMP).

Cảnh sát xác nhận rằng họ đã sử dụng vòi phun nước để giải tán người biểu tình, lần đầu tiên kể từ khi cuộc biểu tình nổ ra. Tuy nhiên, nguồn tin cảnh sát nói rằng vòi nước chỉ xịt lên trời, không nhắm trực tiếp vào người biểu tình, theo SCMP.

Đêm 30.11, người biểu tình đã cố gắng bao vây trụ sở chính quyền Hồng Kông. Họ không đạt được mục đích, tuy nhiên xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát nổ ra tại đường Lung Wo, con đường dẫn vào tòa nhà chính quyền. Rất nhiều người bị thương, 40 người phải nhập viện, tính từ 11 giờ đêm 30.11 đến 9 giờ sáng 1.12.

Người biểu tình Hồng Kông: “Bạo lực hay không bạo lực?” 2
Cảnh sát cáo đối đầu với một người biểu tình - Ảnh: Reuters

Cảnh sát lên tiếng cáo buộc những hành động của người biểu tình trong thời gian gần đây là “hoàn toàn đi ngược lại chủ trương của những người tổ chức, vốn đề cao yếu tố bất bạo động”, New York Times cho biết. SCMP dẫn lời Lai Tung-kwok, thư ký an ninh, rằng cảnh sát tìm thấy gạch và gậy trong túi một số người biểu tình.

Trong khi đó, nội bộ người biểu tình hiện đang xảy ra “lời qua tiếng lại”, một số người tỏ thái độ thù địch ra mặt. Ít nhất một mũ bảo hiểm và lon bia bị ném vào các sinh viên khi họ đang trình bày kế hoạch trên sân khấu chính tại Kim Chung, theo SCMP.

Một người biểu tình tại Kim Chung chỉ trích các sinh viên lãnh đạo đã gián tiếp khiến nhiều người biểu tình bị thương vì ngăn cản họ “ăn miếng trả miếng” với cảnh sát.

“Nếu họ muốn chúng tôi bao vây tòa nhà chính quyền thì được thôi, nhưng đừng chỉ cho chúng tôi cái gì có thể làm, và cái gì không được phép”, SCMP dẫn lời người này.

 Người biểu tình Hồng Kông: “Bạo lực hay không bạo lực?” 3

Trong nội bộ người biểu tình đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau, một số tỏ rõ sự không hài lòng với các thủ lĩnh sinh viên - Ảnh: Reuters

Terry Kwan Yin-cheung, một sinh viên năm nhất, đã lên tiếng nghi ngờ về sự lãnh đạo của Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông: “Tôi đến đây để hy vọng một diễn biến mới vào đêm qua, nhưng cuối cùng lại bị đẩy vào thế tiến thoái lưỡng nan”.

“Chúng tôi không thể vào được tòa nhà của Hội đồng Lập pháp, cũng không bao vây được văn phòng Đặc khu trưởng. Chúng tôi chỉ có thể ngồi đây và tự mình ứng phó với cảnh sát”, SCMP dẫn lời Kwan.

Một số sinh viên tỏ thái độ chán nản, Mo Lau, 19 tuổi, nói với SCMP rằng mình không định tiếp tục biểu tình vào chiều nay, 1.12. Một số khác nói rằng các nhóm sinh viên lãnh đạo không còn cách nào khác phải đẩy mạnh việc biểu tình và chiếm đóng.

Trong khi đó, Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông vẫn kêu gọi người biểu tình giữ bình tĩnh, ôn hòa, bởi việc tấn công cảnh sát chỉ cho họ thêm lý do để đẩy mạnh đàn áp, theo SCMP.

Ở một diễn biến khác, Đại sứ quán Trung Quốc đã yêu cầu một nhóm nghị sĩ của Anh phải dừng ngay chuyến đi của họ đến Hồng Kông nhằm khảo sát về quan hệ của Anh đối với thuộc địa cũ của họ. BBC cho biết phía Trung Quốc đã cảnh báo sẽ từ chối cho nhóm nghị sĩ này nhập cảnh nếu họ nhất quyết đến Hồng Kông.

Hà Chi

>> Người biểu tình Hồng Kông cố chiếm trụ sở chính quyền
>> Báo Trung Quốc: 'Người biểu tình Hồng Kông kêu gọi đấu tranh vũ trang
>> Người biểu tình Hồng Kông gắng gượng
>> Thủ lĩnh biểu tình Hồng Kông Joshua Wong bị bắt
>> Người biểu tình Hồng Kông vẫn bám trụ ở Vượng Giác

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.