(iHay) 'Hôm nay ăn gì?, câu hỏi suốt cả năm qua làm bạn đau đầu. Nấu món gì, ăn ở đâu, quanh đi quẩn lại cũng chỉ từng đó đáp án xài đi xài lại. Chuyện ăn tưởng như là chuyện nhỏ, hóa ra cũng lớn. Năm nay, xem bạn có thể làm gì để làm mới chuyện 'ăn' của mình nhé.
>> Blog của May: Hãy để năm cũ qua đi
Người Việt Nam có thói quen dùng từ “ăn” cho nhiều hoạt động: ăn tết, ăn cưới, ăn hỏi, ăn giỗ… Khi xưa, ăn là để no, nhưng giờ ăn là để ngon. Với tôi, ăn để vui còn quan trọng hơn ngon nữa. Dẫu chỉ là bữa ăn giản dị ở nhà hay sang trọng tại nhà hàng, chỉ cần bạn thấy vui vẻ, bữa ăn đó ắt hẳn thành công.
Với những người thân thiết với cuộc đời mình, điều nhỏ bé nhất mà tôi làm ngay cho họ chính là việc ghi nhớ thói quen ăn uống của từng người. Cô ấy chúa ghét ăn hành, anh ấy không thích hạt tiêu, chị ấy chẳng ưa món nhiều dầu mỡ… con người luôn xem chuyện ăn uống là việc nhỏ bé tầm phào của riêng mình, thế nên nếu có ai để tâm và chăm sóc mình từ những điều nhỏ bé tầm phào ấy thì thật quý giá biết bao. Thử nghĩ xem, bước vào quán chưa kịp lên tiếng, người đi cùng đã “tranh” gọi trúng phóc món tủ của bạn kèm những “order” đặc biệt, lúc đó món ăn dở đến mấy chắc cũng thấy ngọt ngào.
Tôi ít khi mời người khác đến nhà ăn cơm, bởi với tôi nấu ăn là từ trái tim. Phải là người thân thiết đặc biệt đến thế nào mới khiến mình mang theo âm trạng vui vẻ lựa từng món thực phẩm, cầu kỳ từng khâu chế biến. Dẫu chỉ là món ăn đơn giản, nhưng lựa theo khẩu vị của người ta mà gia giảm mới là điều làm nên sự “ngon”.
Vì họ, món ăn này có thể bớt cay, đĩa salad có thể thêm bớt thức này, thức nọ, món thịt này cần chín kỹ thay vì chín tái như thường lệ. Tôi chưa hẳn thích thú khi người ăn nức nở khen món mình nấu ngon như ăn tiệm, nhưng sẽ thấy ngọt ngào hãnh diện lắm lắm nếu người đó nhận ra tôi đã vì khẩu vị của riêng họ, vì mối quan tâm thực lòng dành cho họ mà vào bếp. Nấu ăn ngon hay không, còn nhờ vào trái tim nữa. Tôi không phải đầu bếp, tôi không phục vụ hàng trăm thực khách, tôi chỉ có căn bếp nhỏ vừa chỗ cho những người tôi yêu mến.
Mỗi khi nhận được câu hỏi: “Chúng ta ăn gì hả em?”, tôi đều thấy đó là điều chẳng thể trả lời qua loa. Nấu món gì, đi ăn món gì, đều là từ trách nhiệm chân thành. Tất cả những người thường xuyên vào bếp có lẽ đều nhận thấy rằng khi ta nấu ăn cho ai đó, thì dù khẩu vị của họ có khác hẳn thói quen ăn uống thường ngày của ta, ta vẫn sẽ vui lòng mà thực hiện. Người vào bếp thường không ăn được nhiều, thay vào đó, họ “ăn” niềm vui của những người thưởng thức.
Và nếu đổi lại vai trò, tôi nghĩ người đầu bếp cũng sẽ hạnh phúc vô cùng nếu một ngày nào đó được ấn vào ghế kèm lời dặn: “Ngồi yên ở đây, anh sẽ nấu cho em ăn”. Khi đó, họ lại bắt đầu nhâm nhi niềm hạnh phúc của người thưởng thức, ăn ngon lành dưới ánh mắt sáng ngời của người kia, dầu là món ăn có hơi mặn, hơi nhạt, hơi sống, hơi chín đi chăng nữa.
Rồi chiều nay trong lúc bạn đang đau đầu chọn quán cho buổi hẹn hò, bỗng dưng cô ấy nhắn tin úp mở: “Tối nay em dẫn anh đi ăn, có quán này hay lắm”. Tối đến, nàng tươi cười dẫn bạn đến nơi bí mật, thoăn thoắt cầm thực đơn chọn món bạn thích, hồi hộp chờ bạn nếm thử và luôn miệng hỏi có ngon không. Tâm trạng đó cũng không khác mấy so với việc nàng tự tay vào bếp, đáng yêu nhường nào.
Câu hỏi “mùng 1 ăn gì?” không phải khó trả lời, nhưng trả lời để vui lòng người đối diện thì không dễ. Vậy nên đẩy trách nhiệm này vào tay một người mãi thì cũng mệt. Biết đổi vị trí cho nhau, chúng ta sẽ đồng thời cảm nhận được niềm vui được cưng chiều, và việc được cưng chiều lại người ta yêu mến.
Tôi không thể đưa cho bạn thực đơn cho suốt cả một năm, nhưng tôi mong bạn có thể nhớ rằng thứ gia vị cần nhất cho mọi bữa ăn, đó là ăn để vui, ăn để nhớ rằng đã có ai đó vào bếp vì mình, vì tình yêu.
Blog của May
Ảnh minh họa: Thu Phạm
>> Blog của May: Hãy để năm cũ qua đi
>> Blog của May: Những lời yêu cho Valentine hạnh phúc
>> Blog của May: Bạn có 'để dành' cuộc đời mình không?
>> Blog của May: Bí kíp vui ngày tết của nàng độc thân
>> Blog của May: Tình dục là chuyện… lớn
Bình luận (0)