Khóc ở biên cương

26/02/2016 09:43 GMT+7

Từ một bài báo đăng ngày giá rét, chúng tôi có duyên nợ để trở lại Hà Giang, mang theo tấm lòng bạn đọc khắp nơi ủng hộ những em bé và người dân sống vùng biên cương Tổ quốc.

Cuối tháng 1.2015, chúng tôi tới Hà Giang đúng những ngày miền Bắc gặp đại hàn, tuyết phủ trắng xóa huyện Đồng Văn, Mèo Vạc. Nhiều tin bài, video tuyết rơi và cuộc sống con người trong tuyết được đăng tải trên báo Thanh Niên. Chúng tôi cũng không ngờ một đoạn video dài hơn 2 phút mang tên Xót xa những đôi chân trần trên tuyết trên trang media của báo đã thu hút hàng chục ngàn lượt xem, hàng trăm lượt chia sẻ, các bình luận tới tấp gửi về.
Áo ấm tới Hà Giang đúng những ngày ở đây rét đậm - Ảnh: Lê Nam
Chúng tôi cũng đã đăng trên facebook cá nhân những bức ảnh cuộc sống khốn khó của những em bé Mông trong giá rét vùng cao, tưởng chỉ đơn giản là tiếng thở dài mông lung trong thế giới ảo. Thế nhưng, những tấm lòng thật, rung động thật với Hà Giang đã lên tiếng, mọi người muốn được ủng hộ cho Hà Giang.
Một anh đồng nghiệp làm việc tại văn phòng Báo Thanh Niên tại Cần Thơ đã kết nối với rất nhiều bạn đọc thân thiết vùng Tây Nam Bộ và TP.HCM. Không biết các anh chị đã trao đổi với nhau những gì, chỉ biết điện thoại tôi liên tục đổ chuông, tin nhắn facebook báo ầm ầm.

Trao quần áo cho các em, chúng tôi thấy tim mình run run

“Hằng à, anh mới nhận thêm được một bao quần áo nữa nhé. Có các anh cầu thủ trong đội Xổ số kiến thiết Cần Thơ gửi cả quần áo cầu thủ và giày đá bóng nữa. Em ra bến xe Nước Ngầm lấy nhé”. “Hằng ơi, tớ có quần áo cũ đã gom lại hết rồi, nhà bạn ở đâu cho tớ xin địa chỉ để mang đến”. “Em ơi, mình còn nhận quần áo nữa không, chị mang tới cơ quan cho em nhé”.
Người nọ nhắn người kia, chỉ trong chưa đầy 2 tuần lễ, đầu cầu Hà Nội đã nhận được hàng trăm bộ quần áo, trong đó gồm cả áo bông cho các em nhỏ và các quần áo mặc thường ngày của các phụ huynh, hơn 14 triệu đồng tiền mặt. Quần áo được gói trong những chiếc bao rất cẩn thận, bên ngoài là những dòng chữ thân thương: “Quà từ thiện Hà Giang”.
Bạn đọc Báo Thanh Niên dễ thương tới mức, một người tôi không biết mặt, biết tên, chỉ thấy email ghi là Kiet Phan, xin luôn số tài khoản ngân hàng của tôi và chuyển luôn tiền, nói tôi mua giúp anh những gì cần thiết cho các bé. Công ty sữa Nutifood biết tin chúng tôi sắp đi Hà Giang, đồng ý xuất kho một lúc 3.600 hộp sữa, hàng chuyển từ kho ở Hà Nam lên tới Hà Nội đúng một ngày sau khi công ty khai xuân đầu năm.

