Binh sĩ Trung, Ấn lại đụng độ ở biên giới, hai bên đều bị thương

13/12/2022 06:35 GMT+7

Binh sĩ của Trung Quốc và Ấn Độ đã đụng độ tại khu vực Tawang thuộc vùng Arunachal Pradesh hôm 9.12, khiến một số binh sĩ của cả hai bên bị thương tích nhẹ.

Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ ở biên giới ngày 9.12 (ảnh minh họa)

getty

Nhiều báo Ấn Độ ngày 12.12 đưa tin về vụ đụng độ xảy ra ở khu vực gần Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) giữa hai nước tại Arunachal Pradesh, trích dẫn các nguồn tin khác nhau.

Báo The Hindu dẫn lời một quan chức quốc phòng giấu tên xác nhận sự việc, cho biết số người bị thương "phía Trung Quốc cao hơn nhiều so với phía Ấn Độ", dù không cung cấp thông tin cụ thể hơn.

Theo một nguồn tin khác, một số binh sĩ Ấn Độ đã bị gãy tay chân trong cuộc giao tranh và đang hồi phục sức khỏe tại một bệnh viện ở Guwahati, thành phố lớn nhất đông bắc Ấn Độ. Nguồn tin cho biết khoảng 600 binh sĩ Trung Quốc đã có mặt khi vụ đụng độ diễn ra.

Binh sĩ Ấn Độ, Trung Quốc đụng độ bằng gậy gộc, gạch đá tại vùng phân giới

Trong khi đó, báo Times of India dẫn các nguồn tin trong quân đội cho biết phía Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ càng với khoảng 300 binh sĩ nhưng không ngờ rằng phía Ấn Độ cũng chuẩn bị kỹ lưỡng. Cũng theo các nguồn tin này, ít nhất 6 binh sĩ Ấn Độ đã bị thương và được đưa đến Guwahati để điều trị, nhưng số người bị thương phía Trung Quốc cao gấp đôi.

Vẫn theo tường thuật của Times of India, sau sự vụ, chỉ huy của lực lượng Ấn Độ tại khu vực đã tổ chức cuộc họp với người đồng cấp Trung Quốc để thảo luận tình hình, tuân theo các cơ chế chặt chẽ nhằm "khôi phục hòa bình và yên ổn".

Đây là vụ đụng độ mới nhất sau sự vụ tương tự diễn ra vào ngày 15.6.2020. Khi đó, 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng và một số người khác bị thương trong cuộc đối đầu với quân đội Trung Quốc ở thung lũng Galwan thuộc vùng Ladakh. Phía Trung Quốc không nêu rõ con số thương vong của họ.

Ấn Độ và Trung Quốc có biên giới chung dài 3.800 km chưa được phân định và quân đội của họ trước đây tuân thủ quy định tránh nổ súng dọc theo LAC. Trong vài năm gần đây, hai bên đã nâng cấp đáng kể hỏa lực và cơ sở hạ tầng dọc theo ranh giới thực tế này.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với một phần lớn diện tích bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ và cho rằng những khu vực này thuộc về vùng đất mà Trung Quốc gọi là Tạng Nam (phía nam cao nguyên Tây Tạng).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.