Một ngày theo chân ông chủ Samsung Việt Nam

27/11/2015 09:48 GMT+7

Đi cùng ông Han Myuong Sup, điều dễ nhận thấy là lãnh đạo tập đoàn này làm việc rất khoa học, tỉ mỉ đến những chi tiết nhỏ nhất và đó có lẽ là một yếu tố khiến Samsung trở thành một tập đoàn toàn cầu.

Sáng 26.11, tôi được Samsung Việt Nam mời tham gia chuyến đi của ông Tổng giám đốc tập đoàn Han Myuong Sup tới 4 công ty Việt Nam để xem khả năng hợp tác, cung cấp linh kiện, phụ kiện cho các nhà máy của Samsung ở Việt Nam.
Tôi khá bất ngờ trước lời mời này vì trước nay, thường các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam hầu như không có sự chủ động tìm nhà cung cấp nội địa Việt Nam mà thường họ hay tổ chức hội thảo, hội nghị, thông báo mời chào trên báo chí và doanh nghiệp nào quan tâm thì tham gia. Đó là lẽ “trâu đi tìm cọc”. Thực ra, Samsung cũng đã từng làm như vậy. Đã có vài cuộc hội thảo, triển lãm nho nhỏ tại Hà Nội nhưng có vẻ như họ không đạt kết quả.
Lãnh đạo Samsung phát hiện nhiều bụi trên dây chuyền sản xuất của sản xuất Công ty Việt Hưng 
Một cựu lãnh đạo của Samsung Việt Nam trước đây có nói với tôi: “Thực sự thì chúng tôi rất cần tìm kiếm các các nhà cung cấp các linh, phụ kiện ở Việt Nam do Samsung xác định Việt Nam là một cứ điểm sản xuất lớn nhất cỉa tập đoàn trên toàn cầu. Nếu các doanh nghiệp nội địa Việt Nam tham gia cung ứng linh, phụ kiện, sẽ giảm chi phí cho chúng tôi rất nhiều”.
Có vẻ như không chờ đợi thêm được nữa, lần này lãnh đạo Samsung đã trực tiếp đi thị sát các công ty Việt Nam. Mới sang Việt Nam khoảng một năm, ông Han Myuong Sup đã xúc tiến nhanh hơn các hoạt động tìm kiếm nhà cung cấp linh, phụ kiện cho các nhà máy “tỉ đô” của tập đoàn này.
Trong buổi sáng 26.11, ông đã tới 4 công ty: An Phú Việt, Việt Hưng -2 công ty ở Hưng Yên; và  2 công ty ở Bắc Ninh: Công ty Chiến Thắng, Công ty Thăng Long. Thực ra, Samsung đã kết nối với 4 doanh nghiệp này từ đầu tháng 9 và đã cử các chuyên gia từ Hàn Quốc sang tư vấn, phân tích cho các công ty này các vấn đề mà họ gặp phải để cải tiến toàn diện hoạt động sản xuất để có thể làm nhà cung ứng cho các sản phẩm của Samsung.
Trong 4 công ty trên, Việt Hưng và Thăng Long, chuyên làm bao bì, đã được lựa chọn làm đại lý cấp 1 (vendor 1) cho Samsung: Việt Hưng đã làm vỏ hộp cho các dòng máy điện thoại, Thăng Long cung ứng bao nilon… Hai công ty còn lại vẫn đang trong quá trình xem xét để được duyệt làm vendor 1, cung cấp phôi nhôm, vỏ sạc điện thoại, máy tính bảng…
Đến mỗi nhà máy, ông Han đều xem xét rất kỹ các dây chuyền sản xuất, từng bộ phận máy móc… liên tục đưa ra các nhận xét, đánh giá, góp ý cho lãnh đạo các công ty để cải tiến quy trình sản xuất. Ông phát hiện rất nhanh nhà máy nào có vấn đề gì: Nhà máy của Việt Hưng còn để nhiều bụi bẩn trên băng chuyền; nhà máy của An Phú Việt sắp xếp nguyên vật liệu còn lộn xộn.
Ông Han Myuong Sup nói: “Mỗi công ty cũng có ưu điểm nhất định và họ cũng có khả năng trở thành đối tác của Samsung. Nhưng nhìn chung thì các doanh nghiệp còn rất nhiều vấn đề phải hoàn thiện để có thể hợp tác lâu dài với chúng tôi”.
Đi cùng ông Han, điều dễ nhận thấy là lãnh đạo tập đoàn này làm việc rất khoa học, tỉ mỉ đến những chi tiết nhỏ nhất và đó có lẽ là một yếu tố khiến Samsung trở thành một tập đoàn toàn cầu. Hiện Samsung có trên 100 nhà cung cấp linh, phụ kiện ở Việt Nam nhưng đại đa số là doanh nghiệp FDI và 4 công ty thuần 100% vốn Việt Nam nói trên mới chỉ có 2 công ty đã được cung cấp linh kiện cho Samsung với qui mô không lớn và sản phẩm cũng rất đơn giản.
Nhìn từ 4 doanh nghiệp đang được Samsung quan tâm này, có thể thấy, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn rất yếu kém. Các doanh nghiệp trong nước còn rất thụ động trong việc kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp FDI lớn.
Nếu như doanh nghiệp Việt có sự chủ động hơn, có những hoạt động đầu tư bài bản cho công nghệ, dây chuyền sản xuất, tổ chức sản xuất hợp lý thì chỉ cần là nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung, một tập đoàn có doanh thu hàng chục tỉ USD/năm riêng tại Việt Nam, thì họ cũng đã có khả năng trở thành những doanh nghiệp lớn và trên hết, là trong quá trình hợp tác, làm ăn với những tập đoàn lớn như Samsung, có được cơ hội học hỏi nhiều kinh nghiệm, cách thức quản trị để phát triển, lớn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.