Án oan một người, nỗi đau một đời

30/08/2016 08:18 GMT+7

Cụ ông 80 tuổi chịu án oan 43 năm Trần Văn Thêm đã được minh oan, tuy nhiên, những nỗi đau vẫn còn đó, ngự trị trong ông và những người thân trong gia đình gần nửa thế kỷ qua.

Chiều 29.8, chúng tôi gọi điện thoại cho cụ ông Trần Văn Thêm, đầu dây bên kia cụ khó nhọc: “Tôi yếu cô ạ. Ăn không ăn được, ngủ không ngủ được. Cái chân cũng đau lắm”. Chúng tôi hỏi đến số tiền 12 tỉ đồng cụ đòi bồi thường sau những năm tháng chịu án oan, cụ thở dài: “Đến giờ tôi vẫn chưa nhận được một đồng nào, cũng chưa có ai hứa hẹn gì là bao giờ sẽ trả. Tôi gần đất xa trời, chưa biết chết ngày nào, cũng mong có một ít tiền cho con cái sửa sang cái nhà, chúng đang khó khăn lắm”.
Thế nhưng, nỗi buồn hậu án oan của cụ Thêm không chỉ còn lại trong một chữ “tiền”. Nghèo, cũng đã nghèo cả đời. Sự day dứt trong tâm khảm và nỗi đau triền miên trong một dòng họ mới là cái đau nhất.
Chiều 29.8, cụ Trần Văn Thêm chậm rãi nói với chúng tôi: “Mới hôm kia thôi, người em nhà cụ Văn (Nguyễn Khắc Văn - người bị cướp giết chết năm 1970 - PV) vẫn nói với mọi người, tôi là kẻ giết người. Họ không tin vào kết luận của tòa án, của cơ quan nhà nước. Tôi đau lắm, nhưng im lặng, không đôi co, vì cùng làng sẽ xảy ra chuyện lớn”.
Có những nỗi đau âm ỉ trong dòng tộc không có giới hạn thời gian và không gian, chúng không thể xóa nhòa bằng một tờ giấy A4 và những lời xin lỗi của Tòa án.
Nhiều người làm phiên xin lỗi công khai cụ Thêm bị náo loạn Ảnh Thúy Hằng
Ngày 11.8, ông Trần Văn Thêm được xin lỗi công khai và công bố quyết định đình chỉ bị can. Trưa đó, ông Trần Văn Tuân, Phó chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội, vừa kết thúc bài phát biểu công khai xin lỗi cụ Trần Văn Thêm, ngay lập tức phía dưới hội trường vang lên những tiếng hô lớn giận dữ của người thân cụ Nguyễn Khắc Văn (em họ cụ Thêm, người bị kẻ cướp giết hại năm 1970). “Bác tôi đã được minh oan, vậy bố tôi thì sao? Hãy trả lại công bằng cho bố tôi, kẻ giết bố tôi là ai, họ phải đền tội”, bà Nguyễn Thị Hải, con gái nạn nhân Văn, vừa khóc vừa nói.
Cạnh bà Hải, các em trai, em dâu cũng xúm lại, hô lớn, yêu cầu cơ quan chức năng tiếp tục cuộc họp. “Bố tôi chết tức tưởi khi tôi 3 tuổi, em tôi mới 5 tháng tuổi. Anh tôi không được học hành tử tế. Tôi muốn những mất mát, cay đắng trong gia đình tôi phải được bù đắp”, bà Hải gào lên, đám đông nhốn nháo, bất chấp sự thuyết phục của lực lượng công an. Cụ Trần Văn Thêm, người ít phút trước mới rưng rưng cầm quyết định đình chỉ bị can, chua xót quay đi. Cụ sốc. Người thân phải dìu cụ về nhà bằng một cửa riêng của Trung tâm văn hóa huyện Yên Phong.
Chúng tôi còn nhớ, ngày 10.8, khi phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Vinh, con trai cả của cụ Nguyễn Khắc Văn bộc bạch: “Chúng tôi, hai gia đình ít qua lại nhà nhau, tránh xa những đám giỗ chạp hội hè, sợ có hơi men sẽ không kiềm chế được mình mà gây chuyện lớn…”.
"Tôi vẫn chưa nhận được một đồng nào tiền bồi thường cả, cũng không ai hứa hẹn bao giờ được nhận". Ảnh Thúy Hằng
Trong khi đó, bà Trần Thị Xuân, con gái cả của cụ Trần Văn Thêm, xác nhận hơn 40 năm qua, dù cụ Thêm đã được tại ngoại, nhưng có một bức tường vô hình chặn đứng giữa họ. “Vợ cụ Văn đến tận khi chết vẫn nghi ngờ bố tôi giết cụ Văn. Cụ bà không nhìn mặt bố tôi, nhiều người hàng xóm vẫn thầm thì, bố tôi giết em họ cướp của, đó là bi kịch của gia đình tôi”, bà Xuân khóc.
Không ai biết sẽ cần bao nhiêu lâu để bù đắp hết những nỗi đau mà 2 dòng họ phải trải qua trong suốt hơn 40 năm trời. 12 tỉ đồng, nếu cụ Thêm còn sống được đến ngày nhận tiền bồi thường, số tiền đó có bồi lại được vết thương, sự rạn vỡ trong bao nhiêu con người trong suốt một đời?
Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Trần Văn Thêm, những nỗi đau nhức  nhối hàng chục năm. Người ta đang hỏi nhau, trong tương lai, liệu có còn những vụ oan sai tàn nhẫn như thế nữa? Ai sẽ trả lời được câu hỏi ấy?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.