Sữa với trẻ em miền núi là một món quà xa xỉ - Ảnh: Lê Nam

Tôi bối rối, nhiều lúc lóng ngóng thật sự không biết xử trí ra sao giữa một nhà đầy quần áo. Sữa, bánh kẹo, mì tôm, giày dép thì cứ chất đống mỗi lúc một cao trong nhà để xe của cơ quan. Giữa lúc rối bời không biết cách nào có thể khuân hết số hàng khổng lồ lên tới miền núi đá cách Hà Nội gần 600 km thì được gia đình một em từng là cộng tác viên Báo Thanh Niên đồng ý làm “nhà tài trợ vận chuyển”. Gia đình em cho mượn một chiếc xe bán tải và cử cả một tài xế rất giàu kinh nghiệm đi đường trường giúp chúng tôi tới Hà Giang. Thế là đường về biên cương gần hơn. Chúng tôi gửi các lô quần áo và một nửa số sữa bằng xe khách lên trước, xe bán tải chở người và số sữa còn lại lên theo.
Giữa ngày chúng tôi tới Hà Giang, miền núi đá bỗng trở rét đậm, nhiệt độ sớm 23.2 chỉ còn 7- 8 độ C. Các cung đường cua tay áo liên tục bị sương mù giăng dày đặc. Xe phải đi cả trong đêm để kịp thời gian, nhiều đoạn vừa dò đường trong sương mù vừa tim đập chân run, có khi cả đoàn ai cũng đói lắm mà không ai dám ăn, sợ thức ăn bị đoạn đường toàn sỏi đá và cua gấp làm cho ói hết.
Vừ Mí Dờ, con trai thứ 6 nhà “thánh phượt” Vừ Già Pó được mặc quần áo mới - Ảnh: Lê Nam
Chiếc xe vừa đến địa phận xã Cán Chu Phìn, hai bên đường trẻ con thấy ô tô chạy ào ra vẫy vẫy. Chúng tôi vừa kịp mở chiếc thùng xe ra, tức thì hàng chục bà con người Mông đã vây quanh, chìa bàn tay xin sữa, mì tôm. Chúng tôi đưa một bao quần áo xuống, người dân reo lên rồi nhanh như cắt, chiếc bao được khiêng vụt vào nhà, đoàn người chạy ùa theo, người già, em bé sung sướng chọn được cho mình chiếc áo bông, cái mũ len, chiếc quần vải, áo sơ mi mới.
Đấy là quần áo, tặng sữa cho trẻ em vùng cao mới thật là những khoảnh khắc khó tả. Xe chúng tôi dừng lại tại các điểm trường trong 2 xã Tả Lủng, Khâu Vai và nhiều nhà dân bên đường đi. Đón nhận hộp sữa từ tay tôi, nhiều em nhỏ ngơ ngác như đang được cầm một vật thể gì lạ nhất trên đời, các cháu không biết làm thế nào để uống được. Anh Già Pó, Phó bí thư Xã đoàn Khâu Vai, thở dài: “Các em ở đây chỉ biết mèn mén (bột ngô hấp chín) thôi. Sữa là một từ không có trong từ điển”.
Chúng tôi cứ nhớ mãi cái nắm bàn tay rất chặt của chị Li Thị Lía, chồng “thánh phượt” Vừ Già Pó, người lưu lạc 5.800 km sang tận Pakistan năm nào. Anh chị Lía - Pó đã có đứa con thứ 6, căn nhà nghèo xác xơ, thằng bé 10 tháng tuổi người mũm mĩm như củ sắn thiếu áo quần để mặc, chân rét tím tái. Nhận từ chúng tôi một thùng sữa, nhiều áo đẹp cho con trai út, một túi to quần áo ấm cho người lớn, chị Lía rưng rưng: “Thế này chồng tôi mặc đến lúc chết”.
Tôi viết những dòng trạng thái trên facebook, gửi cho mọi người xem những hình ảnh trẻ em xúng xính trong quần áo mới, tranh nhau uống sữa, người lớn háo hức nhận quần áo ấm, bạn bè khắp nơi đều thấy hân hoan. Nhưng giá như tôi có thể gửi cho mỗi người một ít cảm xúc (như tôi), khi chứng kiến niềm vui sướng của đồng bào miền núi nhận quà người miền xuôi. Cảm xúc đó khó gọi tên lắm, nó có sức mạnh làm mọi mệt mỏi, sợ hãi khi xe đổ đèo, vượt dốc cua tay áo trong đêm tiêu tan. Nó làm cho gần 600 km đường từ Hà Nội tới biên cương hóa thành chút cay sè nơi sống mũi khi thấy các em nhỏ tung tăng trong chiếc áo bông.
Áo ấm đến với các em vào đúng những ngày giá rét quay trở lại Hà Giang
Đừng khóc ở Hà Giang, tôi bảo bạn bè như thế, nhưng hôm qua tôi không làm được.
Tôi hèn nhát nhận ra rằng mình chưa từng tham gia một đoàn từ thiện, cũng chưa bao giờ hô hào mọi người hãy ủng hộ người này, người khác. Nhưng hình như Hà Giang là một ngoại lệ, có một sợi dây duyên nợ nào đó giữa tôi và mảnh đất biên cương chỉ thấy đá và đá này, để một lần đi và phải trở lại.
Bạn bè tôi, đừng trách móc nữa vì sao tôi đi vội vàng khi còn chưa kịp nhận hết quần áo. Biên cương còn nghèo khó lắm, nếu có tấm lòng, trái tim ai rồi cũng sẽ tìm tới đích mà thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.