Bình Thuận: Xử lý hình sự nếu ca nghi nhiễm Covid-19 để lại hậu quả nghiêm trọng

Quế Hà
Quế Hà
08/07/2021 20:25 GMT+7

Chiều ngày 8.7, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có công văn yêu cầu xác định trách nhiệm, xử lý hành chính, kể cả hình sự các sai phạm khi ca nghi nhiễm không chấp hành các quy định phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh.

Công văn do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong ký, gửi Ban quản lý dự án giao thông 7 (Bộ GTVT) Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Nội vụ và các huyện thị, thành phố yêu cầu thực hiện hàng loạt nội dung sau khi phát hiện ca nghi nhiễm SARS-Cov-2 là một kỹ sư, chỉ huy trưởng của một đơn vị đang thi công tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu UBND huyện Tuy Phong tiếp tục chỉ đạo điều tra dịch tễ, truy vết F1, F2 ca nghi nhiễm này để xét nghiệm và đưa cách ly, phun khử khuẩn các nơi mà ca nghi nhiễm từng đến.
Xem xét, đánh giá lại toàn bộ sự việc dẫn đến việc để ca nghi nhiễm trở về địa phương (từ TP.HCM) mà không tuân thủ các quy định phòng chống dịch, trong bối cảnh toàn huyện Tuy Phong đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Chính phủ.
Đã vậy, ca nghi nhiễm này không thực hiện cách ly tại nhà mà còn tổ chức liên hoan, tụ tập đông người. Qua đó, xác định trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân, xử lý vi phạm hành chính theo quy định, việc này phải làm xong trước ngày 10.7.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ, phối hợp với Công an tỉnh xem xét, tham mưu UBND tỉnh xử lý trách nhiệm từng tổ chức cá nhân, kể cả xử lý hình sự, nếu vi phạm trên là nghiêm trọng.
Ban Quản lý dự án 7, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp nhưng đã để một chỉ huy trưởng công trình thi công cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (ca nghi nhiễm này là chỉ huy trưởng của nhà thầu Đạt Phương) thiếu trách nhiệm, không chấp hành quy định về phòng chống dịch tại địa phương, dẫn đến để nguy cơ lây nhiễm dịch ra cộng đồng và có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu UBND các huyện thị, thành phố rút kinh nghiệm từ trường hợp này, rà soát lại địa phương mình quy trình kiểm tra ở các chốt kiểm dịch Covid-19 để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công việc.
Hiện Bình Thuận thành lập 2 chốt kiểm dịch Covid-19 ở hai đầu (giáp Đồng Nai và Ninh Thuận) kiểm soát tất cả người ra vào, đặc biệt người về từ TP.HCM phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính mới được vào Bình Thuận.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu BVĐK Bình Thuận và Trường Chính trị tỉnh

Cũng trong ngày 8.7, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong có văn bản yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo BVĐK Bình Thuận xử lý bác sĩ Q.T.B (bác sĩ Khoa Sản - BVĐK Bình Thuận vừa nhận việc hôm 14.6 thì 23.6 nhiễm SARS-Cov-2), kiểm điểm các sai phạm của người đứng đầu BVĐK Bình Thuận. Chủ tịch UBND tỉnh còn giao cho Chủ tịch UBND H.Tuy Phong xem xét, xử lý bác sĩ Q.T.B vì có dấu hiệu khai báo y tế không đúng sự thật khi về từ tỉnh Đồng Nai (về Tuy Phong) để lây lan dịch tại huyện này.
Giao Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân thuộc Trường Chính trị tỉnh vì mở lớp học đúng lúc bùng phát dịch bệnh. Đồng thời, giao Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết xem xét xử lý Trường Chính trị tỉnh theo luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.