TNO

Blog của May: Hậu 8.3

10/03/2015 10:30 GMT+7

(iHay) Thế là cứ phải đến 8.3 phụ nữ mới được quan tâm, mới được chú ý? Qua đi, mọi thứ lại đâu vào đấy?

(iHay) Hậu 8.3, tôi thấy nhiều người hỏi nhau: 'Sao, 8.3 nhận được nhiều hoa không?'. Tôi băn khoăn mãi, không hiểu nhiều hay ít đánh giá được điều gì. Bạn nhận được nhiều, chưa chắc bạn được yêu nhiều. Bạn chẳng nhận được bông hoa nào, cũng đâu phải bạn không có ai yêu?

>> Blog của May: Hãy cất một chiếc bao cao su vào ví

 

Tôi cũng không thích câu biện hộ của đàn ông, rằng "ngày nào chả là ngày 8.3", bởi lẽ nó chính xác là một câu biện hộ. Nếu đàn ông thực lòng thương người phụ nữ của mình, thì ngày 8.3 nào cũng là ngày thường mới phải, vì ngày thường cô ấy cũng đã được yêu thương đủ nhiều, chẳng cần mỏi mòn đợi đến ngày lễ mới được yêu.

Hậu 8.3, tôi buột miệng nhờ cậu bạn cùng phòng bê hộ mấy thứ đồ nặng nặng, nhận được câu đùa: “Qua 8.3 rồi nhé”. Dĩ nhiên sau đó tôi vẫn được giúp, nhưng câu đùa của bạn tự dưng khiến tôi nghĩ: “Ô hay, thế là cứ phải đến 8.3 hay 20.10 phụ nữ mới được quan tâm, mới được chú ý đến”. Qua đi, mọi thứ lại đâu vào đấy.

Hoa hồng trong bình sẽ héo, họ lại cất đi khuôn mặt vui vẻ rưng rưng vừa hiện ra trong phút chốc để tính toán với trăm thứ lo tưởng chừng vặt vãnh của một gia đình, để đợi chồng về ăn tối, đợi nhặt từng chiếc áo, chiếc tất mà đức ông chồng vứt ra gom vào máy giặt, để xoay như chong chóng rửa bát, giặt đồ, lau nhà… Trong khi chồng ngồi xem chương trình ti vi yêu thích. Quý lắm, chồng cũng chỉ quay ra ái ngại nói một câu: “Làm gì nhiều thế, nghỉ đi mai làm tiếp”.

Hậu 8.3, có người phụ nữ kể tối qua chồng cô về sớm, xung phong vào bếp nấu ăn cho cả nhà. Nhưng gạo muối mắm dầu để đâu anh cũng không biết, bữa tối dọn ra chỗ cháy chỗ sống, nhà bếp thì bừa bộn vung vãi như vừa có trộm vào. Mấy chị em bên cạnh bào chữa ngay hộ anh chồng: “Vụng thì vụng, nhớ đến vợ là quý rồi”. Tôi thì lơ mơ nghĩ, cả năm qua anh làm gì khi thờ ơ với căn bếp của chính gia đình mình. Mọi bữa ăn của anh, từ bát mì tôm ăn sáng đến bữa tối muộn lúc 9-10 giờ đêm cũng do một tay vợ anh chuẩn bị. Cả một năm sống trong nhà như khách lạ, cả một năm quen được phục vụ, vậy thì một bữa cơm ngày 8.3 rồi đến mai mọi việc lại đâu vào nếp cũ, liệu có đáng khen không?

Không thiếu đàn ông biết nấu ăn ngon, biết cắm hoa đẹp chẳng kém gì vợ anh. Họ thi thoảng cũng vào bếp, cũng rửa bát lau nhà, nhưng luôn nghĩ thế này: “Mình làm được thôi, nhưng việc này là việc của phụ nữ”. Tôi thiết nghĩ, đã là việc trong một nhà, thì không thể dồn hết cho một ai, nếu đã coi việc động tay động chân làm việc gì đó như nhón tay làm phúc, đó không còn là chia sẻ, đó là ban ơn. Những người đàn ông như vậy thường… nguy hiểm, bởi bạn lỡ kho thịt hơi mặn, họ sẽ nhận xét bằng giọng rất đỗi chuyên môn: “Sao em không nấu ngon như anh nấu, sao em không làm như anh bảo …”, dù 365 nồi thịt kho mà nhà bạn ăn trong năm chẳng có nồi nào do anh ấy vào bếp cả.

Nó là kết quả của điều gì? Nó là kết quả của việc coi việc yêu thương phụ nữ như sự ban ơn. Là việc xem nghĩa vụ san sẻ chăm sóc lẫn nhau trong một gia đình như món quà khuyến mại mỗi năm chỉ tặng được một lần. Nếu phụ nữ bớt coi trọng 8.3 mà hãy tự yêu lấy mình hơn trong suốt những ngày còn lại, nếu đàn ông coi việc về nhà hơn việc nhậu nhẹt cùng chiến hữu, nếu hàng ngày sau giờ làm anh chịu vào bếp làm cơm giúp vợ, nếu anh mua tặng vợ một bông hoa mà không phải đợi ngày này, ngày kia... thì phụ nữ đã không phải thấp thỏm rồi thất vọng vì món quà không như ý, đã không phải nấu cháo giải rượu cho chồng sau bữa liên hoan 8.3, không phải ăn bữa cơm cháy khét...

Khiến mình không được chăm nom, phụ nữ đừng tưởng mình không có lỗi. Bạn không chịu cố gắng mà chỉ mong lấy được tấm chồng để “chồng nuôi”, bạn sẽ chẳng được gì ngoài tiền lương anh ấy đưa hàng tháng. Bạn than thân trách phận khi chồng mình chẳng kiếm được nhiều tiền như… chồng hàng xóm, chồng bạn cũng sẽ coi việc mang thêm nhiều tiền về nhà là đủ.

Xã hội “ép” đàn ông phải làm việc “lớn”, nên phụ nữ đành làm việc “nhỏ”. Xã hội dè bỉu người đàn ông thích mặc tạp dề vào bếp cặm cụi chế biến món này món nọ là “đàn bà”, nên anh ta chỉ nằm khểnh ở phòng khách xem ti vi. Xã hội bảo rằng đàn ông “sợ” vợ là đàn ông “mặc váy”, nên anh ta phải quát nạt ầm ĩ trong nhà mình. Xã hội không cho đàn ông được khóc, được yếu đuối, nên đàn ông phải gồng mình lên mạnh mẽ thành vô tâm, sao hiểu nổi những nhạy cảm của chúng ta.

Khó lắm, nhưng đến bao giờ người ta nhìn điều này một cách bình thường:

- Đàn ông có quyền nấu cơm, rửa bát quét nhà.

- Phụ nữ có quyền bận rộn ở những nơi không phải nhà mình.

Thì, 8.3 mới vui…

Blog của May
Ảnh minh họa: Shutterstock

>> Blog của May: Năm mới, yêu sao cho mới
>> Blog của May: Mùng 1 ăn gì?
>> Blog của May: Hãy để năm cũ qua đi
>> Blog của May: Những lời yêu cho Valentine hạnh phúc
>> Blog của May: Bạn có 'để dành' cuộc đời mình không?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.